Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Năm học mới: Sức khỏe học sinh được bảo vệ đến đâu?

Tạp Chí Giáo Dục

Các cô Trường Mẫu giáo Sơn Ca 3, Q.11 kiểm tra, vệ sinh đồ chơi để chuẩn bị đón trẻ vào năm học mới

Hiện hơn một triệu học sinh (HS) trên địa bàn TP.HCM bắt đầu bước vào năm học mới 2013-2014. Vấn đề mà các bậc phụ huynh có con học bán trú đặc biệt quan tâm là việc ăn uống và vệ sinh phòng bệnh được các trường chuẩn bị như thế nào…
Đề phòng thực phẩm kém chất lượng vào trường
Ngày 7-8, tại Hội nghị chuyên đề vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) do UBMTTQVN TP.HCM tổ chức, mọi người đã không khỏi giật mình trước kết quả kiểm tra của nhiều loại thực phẩm. Cụ thể như nồng độ histamine trong cá điêu hồng, cá bạc má, nước mắm, mắm nêm đều vượt mức cho phép của Bộ Y tế từ 2-5 lần; gần 19% mẫu thịt quay, bột màu thực phẩm bị nhiễm chất tạo màu dùng trong công nghiệp; gần 28% mẫu bún, bánh canh có chứa chất tinopal; 61% màng bọc thực phẩm chứa DEHA (chất có khả năng gây ung thư)…
Có thể nói, vấn đề ATTP đang rất báo động. Điều này khiến cho phụ huynh có con học bán trú tại các trường không khỏi lo lắng. Chị Cẩm Tú (P.Tân Phong, Q.7) cho biết: “Năm nay con tôi vào lớp 1 Trường TH Đinh Bộ Lĩnh (Q.7), ở nhà cháu rất kén ăn, tôi đang lo không biết vào trường cháu sẽ ăn uống như thế nào. Nhưng điều làm tôi lo lắng hơn cả vẫn là liệu nhà trường có mua thực phẩm an toàn để cho các cháu ăn không?”.
Nỗi lo ATTP không chỉ là nỗi lo của phụ huynh mà còn là nỗi ám ảnh của nhiều trường. Hiệu trưởng một trường mầm non ở Q.Tân Bình tâm tư: “Ngày nào cũng nơm nớp lo cho sự an toàn của trẻ, nhất là vấn đề ATTP. Vì vậy, khi lựa chọn thực phẩm cho trẻ, nhà trường phải hết sức chú ý”.
Cô Phạm Thị Phương Loan – Phó hiệu trưởng Trường TH Đinh Tiên Hoàng (Q.1) – cho biết: “Những ngày này, rất nhiều công ty cung cấp nước đóng chai tới trường chào hàng. Nhà trường chưa quyết định ký hợp đồng với công ty nào nhưng điều kiện để sản phẩm vào trường là phải có giấy chứng nhận nước an toàn của Viện Pasteur TP”.
Cô Nguyễn Thị Tám – Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Sơn Ca 3 (Q.11) – cũng cho biết: “Nhà trường thường ký hợp đồng với các công ty cung cấp thực phẩm như rau củ quả, gạo, thịt, trứng, cá, sữa… trong thời gian 6 tháng. Với những công ty mới thì chỉ ký 3 tháng. Trong thời gian ký hợp đồng nếu công ty cung cấp thực phẩm không tươi ngon, không đảm bảo ATTP, không đúng giờ thì sẽ xem xét cắt hợp đồng. Tất cả những công ty này đều phải có đầy đủ giấy chứng nhận của các cơ quan chức năng, thực phẩm phải có xuất xứ rõ ràng, có hóa đơn chứng từ…”.
Nguồn thực phẩm đầu vào của các trường an toàn nhưng theo ông Huỳnh Lê Thái Hòa – Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM thì: “Chỉ một sơ suất nhỏ trong khâu chế biến, hay quá trình vận chuyển thức ăn cũng có thể xảy ra ngộ độc thực phẩm”. Theo đó, để “nói không với ngộ độc thực phẩm”, các trường tổ chức bán trú phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt của ngành y tế trong quá trình mua nguyên liệu, chế biến thực phẩm và bảo quản thức ăn…
Đỉnh dịch sẽ trùng với mùa tựu trường
Ngày 7-8, Sở Y tế TP.HCM đã tổ chức Hội nghị giao ban với các trung tâm y tế dự phòng quận, huyện về tình hình phòng chống dịch bệnh. Qua các số liệu tổng hợp của Sở Y tế cho thấy, trong tháng 7, toàn TP có khoảng 630 trẻ nhập viện vì mắc bệnh tay chân miệng, giảm 108 ca so với tháng trước. Từ đầu năm đến nay TP có khoảng 4.100 ca tay chân miệng (giảm 310 ca so với 7 tháng đầu năm 2012), trong đó có 1 ca tử vong. Đối với bệnh sốt xuất huyết, tháng 7 có 600 ca nhập viện, tăng khoảng 190 ca so với tháng trước. Tính chung 7 tháng đầu năm 2013 có khoảng 3.200 ca, giảm 1.948 ca so với 7 tháng đầu năm 2012, trong đó có 3 ca tử vong. “Mặc dù số ca sốt xuất huyết nhập viện có giảm so với cùng kỳ năm 2012 nhưng bệnh bắt đầu vào đỉnh dịch theo chu kỳ mùa mưa. Vì vậy các quận, huyện phải tăng cường phòng chống dịch, nhất là những quận, huyện có nguy cơ cao – có số ca mắc nhiều, nhiều lăng quăng…”, ông Nguyễn Trí Dũng – Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM – đề nghị.
Tuy nhiên, điều mà ngành y tế lo lắng là đỉnh dịch sốt xuất huyết và cả dịch bệnh tay chân miệng sẽ trùng với khai giảng năm học mới. Theo đó, ông Nguyễn Hữu Hưng – Phó giám đốc Sở Y tế TP – yêu cầu các trung tâm y tế dự phòng quận, huyện phải phối hợp với ngành GD-ĐT địa phương làm tổng vệ sinh khu vực trường học, phun thuốc diệt muỗi, diệt lăng quăng, dọn dẹp các vật dụng chứa nước mưa xung quanh khu vực trường.
Với bệnh tay chân miệng, ông Nguyễn Hữu Hưng nói: Để tạo thói quen rửa tay cho giáo viên và HS, thậm chí cả phụ huynh khi tới trường thì các trường phải có đủ bồn rửa tay. Nếu trường nào còn thiếu, ngành y tế cùng với ngành giáo dục phải trình bày với UBND quận, huyện để lắp đặt cho các trường. Ngành y tế cần tăng cường kiểm tra, tuyên truyền, nhất là ở nhóm trẻ gia đình, khu nhà trọ – tập trung nhiều ở các quận, huyện có đông dân nhập cư, khu chế xuất, khu công nghiệp. “Ở các trường công lập, việc phòng chống dịch bệnh đã đi vào nề nếp nên làm rất tốt, còn khu vực ngoài công lập, nhất là nhóm trẻ không phép thì không an toàn. Nếu ngành y tế bỏ qua khu vực này thì dịch bệnh sẽ lan ra cộng đồng…”, ông Hưng cảnh báo.
Bài, ảnh: Hòa Triều

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)