Trước cơ hội hấp dẫn của thị trường nhân lực vi mạch bán dẫn, ngay trong kỳ tuyển sinh cho năm học mới 2024-2025 sắp tới, nhiều trường ĐH trên địa bàn TP.Đà Nẵng đã lên kế hoạch mở ngành đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực này…
ĐH Đà Nẵng ký kết với các đơn vị về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn
Các trường ĐH khởi động
Trong kế hoạch tuyển sinh năm 2024, nhiều trường ĐH tại TP.Đà Nẵng đã sẵn sàng cho việc đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn để đáp ứng nhu cầu cấp thiết của thị trường lao động. PGS.TS Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng) chia sẻ, thời gian qua, nhà trường đã tuyển sinh và đào tạo trình độ ĐH các ngành liên quan đến lĩnh vực điện tử, viễn thông, kỹ thuật máy tính. Trong chương trình đào tạo các ngành này, sinh viên được cung cấp những kiến thức, kỹ năng liên quan đến vi mạch như: công nghệ vi mạch, thiết kế vi mạch số, lập trình nhúng, công nghệ IoT… Năm 2024, nhà trường triển khai xây dựng đề án đào tạo thêm chuyên ngành thiết kế vi mạch. Khóa kỹ sư đầu tiên sẽ được tuyển sinh ngay trong năm 2024 với khoảng 50 sinh viên. Nhà trường đang hoàn thành xây dựng đề án đào tạo trình độ thạc sĩ về IoT và vi mạch bán dẫn.
Kỳ tuyển sinh năm 2024, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) mở mới chuyên ngành vi điện tử – thiết kế vi mạch với chỉ tiêu dự kiến khoảng 100 chỉ tiêu tuyển sinh. Còn tại Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt – Hàn (ĐH Đà Nẵng) cũng tuyển sinh 40 chỉ tiêu cho chuyên ngành thiết kế vi mạch bán dẫn. Nhà trường dự kiến chuyển tiếp 180 sinh viên các chuyên ngành gần và liên quan sang thiết kế vi mạch bán dẫn; triển khai các lớp đào tạo nhanh, tập huấn phối hợp với doanh nghiệp dự kiến tuyển sinh và đào tạo từ 60-100 chỉ tiêu hằng năm.
Những con số chỉ tiêu năm đầu tiên tuy còn khiêm tốn so với tổng chỉ tiêu tuyển sinh, tuy nhiên đây là bước khởi đầu đầy kỳ vọng về nguồn nhân lực chất lượng để bắt nhịp với nhu cầu của thị trường lao động trong giai đoạn mới.
Chú trọng chất lượng nhân lực
Lên kế hoạch, rà soát cơ sở vật chất, nhân lực giảng dạy nhằm đảm bảo việc đào tạo nhân lực đảm bảo chất lượng đầu ra là vấn đề được các trường chú trọng. PGS.TS Phan Cao Thọ – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng) cho biết, nhà trường sử dụng đội ngũ giảng viên cơ hữu có chuyên môn về điện tử, kỹ thuật máy tính liên quan đến lĩnh vực bán dẫn, tận dụng tối đa nguồn lực giảng viên của ĐH Đà Nẵng lĩnh vực chuyên ngành thiết kế vi mạch. Đồng thời sẽ mời các chuyên gia trình độ cao đến từ các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước tư vấn, giảng dạy, bồi dưỡng, hướng dẫn thực tập doanh nghiệp… Cử đội ngũ giảng viên tham gia các khóa tập huấn, đào tạo bồi dưỡng chuyên môn sâu về công nghệ vi mạch thông qua các chương trình của TP, Chính phủ và các doanh nghiệp về vi mạch. Hiện nhà trường đang trong quá trình hoàn thiện dự án đầu tư vốn ODA xây dựng phòng thí nghiệm vi mạch bán dẫn và hệ thống IoT với hệ thống máy chủ, phần mềm bản quyền cho đào tạo thiết kế vi mạch, các thiết bị đo kiểm thử chip bán dẫn, hệ thống phần cứng các nền tảng IoT thế hệ mới. Theo PGS.TS Phan Cao Thọ, đây là ngành học dự báo nhu cầu nguồn nhân lực rất lớn trong thời gian tới nên sinh viên học ngành này sẽ có cơ hội nhận học bổng từ các doanh nghiệp. Để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, nhà trường cũng sẽ chú trọng đầu vào, cụ thể sẽ ưu tiên tuyển các thí sinh có nền tảng toán học, vật lý, ngoại ngữ.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh thì TP cũng đang tập trung triển khai nghiên cứu xây dựng một số cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực vi mạch, bán dẫn, trong đó, tập trung vào 3 đối tượng: đội ngũ giảng viên, các kỹ sư đã tốt nghiệp (bao gồm cả chuyên ngành gần), sinh viên đang đào tạo… nhằm tạo nguồn nhân lực có kỹ năng với đầu ra đáp ứng theo tiêu chuẩn quốc tế của các doanh nghiệp lớn. |
Năm 2023, ĐH Đà Nẵng đã ký kết biên bản hợp tác liên minh với ĐHQG TP.HCM, ĐHQG Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn. Mục tiêu nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của các trường để thống nhất kế hoạch hành động và mở rộng cùng các cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam tăng nhanh số lượng, nâng cao chất lượng và hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn. Thúc đẩy nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo từ các cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam, nhằm hợp tác hiệu quả với doanh nghiệp bán dẫn trong chuỗi giá trị chip bán dẫn toàn cầu từ nay đến 2030 và tầm nhìn đến 2045.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho biết, Đà Nẵng xác định vi mạch bán dẫn là cơ hội và là động lực tăng trưởng của TP trong thời gian đến. Để chuẩn bị cho thời điểm này, TP đã tổ chức hội thảo và định hướng giải pháp phát triển nhân lực phục vụ ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn TP.Đà Nẵng; xúc tiến đầu tư với các tập đoàn: Synopsys, Intel, Nvidia, ITSJ-G, Qorvo tại San Jose (Hoa Kỳ)… về đào tạo phát triển chip vi mạch và trí tuệ nhân tạo. Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giữa UBND TP.Đà Nẵng và Công ty Synopsys trong lĩnh vực công nghiệp vi mạch bán dẫn. Đà Nẵng cũng đã ban hành kế hoạch phát triển công nghiệp CNTT trên địa bàn TP đến năm 2030. Trong đó xác định ưu tiên phát triển công nghiệp thiết kế, sản xuất vi mạch. Về hạ tầng công nghiệp CNTT, Đà Nẵng hiện có khu CNC, 6 KCN và chế xuất và 3 khu CNTT, công viên phần mềm đang hoạt động; Khu Công viên phần mềm số 2 đã xây dựng và tiếp tục mở rộng Khu CNTT tập trung Đà Nẵng giai đoạn 2; thu hút đầu tư Khu không gian sáng tạo Hòa Xuân, hỗ trợ triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng tòa nhà công nghệ cao Viettel Khu CNTT Đà Nẵng Bay. Đà Nẵng đang có nhiều công ty thiết kế vi mạch hoạt động như: Synopsys, Uniquify, Savarti, Renesas, Synapse, FPT Semi, Sannei Hytechs,… với khoảng 550 kỹ sư đang làm việc.
Hàn Giang
Bình luận (0)