Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Nam Phi: Trẻ em học toán qua vẽ hình

Tạp Chí Giáo Dục

Nữ nghệ sĩ nổi tiếng thế giới Esther Mahlangu của bộ tộc Ndebele đi ngang bức tường mà bà và nhiều nghệ sĩ khác bắt đầu vẽ tại Bảo tàng Khoa học Bono ở Johannesburg vào ngày 27-5-2009

Một bảo tàng khoa học đang sử dụng nghệ thuật và truyền thống để dạy toán cho trẻ em nghèo tại một số trường học bị xao nhãng nhất ở Nam Phi, cơ bản dựa vào tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời của các nghệ sĩ Ndebele.
Nhiều tấm bảng mang dạng hình học ngoài viền đen, trong là những hình vẽ với màu sắc nguyên thủy tươi sáng thường được dùng trang trí nhà của bộ tộc Ndebele thuộc mạn đông-bắc Nam Phi.
Cách đây hai tuần, một số những tấm bảng này xuất hiện trên tường ở Trung tâm Khám phá khoa học Bono ngay tại trung tâm Johannesburg. Với một lô vòng bằng đồng sáng bóng và xâu chuỗi quấn quanh cổ, nữ nghệ sĩ Esther Mahlangu, 73 tuổi, của Ndebele đứng trên một tấm ván khi bà bắt đầu vẽ các mẫu nhỏ chằng chịt về những góc và đường thẳng.
Nhận thức đáng chú ý của người Nbedele về đối xứng và tỉ lệ làm sáng tỏ nhiều công thức toán học có trong hình học, lượng giác học. Trong những đường và hình do Mahlangu vẽ, học sinh học hỏi về lý thuyết cổ điển được nhà toán học Pythagore của Hy Lạp đưa ra, căn cứ vào tương quan giữa 3 cạnh và 3 góc của một hình tam giác. 
Smangele Vilakazi, 16 tuổi, từ Emthambotini, một trong những làng truyền thống của Ndebele nói: “Chúng tôi từng được học về mẫu vẽ toán học và mẫu vẽ của Ndebele. Họ (những nghệ sĩ Ndebele) không biết họ đang sử dụng toán học, nhưng họ đã làm vậy. Tôi không thể làm gì nếu không có toán. Toán là tất cả mọi thứ”.
Bảo tàng Khoa học đang cố làm cầu nối khoảng cách này thông qua di sản văn hóa giàu có của Nam Phi với những vật xâu chuỗi, công trình kiến trúc và tranh vẽ.
Thandi O’Hagan, quan chức giáo dục của bảo tàng nói: “Chúng tôi muốn cho thấy toán học áp dụng vào đâu trong đời sống của họ. Chúng tôi muốn chứng minh không chỉ có mối tương quan trừu tượng giữa toán học và nghệ thuật, nhưng là một tương quan thực tế”. 
Những tranh vẽ Ndebele giúp học sinh hiểu được hình vuông, hình chữ nhật và các góc. Những bài tập về đo lường và khối lượng được nghĩ ra từ những hình ảnh dùng trang trí các cổng ra vào và nhà cửa vườn tược Ndebele.
Những căn chòi tròn của họ có thể biểu trưng cho vòng tròn, mối tương quan giữa chu vi và đường kính, và làm cách nào để giải quyết những vấn đề về hình đặc như đo thể tích.
Đây là một kiến thức đã được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác mà không có bất cứ sách giáo khoa nào – chỉ bằng ánh mắt sắc bén và bàn tay vững vàng.
Mahlangu, một trong 5 nghệ sĩ Ndebele tham dự vào sự kiện này, cười dài và vui khi được hỏi bà có học qua về toán hay chưa. Bà nói: “Tôi thậm chí chưa biết tới cổng nhà trường, bởi tôi chưa bao giờ đi học. Tất cả chúng ở trong đầu tôi”.
Mahlangu đã từng đi khắp thế giới, vẽ đủ thứ từ chậu hoa đến công trình kiến trúc và thậm chí vẽ lén. Năm 1991, bà là nữ nghiệ sĩ da đen duy nhất vẽ một nguyên mẫu xe BMW, một phần trong bộ Sưu tập xe hơi nghệ thuật, trong đó có cả những tác phẩm của Roy Lichtenstein và Andy Warhol.
Bà vẫn rất gắn bó với quê hương vùng nông thôn và vui thích khi có thể chia sẻ niềm đam mê nghệ thuật với lớp trẻ. Bà nói: “Họ sẽ tiếp tục truyền thống để nghệ thuật của chúng tôi không bị mai một”.
Ông hoàng Vusi Mahlangu, một trong hai dòng họ hoàng tộc ở Ndebele, nói ông quan tâm sâu sắc đến giáo dục cho người dân ở bộ tộc ông, hiện đang lớn lên ở vùng quê với số thất nghiệp lên đến 25%.
Ông phát biểu: “Hãy để chúng tôi không quên rằng chúng tôi từ đâu tới và dùng những gì tổ tiên chúng tôi đã học để có tương lai tốt đẹp hơn”.
Quang Hùng (theo AP)

Bình luận (0)