Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Năm học nhiều dấu ấn, vượt trội của ngành giáo dục TP.HCM

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Năm học 2023-2024, ngành giáo dục TP.HCM đã rất nỗ lực trên nhiều phương diện và đạt được kết quả vượt trội, chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn của thành phố đều được nâng lên.

Năm học 2023-2024, TP.HCM đạt được nhiều kết quả vượt trội với nhiều dấu ấn

Kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia năm học 2023-2024, TP.HCM xếp thứ 2, vượt 10 bậc so với năm học 2022- 2023; kết quả thi Tốt nghiệp THPT đạt 99.68% và 8 năm liên tục giữ vững vị trí dẫn đầu điểm thi môn Tiếng Anh trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT; Dự án Tích hợp học sâu để phân vùng và tái tạo cấu trúc tim nguyên khối – trong không gian mô phỏng 3D-ứng dụng trong thực hành Y khoa của nhóm 2 học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong tham dự Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2024 tại Hoa Kỳ đạt giải Nhì thuộc lĩnh vực Phần mềm hệ thống và Giải Tư (Special Awards) do Hiệp hội Tin học Hoa Kỳ trao tặng; tham dự Vòng Chung kết Quốc gia cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ IV cấp Quốc gia với 3 dự án vào vòng Chung kết đều đạt giải (2 giải Nhất và 1 giải Nhì).

Năm học 2023-2024, thành phố đã chủ động sắp xếp, đảm bảo 100% trẻ em trong độ tuổi đi học sinh sống trên địa bàn có đủ chỗ học; công tác tổ chức hoạt động tại các cơ sở giáo dục đảm bảo theo yêu cầu Chương trình GDPT 2018.

Mô hình lớp học mở ở bậc tiểu học được nhân rộng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục

Thành phố duy trì và giữ vững kết quả, chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

Thực hiện Thông tư số 50/2020/TT-BGDĐT về công tác cho trẻ Mẫu giáo làm quen tiếng Anh, TP có 910/1.248 trường tổ chức cho trẻ làm quen tiếng Anh (tỷ lệ 72,9%) và 468/1.955 lớp mẫu giáo, lớp mầm non độc lập tổ chức cho trẻ làm quen tiếng Anh (tỷ lệ 23.9%).

Trong năm học, công tác nuôi dưỡng, chăm sóc và đảm bảo an toàn cho trẻ tại tất cả các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn thành phố được chú trọng; công tác phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ được thực hiện hiệu quả.

TP.HCM đảm bảo an toàn cho trẻ mầm non suốt năm học

TP.HCM tiếp tục duy trì mô hình lớp học số; xây dựng mô hình dạy học tiếng Anh từ xa phát sóng đến các trường tiểu học tại Cần Giờ và Củ Chi, tổ chức dạy học trực tuyến thời gian thực giúp các trường còn thiếu giáo viên tiếng Anh, Tin học có thể tổ chức cho học sinh học tập, đảm bảo chất lượng và chương trình môn học. Nâng cao hiệu quả mô hình thư viện thông minh, phòng thí nghiệm thực hành hiện đại, hệ thống quản lý học tập trực tuyến (LCMS, LMS,..).

Tăng cường tự chủ, đổi mới dạy học, kiểm tra đánh giá với giáo dục trung học

Việc triển khai Chương trình GDPT 2018 đã được Sở GD-ĐT TP chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, chú trọng thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học.

Trong đó, giáo dục Tiểu học đã chủ động đổi mới phương pháp dạy học lịch sử thông qua các hoạt động phong phú, đa dạng như: tổ chức Liên hoan phim tiếng Anh Chủ đề: “Quê hương tôi, Nguồn cảm hứng”- đây là sân chơi giới thiệu về Việt Nam, về TP.HCM bằng tiếng Anh giúp học sinh tiếp nhận kiến thức về nhiều môn học, phát triển nhiều kỹ năng và bồi dưỡng cho học sinh về tình yêu quê hương, đất nước.

Thực hiện hiệu quả mô hình “Lớp học mở” với mục tiêu đổi mới phương pháp giảng dạy, tăng thêm hứng thú cho học sinh, qua đó mở rộng hơn sự tương tác, kết nối giữa cha mẹ học sinh với giáo viên.

Tăng cường giáo dục kỹ năng công dân số vào chương trình giảng dạy thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trong giáo dục tiểu học và mục tiêu của Chương trình GDPT 2018, hình thành các kĩ năng cần thiết cho công dân số…

Giáo dục Trung học, GDTX tổ chức tốt các nội dung triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018, hoàn thành nội dung dạy học lớp 9, lớp 12 Chương trình GDPT 2006 theo hướng tiếp cận Chương trình 2018. Công tác phối hợp giảng dạy nghề và chương trình văn hóa phổ thông được quan tâm tạo kết quả tốt trong phân luồng học sinh sau THCS.

Thành phố tiếp tục đổi mới công tác quản lý theo hướng phân cấp mạnh mẽ cho các nhà trường trên nguyên tắc tăng quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông. Năm 2023, có 1.414 cơ sở giáo dục công lập thuộc ngành giáo dục và đào tạo thành phố được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính giai đoạn 2023- 2025 (1.286 đơn vị khối quận huyện và 128 đơn vị khối thành phố). Phân cấp tuyển dụng cho 29 đơn vị…

Đội ngũ không ngừng được nâng cao về chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nhà giáo

Ngành giáo dục thành phố chủ động thực hiện đổi mới dạy học, kiểm tra đánh giá; chủ động phối hợp, ký kết hợp tác với Trường ĐH Sài Gòn và ĐH Sư phạm TP.HCM trong đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; tăng cường công tác tuyển dụng, bồi dưỡng thường xuyên và bồi dưỡng chuyên đề để nâng cao chất lượng đội ngũ; phối hợp với Trường ĐH Sài Gòn tổ chức các lớp bồi dưỡng cho giáo viên THCS dạy các môn tích hợp.

Trong năm học, thành phố có 3.395 cán bộ quản lý và 53.987 giáo viên các cấp học tham gia bồi dưỡng thường xuyên; 33.500 lượt cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên tham gia bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp; 365 giáo viên tham gia bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; 278 lượt công chức, viên chức, viên chức quản lý tham dự lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ quản lý.

100% cơ sở giáo dục xây dựng Trường học hạnh phúc

100% cơ sở giáo dục TP.HCM xây dựng trường học hạnh phúc

Năm học 2023-2024, TP.HCM có 2.295 cơ sở giáo dục từ mầm non đến THPT, cùng 1.834 nhóm lớp, với tổng số gần 1,7 triệu học sinh. Trong đó, công lập là trên 1,4 triệu học sinh. Cạnh đó, TP còn có 31 trung tâm GDNN-GDTX, trung tâm GDTX với trên 43.000 học viên.

TP.HCM là địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai thực hiện bộ tiêu chí Trường học hạnh phúc tại 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Mục tiêu hướng tới là xây dựng hình ảnh con người TP.HCM “Sống tử tế, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo”; hình thành mối quan hệ tốt đẹp trong mỗi nhà trường; là nơi hình thành, bồi đắp tình yêu thương giữa các nhà giáo, giữa thầy và trò, giữa học sinh với nhau; tạo môi trường giáo dục thân thiện, học tập tích cực.

Bộ tiêu chí “Trường học hạnh phúc” của TP.HCM được UNESCO đánh giá cao và được báo cáo kinh nghiệm tại Hội thảo chuyên môn cấp cao toàn cầu do UNESCO tổ chức.

Yến Hoa

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)