Sự kiện giáo dụcTin tức

Năm học mới ở các quận, huyện: Còn lắm khó khăn

Tạp Chí Giáo Dục

Một trường MN ngoài công lập tại Q.Gò Vấp tham gia phổ cập MN 5 tuổi

Hôm nay (ngày 14-9), Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ có buổi họp giao ban với hiệu trưởng các trường THPT, trưởng các phòng GD-ĐT quận, huyện.
Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Hồng Sơn thì: “Sở tổ chức buổi giao ban này để các đơn vị trình bày những khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ năm học mới. Qua đó sở sẽ có những hướng tháo gỡ và giải quyết kịp thời”. Vậy khó khăn hiện nay của các địa phương là gì?
Quá tải ở tiểu học
Ba năm trước, với trên 100 lớp và khoảng 6 ngàn học sinh (HS), Trường Tiểu học (TH) An Hội, Q.Gò Vấp đã trở thành trường TH lớn nhất nước. Từ năm học 2010-2011, được các trường TH lân cận là Trường Lương Thế Vinh, Lam Sơn “gánh” cho một phần HS nên Trường An Hội đã bớt căng thẳng. Và hiện nay, “danh hiệu” trường TH lớn nhất nước đã được trao cho Trường TH Lê Văn Thọ, Q.12.
Trường TH Lê Văn Thọ hiện nay có 85 lớp với trên 4 ngàn HS, trong đó lớp 1 là 950 em với 21 lớp. Ông Trần Trung Hiếu – Trưởng phòng GD-ĐT Q.12 cho biết: “Ngoài việc thu nhận HS của phường Tân Thới Hiệp, Trường TH Lê Văn Thọ còn phải tiếp nhận cả HS của phường Hiệp Thành và phường Thới An. Do phường Thới An có gần 700 cháu nhưng Trường TH Kim Đồng chỉ đủ sức nhận 540 cháu. Còn phường Hiệp Thành có số trẻ trong độ tuổi vào lớp 1 khoảng 1.100 cháu, tuy nhiên Trường TH Nguyễn Trãi chỉ đủ sức tiếp nhận 630 cháu. Trường TH Nguyễn Trãi cũng có tới 67 lớp với khoảng 3.400 HS”.
Bốn năm trước, Trường TH Lê Văn Thọ được xây mới và đưa vào sử dụng. Theo đó trường chỉ có 30 phòng học, đúng chuẩn của Bộ GD-ĐT. Hiện nay để có chỗ học cho trẻ, trường đã bỏ hẳn lớp 2 buổi mà chỉ còn lớp 1 buổi. Tệ hơn, nhà ăn và các phòng chức năng đều bị cải tạo biến thành lớp học…
Vấn đề của Q.12 hiện nay là phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường, đặc biệt là trường TH trên địa bàn các phường Hiệp Thành, Tân Thới Hiệp và Thới An. Ở những phường này, dân số quá đông, đặc biệt là phường Hiệp Thành có 74 ngàn dân, trong đó trên 50% thuộc diện KT3.
Không chỉ có vậy, Q.12 còn có Trường THCS Nguyễn Ảnh Thủ đã xuống cấp trầm trọng. Từ 10 năm nay, trường đã được duyệt để xây mới. Hiện đã có tiền nhưng đất thì vẫn bị Trung tâm Sâm – Viện Dược liệu Bộ Y tế quyết không chịu “nhả”. “Phó chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận đã hai lần chỉ đạo là giao đất để xây dựng trường nhưng Trung tâm Sâm – Viện Dược liệu vẫn không giao. Lý do họ đưa ra là đang trồng sâm, dược liệu quý hiếm. Tuy nhiên, khi các ban ngành của Q.12 xuống khảo sát thì không phải sâm mà là xả và chuối”, ông Hiếu bức xúc.
Khó cho phổ cập 5 tuổi

Phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi ở các huyện ngoại thành đang gặp khó khăn. Ảnh: Q.Huy

Năm học này, nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của ngành GD-ĐT TP là phổ cập mầm non 5 tuổi. Nhiều quận, huyện cho biết, cái khó hiện nay là sĩ số các lớp 5 tuổi vẫn còn cao. Trường công lập chỉ đáp ứng được một phần, một phần phải nhờ đến hệ thống các trường ngoài công lập. Trong khi đó việc quản lý các trường ngoài công lập không phải dễ dàng…
Q.Gò Vấp có 17 phường và cũng có 17 trường mầm non công lập, tuy vậy các trường phân bố không đồng đều nên vẫn còn 3 phường (6, 11 và 12) chưa có trường công lập. Đáng nói là 2 phường 11 và 12 có dân số đông. Do vậy việc phổ cập giáo dục MN cho trẻ 5 tuổi ở Gò Vấp cũng không phải là chuyện dễ. Chỉ riêng năm học này, Gò Vấp có 5.700 trẻ 5 tuổi, tuy vậy các trường công lập chỉ đủ chỗ nhận khoảng 3.800 trẻ. Số còn lại phải học ở các trường ngoài công lập. “Gò Vấp có một số trường MN ngoài công lập hoạt động rất tốt, thậm chí có trường còn hơn cả trường công lập. Tuy nhiên cũng có nhiều trường chưa tốt. Vì vậy, chúng tôi phải tăng cường kiểm tra, nhắc nhở, trường nào vi phạm là xử lý mạnh tay”, ông Đặng Thanh Tuấn, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Gò Vấp cho biết.
Bên cạnh đó, do vướng Nghị định 11 của Chính phủ về việc cắt giảm đầu tư công nên ba phường ở Gò Vấp chưa có trường MN công lập nhưng vẫn chưa thể khởi công xây dựng trường, dù dự án trước đó đã được phê duyệt.
Không khó khăn về trường lớp như Q.Gò Vấp nhưng Q.1 cũng có vướng mắc khi thực hiện đề án phổ cập MN cho trẻ 5 tuổi. Đó là “Sĩ số ở các trường, nhất là các trường chất lượng vẫn còn cao”, ông Đinh Thiện Căn, Trưởng phòng GD-ĐT quận cho biết.
Đây cũng là tình trạng chung ở hầu hết các quận, huyện trên địa bàn thành phố.
Còn ở ngoại thành, cái khó là vận động trẻ học 2 buổi/ngày. Đơn cử như huyện Cần Giờ, mặc dù tỷ lệ trẻ 5 tuổi ra lớp đảm bảo nhưng tỷ lệ học 2 buổi vẫn còn thấp. Ông Dương Văn Thư, Trưởng phòng GD-ĐT huyện cho biết: “Để nâng tỷ lệ trẻ học 2 buổi/ngày là rất khó. Bởi phụ huynh ngại trưa rước con về, đầu giờ chiều lại đưa con vào trường. Nếu gắn việc học 2 buổi vào bán trú (nghĩa là trẻ ăn trưa tại trường) thì phụ huynh nghèo không có tiền đóng tiền ăn. Trong khi đó chế độ hỗ trợ tiền ăn trưa cho học sinh nghèo còn chưa được thỏa đáng”…
Bài, ảnh: Hòa Triều

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)