Bắt tay vào nghiên cứu, ban đầu Quân phải vào tận các làng bản để khảo sát công thức trồng rau của người dân. Do không có kinh nghiệm, kiến thức nên ngày đi thực tế, tối về em lại đến tận nhà nhờ các giáo viên hỗ trợ kiến thức khoa học, dịch tài liệu nước ngoài để mày mò ra công thức tạo phân bón.
Quân trực tiếp lấy thân cây dã quỳ, cắt ngắn từ 3-5 cm rồi trộn với chế phẩm vi sinh Trichoderma Achacomix theo tỉ lệ nhất định rồi ủ men trong vòng 2 tuần để tạo ra thành phẩm phân bón. Ban đầu Quân thí nghiệm với một lượng nhỏ trong thùng xốp, khi thành công em tiến hành đào hố để ủ phân cùng lúc lên tới nửa tấn.
Khi có phân bón, Quân bắt đầu xắn quần ra ruộng rau trực tiếp gieo hạt và canh tác tại vườn. Hàng ngày, Quân thức dậy từ sớm, hành trang mang theo là cuốn sổ ghi chép tỉ mẩn từng thay đổi của rau. Sau một thời gian, kết quả cho thấy, với luống rau bón bằng phân dã quỳ, tỉ lệ nảy mầm đạt tới 90%, cao hơn các loại phân bón trước với tỉ lệ 60-70%.
Sau 7 tháng thử nghiệm tại nhiều vườn rau của người dân, Quân khẳng định được sản phẩm đã thành công khi tính toán 1 ha đất sử dụng phân bón từ cây dã quỳ tiết kiệm 10 triệu đồng. Chưa kể, năng suất thu hoạch rau cũng tăng lên.
Sản phẩm của Quân được giải Nhì cuộc khi Sáng tạo Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia và hiện được đa số người dân ở huyện Chư Sê (Gia Lai) sử dụng. Quân cho biết: “Em tiếp tục nghiên cứu nâng cấp sản phẩm nhưng không phải để bán mà truyền lại cho bà con để họ ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp thay thế bằng các loại phân bón độc hại cho sức khỏe người tiêu dùng và môi trường”.
Nguyễn Hà (TPO)
Bình luận (0)