Trên nóc Phá Thóng cao tới 1.300m so với mực nước biển, giấc mơ được đến lớp học chữ, biết cầm cây bút viết tên mình của đồng bào Mông bao nhiêu năm đằng đẵng đã được các chiến sĩ Đồn Biên phòng Nậm Lạnh (BĐBP Sơn La) biến thành hiện thực. Những con chữ ấm tình quân dân được thực hiện trên đỉnh núi cheo leo, giữa mưa rừng trắng xóa…
Thiếu tá Lò Văn Phích động viên vợ chồng Hạng A Thái, Mùa Thị Dợ chuyên cần luyện viết chữ
Rẻo cao “khát” chữ
Chúng tôi đến bản Phá Thóng (xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La) một ngày mưa rừng trắng xóa độ đầu thu. “Con ngựa sắt” của Thiếu tá Vũ Triết Học, Chính trị viên phó, Đồn Biên phòng Nậm Lạnh kéo kết dây ga, khéo léo trườn qua những con dốc dựng đứng, bùn lầy trơn trượt do mưa lớn. Vừa kịp gồng tay lái vượt qua một con dốc lớn thì con dốc kế tiếp hiện ra trước mắt. “Đường này chỉ có thể chạy số thấp, nếu cài số 4 là mất phanh, trượt xuống vách núi như chơi”, Thiếu tá Vũ Triết Học nói nhanh khi xe đi qua một đoạn đường êm chuyển tiếp giữa hai dốc núi thẳng đứng. Phá Thóng hiện ra trước mắt chúng tôi với bồng bềnh mây trắng lưng trời. Thiên nhiên hùng vỹ nhưng đầy hiểm trở là lời giải thích cho thắc mắc của chúng tôi vì sao nhiều người dân ở Phá Thóng còn mù chữ.
Câu chuyện “khát chữ” ở Phá Thóng thoáng chút ngậm ngùi nhưng hơn hết là để hiểu, cảm thông và khâm phục nỗ lực của người dân trên rẻo núi chon von này. Ông Mùa A Lồng, 64 tuổi, nói tiếng Kinh chậm rãi: “Không biết chữ như bị mù con mắt. Muốn đọc, muốn viết cái gì cũng không biết. Cầm tờ giấy đầy chữ trên tay nhưng không biết người ta viết gì. Cực lòng lắm”.
Hai vợ chồng Hạng A Thái và Mùa Thị Dợ đều không biết chữ. Ngày thành chồng vợ cho đến có với nhau 4 mặt con, cả hai vợ chồng vẫn không tự cầm bút viết được tên mình. Đứa con nào chào đời, A Thái cũng nhận trách nhiệm đi làm giấy khai sinh nhưng khi cán bộ xã đưa cho tờ khai thì anh chần chừ, ấp úng nhờ lại họ viết hộ. Anh phát âm không chuẩn nên khi nói họ Hạng, người ta lại ghi thành Hàng. Nhiều lần khác có việc đi đường xa, miền núi nhiều đường, lắm ngã rẽ, ngã nào cũng có bảng chỉ dẫn nhưng anh thường đứng ngay dưới bảng chỉ dẫn ấy để… tìm người hỏi đường. Nhiều lần khác, bà con, bạn bè cho anh số điện thoại nhưng cũng vì không biết chữ nên không thể lưu danh bạ. “Nhiều lúc hai vợ chồng nói với nhau, chỉ cần biết chữ thôi thì khổ mấy cũng vượt qua được”, Hạng A Thái nói.
