Sự kiện giáo dụcTin tức

Năm học mới: Phải đổi mới căn bản và toàn diện

Tạp Chí Giáo Dục

Từ ngày 3 đến 6-9, hơn 22 triệu học sinh – sinh viên chính thức bước vào năm học mới (năm học 2011-2012).

Học sinh Trường TH Trần Văn Ơn (Q.11) trong ngày khai giảng. Ảnh: Q.Huy
Sáng 6-9, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến dự khai giảng năm học mới 2011-2012 cùng thầy trò Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (tỉnh Nghệ An). Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã biểu dương những thành tích mà thầy và trò Trường THPT chuyên Phan Bội Châu đạt được trong những năm qua. Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Trong năm học mới đề nghị thầy và trò của trường tiếp tục cố gắng phát huy những kết quả đạt được. Thực hiện tốt hơn lời dạy của Bác vì lợi ích 10 năm trồng cây trăm năm trồng người. Đổi mới chương trình dạy và học chương trình nâng cao chất lượng toàn diện. Quán triệt sâu sắc thực hiện tốt nhiệm vụ đại hội Đảng đề ra, không ngừng phát triển để Nghệ An là lá cờ đầu xứng đáng là quê hương Bác Hồ kính yêu…”.
Trước đó tại TP.HCM, sáng 5-9, ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM đã đến dự khai giảng năm học mới với thầy và trò Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Tại đây, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải đã phát biểu: “Thay mặt lãnh đạo thành phố, tôi gửi tới toàn ngành GD-ĐT và nhà trường, đội ngũ thầy cô giáo và toàn thể các em học sinh (HS) yêu quý lời chúc mừng tốt đẹp nhất. GD-ĐT có sứ mệnh nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng phát triển đất nước, xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam; Phát triển GD-ĐT cùng với phát triển khoa học-công nghệ là quốc sách hàng đầu; Đầu tư cho GD-ĐT là đầu tư phát triển. Do đó ngành GD-ĐT TP và Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong nói riêng, với vị trí của mình cần phải đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT. Một là, tiếp tục xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ GV, CB quản lý GD; đổi mới mạnh mẽ nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học… Hai là, đi đầu trong việc đổi mới phương pháp dạy và học. Phải tư duy, sáng tạo; kiên quyết đổi mới cách làm, thầy và trò đều tích cực nghiên cứu khoa học, ứng dụng CNTT… Ba là, phải bảo đảm kỷ cương trong dạy và học; kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường với gia đình và xã hội để GD thế hệ trẻ với những hoạt động cụ thể, thiết thực. Khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn đầu tư nâng cao các điều kiện dạy, học, nghiên cứu thực hành…”.

Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong chào mừng năm học mới. Ảnh: Q.huy
Sáng 3-9, Q.Tân Phú, tổ chức khánh thành và khai giảng năm học mới 2011-2012 cho Trường TH Tân Hóa và THCS Thoại Ngọc Hầu. Trường Tân Hóa có quy mô 22 phòng với tổng kinh phí 16 tỷ đồng, còn Trường Thoại Ngọc Hầu có diện tích 3.500m2 với quy mô 1 trệt 2 lầu, tổng kinh phí xây dựng hơn 34 tỷ đồng. Ông Tạ Tân, Trưởng phòng GD-ĐT quận cho biết: “Việc đưa vào sử dụng ngôi trường mới, khang trang hiện đại này là niềm vui và mong ước của PHHS, nay đã thành hiện thực. Với 30 phòng học và các phòng chức năng, trường đã đáp ứng được nhu cầu học tập cho gần 800 HS là con em người dân trên địa bàn”.
Tại huyện Củ Chi, năm học này huyện đã đưa vào sử dụng nhiều ngôi trường mới. Đây là những ngôi trường được thiết kế đạt chuẩn, trang thiết bị phục vụ cho công tác dạy và học hiện đại. Đó là các trường MN Phạm Văn Cội, TH Tân Thạnh Tây, TH Trung An, TH Tân Thạnh Đông 1, THCS Tân Phú Trung, THCS Phạm Văn Cội, THCS Phú Hòa Đông…
Tại Q.Bình Tân, thầy Trần Hữu Vĩnh, Trưởng phòng GD-ĐT quận cho biết: “Bình Tân là quận mới, dân số cơ học tăng đột biến hàng năm, vì vậy mà áp lực về chỗ học, trường, lớp cho con em nhân nhân trên địa bàn luôn là áp lực lớn của quận. Bước vào năm học mới 2011-2012, toàn quận đưa vào sử dụng 8 ngôi trường mới với quy mô từ 25 phòng học trở lên, cơ bản đáp ứng tốt chỗ học cho con em nhân dân trên địa bàn. Điều này minh chứng cho sự quan tâm và giúp đỡ hết mình của các cấp lãnh đạo và người dân không màng đến của cải vật chất đóng góp cho sự nghiệp GD-ĐT của quận”.
Ngày 6-9, Phó chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận cùng lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM đã dự lễ khánh thành và khai giảng năm học mới tại Trường MN Tuổi Xanh (Q.Tân Bình). Trường MN Tuổi Xanh được xây dựng mới trên nền cũ, với tổng mức đầu tư là trên 26 tỷ đồng (bằng vốn ngân sách thành phố). Trường có 16 phòng học và các phòng chức năng như phòng y tế, hội trường đa năng, bếp. Ngoài ra còn có một hồ bơi, diện tích 51m2. Trong năm học mới này, nhà trường đã tiếp nhận 530 cháu từ 24 tháng tuổi đến 5 tuổi.
Trước đó, Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Nhà Bè) cũng long trọng tổ chức khánh thành và khai giảng năm học mới. Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm được xây dựng từ năm 1984 với 10 phòng học và gần 500 học sinh. Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, trường đã xuống cấp nghiêm trọng nên tháng 4-2010 đã được khởi công xây mới. Theo đó trường có 28 phòng học và các phòng chức năng. Kinh phí xây dựng là gần 47 tỷ đồng…
Sáng cùng ngày, Trường TH Đào Sơn Tây (Q.Thủ Đức) cũng tổ chức khai giảng năm học mới. Năm học này trường tiếp nhận 6 lớp 1 nâng tổng số HS toàn trường lên 540 em trong đó có 10 lớp bán trú. Do mới được thành lập một năm nay nhưng Trường TH Đào Sơn Tây đã khắc phục nhiều khó khăn về cơ sở vật chất như thiếu đội ngũ, chưa có sân chơi, bãi tập.
Trong buổi lễ khai giảng sáng 6-9, thầy trò TTGDTX Q.12 đã vinh dự nhận Cờ thi đua đơn vị xuất sắc của UBND TP.HCM. Mặc dù là một đơn vị GDTX ở quận ven kinh phí hạn hẹp nhưng TTGDTX Q.12 đã xây dựng được 11 trung tâm học tập cộng đồng tại 11 phường của quận.

Tại Cần Thơ, sáng 5-9, các trường trên địa bàn thành phố đồng loạt tổ chức lễ khai giảng năm học 2011-2012. Năm học 2011-2012, thành phố Cần Thơ có 208.708 HS các cấp, trong đó có 12.695 HS ngoài công lập. Toàn thành phố có 4.894 phòng học, trong đó phòng học kiên cố đạt 50,55%.
Ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Thành ủy thành phố Cần Thơ đã đến dự lễ khai giảng tại Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng. Tại buổi lễ, Bí thư Thành ủy Trần Thanh Mẫn chỉ đạo: “Ngành GD-ĐT cần làm tốt nhiệm vụ “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục – đào tạo”, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa của thành phố và hội nhập kinh tế quốc tế. Thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa giáo dục, quan tâm công tác khuyến học, khuyến tài. Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, góp phần tạo động lực để giáo viên an tâm giảng dạy. Tôi đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban ngành đoàn thể và các tầng lớp nhân dân thành phố luôn quan tâm chăm lo và đầu tư mạnh mẽ hơn cho sự nghiệp trồng người, dành những điều kiện tốt nhất cho việc học và rèn luyện của con em chúng ta”.
Nhóm PV

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm học này cả nước có 3.756.000 HS lứa tuổi mầm non, trong đó có 556.000 trẻ trong độ tuổi nhà trẻ, 3.200.000 trẻ mẫu giáo. Có 15.140.000 HS phổ thông (tăng 288.000 so với năm học trước), bao gồm 7.350.000 HS tiểu học (tăng 301.300), 4.960.000 HS THCS (giảm 8.300 HS), 2.830.000 HS THPT (giảm 5.000). Có 734.000 HS trung cấp chuyên nghiệp và trên 2,4 triệu SV bậc ĐH, CĐ.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)