Chiều 14-8, Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 và triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025 với giáo dục tiểu học.
Nhiều dấu ấn đặc biệt
Báo cáo kết quả đạt được của giáo dục tiểu học TP.HCM trong năm học 2023-2024, ông Nguyễn Minh Thiên Hoàng – Phó Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, năm học vừa qua giáo dục tiểu học thành phố đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng:
Toàn thành phố có 561 trường tiểu học trong và ngoài công lập, với 576 điểm trường, trong đó có 522 trường công lập. Tổng số học sinh là 637.008 em, (giảm 25.926 so với năm học trước).
Thành phố có 44 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia; 18 trường thực hiện mô hình trường tiên tiến, hội nhập quốc tế.
Tổng số lớp học là 17.382 (tăng 130 lớp). Tỉ lệ phòng học/lớp đạt 0,96; Số lớp học 2 buổi/ngày là 14.362 lớp, chiếm tỉ lệ 82,6% (tăng 1,9% so).
Số học sinh được học 2 buổi/ngày 502.200, chiếm tỉ lệ 78,8% (tăng 4%). Trong đó các quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, 10, Phú Nhuận và huyện Cần Giờ, Nhà Bè có tỉ lệ học 2 buổi/ngày đạt 100%.
Năm học 2023-2024, TP.HCM tiếp tục thực hiện tốt việc giảng dạy tiếng Anh cho học sinh lớp 1, 2 với thời lượng từ 2-8 tiết/tuần theo hình thức tự chọn, tăng cường; Đối với lớp 3, 4, 5 thời lượng từ 4 đến 8 tiết/tuần. 100% học sinh lớp 3, 4 được học tiếng Anh bằng nhiều giải pháp theo đúng yêu cầu Chương trình GDPT 2018.
100% học sinh lớp 3, 4 học tin học theo đúng yêu cầu Chương trình GDPT 2018. Một số trường có đủ máy tính tổ chức dạy tin học tự chọn cho học sinh lớp 1, 2, 5. Một số trường tổ chức dạy tin học tăng cường, tin học theo chuẩn quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển năng lực học sinh.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Bảo Quốc – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM biểu dương, chúc mừng những kết quả mà bậc giáo dục tiểu học TP đã đạt được trong năm học 2023-2024, và bày tỏ tin tưởng kết quả sẽ giúp ngành đạt được những mục tiêu, thắng lợi trong năm học 2024-2025.
Ông Nguyễn Bảo Quốc điểm lại những dấu ấn đặc biệt của bậc giáo dục tiểu học TP.HCM đã đạt được trong năm học 2023-2024 với nhiều hội thi được tổ chức thành công, để lại nhiều ấn tượng sâu sắc, đặc biệt: Hội thi giáo viên giỏi; Ngày hội Em yêu sử Việt; Ngày hội giáo dục STEM; Liên hoan phim tiếng Anh cho học sinh tiểu học…
Cạnh đó, trong năm học, TP.HCM đã tổ chức tập huấn SGK cho 100% giáo viên theo từng khối lớp, chú trọng mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học, giúp thực hiện tốt chương trình, sử dụng hiệu quả thiết bị. Triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018 ở các khối lớp 1, 2, 3, 4.
100% học sinh được học tiếng Anh từ lớp 3, 4, góp phần giáo dục toàn diện học sinh trong nhà trường.
Trong năm học, các trường tiểu học đã chủ động xây dựng các tiết học mở, lớp học mở, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nhà trường. Duy trì thực hiện lớp học số giúp hạn chế bớt khó khăn về giáo viên ở một số môn học đặc thù.
Song song đó, theo ông Nguyễn Bảo Quốc, năm học 2023-2024 bậc tiểu học TP.HCM cũng đã tiên phong triển khai nhiều chương trình, như giáo dục kỹ năng công dân số, thí điểm học bạ số…
Chương trình nhà trường phải được thông qua trong Hội đồng trường
Chỉ đạo việc triển khai năm học mới 2024-2025, ông Nguyễn Bảo Quốc cho biết, năm học 2024-2025 TP.HCM xác định chủ đề là “Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo TP.HCM”, với nhiệm vụ hoàn thành nhiều chỉ tiêu, mục tiêu quan trọng của ngành và của TP.