Lớp học xóa mù ở Phá Thóng
Chúng tôi rời Phá Thóng khi bình minh vén màn sương khỏi lưng núi, đủ lộ rõ con đường dốc ngoằn ngoèo hiểm trở dẫn về xuôi. Ngoái nhìn lại Phá Thóng từ xa thấy khung cảnh thiên nhiên đẹp như một bức tranh vẽ. Đẹp như chính giấc mơ được xóa mù của bà con đồng bào Mông trên đỉnh núi cheo leo ấy. Giấc mơ được những người lính biên phòng Nậm Lạnh hiện thực hóa sau bao nhiêu trăn trở, nhọc nhằn. |
Trưởng bản Phá Thóng Hạng A Sênh cho biết, cả bản có 70 hộ với gần 500 khẩu, 100% là dân tộc Mông. Không chỉ vợ chồng Hạng A Thái hay ông Mùa A Lồng mà rất nhiều người dân ở trên lưng chừng núi này không biết chữ. Cuộc sống của họ quanh năm gắn liền với núi đồi, nương rẫy, khát khao được học chữ luôn thường trực nhưng địa hình hiểm trở, điều kiện đi lại còn khó khăn, tất thảy chỉ biết buông tiếng thở dài.
Cả bản viết đơn xin mở lớp học
Trưởng bản Phá Thóng Hạng A Sênh đã học hết lớp 3, gần như là người đọc thông viết thạo nhất bản. A Sênh được tin tưởng giao trách nhiệm viết nguyện vọng của bà con trong bản thành đơn gửi Đồn Biên phòng Nậm Lạnh để mở lớp xóa mù. “Phải đi học, phải biết cái chữ để làm gương cho con cháu”, ông Mùa A Lồng điểm chỉ vào tờ đơn và nói. Sau ông Mùa A Lồng, vợ chồng Hạng A Thái nắm chặt tay nhau bước vào nhà trưởng bản để điểm chỉ vào đơn.
Thiếu tá Lò Văn Phích, phụ trách tổ công tác biên phòng tại bản Phá Thóng, Đồn Biên phòng Nậm Lạnh kể, hôm anh cầm trên tay tờ đơn xin mở lớp học xóa mù của bà con bản Phá Thóng gửi đồn, anh mừng đến rơi nước mắt. Nhiều năm, công tác qua nhiều đơn vị như Đồn Biên phòng Púng Bánh, Mường Lạn… Nơi nào, Thiếu tá Lò Văn Phích cũng đảm nhận việc mở lớp dạy xóa mù. Đã có nhiều học trò trưởng thành, đỗ đạt nhưng cảm xúc khi cầm lá đơn dày đặc dấu điểm chỉ của bà con Phá Thóng anh vẫn lặng người giây lát, nghĩ mình cần nỗ lực hơn để đem con chữ đến tận cùng bản khó.
Bản Phá Thóng ở Mường Và đẹp như tranh vẽ
Hôm Thiếu tá Lò Văn Phích đến Nhà Văn hóa cộng đồng Phá Thóng thông báo mở lớp, bà con í ới gọi nhau đến đăng ký. “Từ 30 học viên, ít hôm sau lớp lên tới 50 học viên. Lớp đủ độ tuổi, từ người già đến trẻ con, nhiều phụ nữ có con nhỏ cũng tham gia học. Tay cầm bút cứng và lóng ngóng vì quen cầm cuốc, cầm rựa nhưng bà con rất chăm chú. Bài giảng đến đâu bà con nắm đến đó, ai chưa hiểu gì liền mạnh dạn hỏi lại ngay. Đơn cử như vợ chồng Hạng A Thái, mỗi tối đến lớp đều phải dắt theo 3 con nhỏ vì không có ai trông, thế nhưng không vắng buổi học nào”, Thiếu tá Lò Văn Phích kể lại.
Đảm nhiệm công việc đứng lớp chính, Thiếu tá Lò Văn Phích dạy bà con từ nét chữ, phép tính cho đến bài học về giáo dục pháp luật, phát triển kinh tế hộ gia đình. Bà con rất vui vì biết thêm nhiều thứ, học thêm được cách trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả. Khóa học kéo dài suốt 6 tháng, kết thúc trước thềm năm học mới sau bài sát hạch đánh giá kết quả. “Điều đáng mừng nhất là bà con đọc thông, viết thạo. Đặc biệt là ai cũng ý thức về việc học, tạo điều kiện cho con mình đến trường để thoát mù chữ”, Thiếu tá Lò Văn Phích bộc bạch.
Phan Lệ
Bình luận (0)