Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Nam Phi: Tương lai mờ mịt cho các trường học

Tạp Chí Giáo Dục

Một lớp học trong trường Hội Giám lý Albert

Mặc dù lớp quá đông học sinh và thiếu giáo viên, các học sinh tại Trường Trung học Kỹ thuật Katlehong, Nam Phi, vẫn cố gắng hết sức trong kỳ thi cuối năm.
Năm ngoái, những học sinh năm cuối chỉ đạt tỉ lệ tốt nghiệp đáng thất vọng là 16%, khiến Trường Trung học Kỹ thuật Katlehong trở thành một trong những trường có thành tích tệ nhất trong năm tài chính vừa rồi ở tỉnh Gauteng, Nam Phi.
Cũng như tất cả các trường trong nước, trường từng bị than phiền là bất đắc dĩ mới chịu thuê giáo viên người nước ngoài, dù thiếu giáo viên trầm trọng, kể cả những giáo viên bỏ chạy khỏi nước láng giềng Zimbabwe do khủng hoảng chính trị tại đây.
Theo nữ hiệu trưởng Mantwa Masiteng, thất bại của trường bà có thể tô đậm thêm nguyên nhân thiếu giáo viên chuyên môn.
Bà nói: “Trường của chúng tôi là trường duy nhất trong vùng giảng dạy những môn kỹ thuật. Các bậc phụ huynh muốn con cái họ theo học để khi ra trường có thể làm những việc về kỹ thuật. Tuy nhiên, chúng tôi lại không có đủ giáo viên đảm trách những bộ môn này, đặc biệt trong xây dựng công trình công cộng, thiết kế đồ họa, kỹ thuật cơ khí và công việc với kim loại”.
Trường Kỹ thuật Katlehong buộc phải nhét khoảng 50 học sinh vào một lớp. Sĩ số như vậy đông gấp ba lần số học sinh trong một lớp học bình thường về kỹ thuật.
Những người tình nguyện
Không chỉ có Trường Trung học Kỹ thuật Katlehong mà nhiều trường khác tại khắp Nam Phi cũng đang đối mặt với những vấn đề tương tự. Tại một số vùng nông thôn, học sinh vẫn đang học dưới gốc cây. Các quan chức giáo dục cho biết giáo viên bỏ nghề này do có những chỗ làm ngon ăn hơn trong lãnh vực tư nhân.
Nhưng cách Katlehong không bao xa, ở Johannes-burgh, một trường học khác lại đối mặt với những thách thức khác hẳn.
Trường Hội Giám lý Albert (Albert Street Methodist – Methodist được dịch “Hội Giám lý”, một nhánh của Nhà thờ đạo Thiên chúa gốc ở Anh) là một cơ sở giáo dục được thành lập thời gian ngắn sau khi xảy ra vụ bạo lực bài ngoại hồi tháng 5, nhằm giúp các trẻ em mà gia đình buộc phải sơ tán. Hàng chục ngàn di dân châu Phi phải bỏ chỗ ở ra đi khi nhà cửa của họ bị những người Nam Phi nổi giận phá hủy, cáo buộc họ gây ra tình trạng tội phạm ở mức độ cao và lấy cắp những cơ hội làm kinh tế của cư dân. Một nhóm giáo viên người Zimbabwe đã xây dựng ngôi trường với sự giúp đỡ của Nhà thờ Trung ương Hội Giám lý. Trường có nhiều giáo viên đầy đủ khả năng, nhưng họ đều làm việc với tư cách tình nguyện viên.
Đa số trong họ đến từ nước láng giềng Zimbabwe, một đất nước bị tiêu điều do khủng hoảng chính trị và kinh tế.
Bảo vệ
Hiệu trưởng trường, ông Alpha Zhou, nói nhiều giáo viên Zimbabwe không thể được sử dụng chính thức ở Nam Phi.
Theo ông: “Nữ giáo viên rốt cuộc trở thành người giúp việc nhà trong khi nam giáo viên buộc làm những công việc trong ngành xây dựng bởi họ không cách nào kiếm được việc làm ở Nam Phi. Mặc dù ở đây thiếu giáo viên hết sức trầm trọng, nhất là trong những bộ môn khoa học và toán, (chính phủ) vạn bất đắc dĩ mới sử dụng người Zimbabwe.”
Nhưng Giám đốc Sở Giáo dục tỉnh Gauteng, bà Angie Motshekga, lên tiếng bảo vệ cơ quan của mình. Bà nói: “Ưu tiên của chúng tôi là cho những người dân Nam Phi cơ hội kiếm công ăn việc làm. Chỉ khi nào hoàn toàn tin chắc không thể có người Nam Phi nào đảm nhiệm công việc, chúng tôi mới tuyển dụng người thay thế (giáo viên người Zimbabwe). Nên không thể có kiểu hễ ai xin việc là chúng tôi nhận. Chúng tôi tuyển người dựa trên cơ bản nhu cầu của mình.”
Trong năm học sắp tới, tỉnh Gauteng đang cần khoảng 5.000 giáo viên để lấp chỗ trống. Những tỉnh khác cũng đều trong tình trạng thiếu người nghiêm trọng trong lãnh vực giáo dục.
Các chuyên gia giáo dục nói, trừ phi chính phủ Nam Phi có chuyển động ít ra là chút đỉnh trong chính sách thuê người, tương lai của các trẻ em Nam Phi vẫn còn rất mờ mịt.
Quang Hùng (theo AP)

Bình luận (0)