Đặc biệt, năm học tới là lộ trình cuối thực hiện Chương trình GDPT 2018 ở bậc tiểu học với khối lớp 5. Do đó được xem là năm học bản lề triển khai hiệu quả chương trình ở bậc tiểu học.
Trong đó, hướng tới chào mừng 50 Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, ngành giáo dục TP có nhiều nội dung như Đề án xây dựng 4.500 phòng học; mô hình 50 trường học thông minh.
Ông nhấn mạnh các trường học, địa phương cần quan tâm để hoàn thành tốt các mục tiêu, chỉ tiêu.
Với riêng việc triển khai chương trình nhà trường ở bậc tiểu học trong năm học mới, ông Nguyễn Bảo Quốc yêu cầu mỗi nhà trường chủ động xây dựng chương trình nhà trường. Bao gồm việc xây dựng chương trình giáo dục bổ trợ thêm cho Chương trình GDPT 2018. Trong đó, nhà trường phải chủ động xây dựng khung nội dung, hình thức, phương pháp, phối hợp cùng các đơn vị đối tác, đảm bảo thực hiện xuyên suốt khi thông tin đến phụ huynh…
“Chương trình nhà trường phải được thông qua trong hội đồng trường, thông tin đến phụ huynh học sinh trên tinh thần thống nhất với phụ huynh học sinh. Phụ huynh học sinh có thể lựa chọn một số hoạt động tham gia, từ đó nhà trường sắp xếp lớp phù hợp” – ông Nguyễn Bảo Quốc lưu ý.
Đặc biệt, về việc tổ chức, ông Quốc yêu cầu nhà trường phối hợp với đơn vị triển khai để phân phối thời lượng giảng dạy, phối hợp với đơn vị sắp xếp thời gian, thời lượng, có sự thống nhất với phụ huynh.
“Các hoạt động này sẽ không còn được gọi tên là hoạt động ngoài giờ chính khóa vì rất dễ gây hiểu lầm. Bởi trong trường tiểu học, ngoài việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 thì còn các hoạt động giáo dục bổ trợ khác. Sở GD-ĐT mong muốn các trường học rà soát lựa chọn đơn vị đối tác đảm bảo, được cấp phép hạot động; nội dung giảng dạy phải được đánh giá, đủ điều kiện đảm bảo việc giảng dạy đi đúng hướng…” – ông Nguyễn Bảo Quốc nhấn mạnh.
Nhà trường cần quan tâm hỗ trợ học sinh đạt chứng chỉ quốc tế Bà Lâm Hồng Lãm Thúy – Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, năm học 2023-2024, giáo dục tiểu học TP.HCM dù đạt được nhiều dấu ấn đặc biệt song vẫn còn một số những khó khăn như tỷ lệ 1 phòng học/lớp chưa đảm bảo; tỉ lệ học sinh học 2 buổi/ngày chưa đạt 100%; một số trường còn thiếu phòng chức năng… Để thực hiện tốt các nhiệm vụ, mục tiêu năm học 2024-2025, bà Lâm Hồng Lãm Thúy yêu cầu các trường tiểu học đẩy mạnh viêc tổ chức cho học sinh thi lấy chứng chỉ quốc tế về tin học, ngoại ngữ. Đây là chuẩn đầu ra đối với trường tiên tiến, đồng thời giúp học sinh hình thành công dân số; Quan tâm ưu tiên giáo viên đi học nâng chuẩn theo Luật Giáo dục 2019. Bên cạnh đó, bà lưu ý các nhà trường đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, các nội dung dạy học tích hợp vẫn là trọng tâm… |
Yến Hoa
Bình luận (0)