Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nam sinh ĐH Bách khoa TPHCM đi tù vì trộm laptop

Tạp Chí Giáo Dục

Vì lòng tham trong cơn cùng quẫn, một sinh viên năm thứ tư ĐH Bách khoa TPHCM đã trộm 4 máy tính xách tay để rồi phải nhận mức án 2 năm tù. Khi trả lời tòa, bị cáp cúi đầu lặp lại một cụm từ: “Bị cáo có lỗi, bị cáo có lỗi…”.

Gần một năm trước, T.T.A còn đang hãnh diện ngồi trong giảng đường của ĐH Bách khoa TPHCM. Còn hôm ấy, cậu sinh viên năm thứ tư này phải đứng sau chiếc vành móng ngựa trong phòng xử án để nghe cơ quan tố tụng quyết định tương lai của mình. 

Vì lòng tham, A phải trả giá 2 năm tù. 
1. Chuyện của A là một câu chuyện về lòng tham tồn tại trong một con người vốn được chế ngự nhưng bất chợt trỗi dậy khi gặp cảnh cùng quẫn, trong những thời khắc thiếu kiềm chế.
Câu chuyện ấy xảy ra vào cuối năm 2008. A có bạn học trong Trường ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM nên thường xuyên đến chơi. Hai trong số những lần đến thăm bạn, A đã lén lấy trộm 2 máy tính xách tay của những sinh viên khác. Thời gian sau đó, A còn trộm hai chiếc khác ngay trong khu ký túc xá của trường mình. A mang bốn máy tính này đi bán được hơn 30 triệu đồng. Trong giỏ đựng máy còn có 2 thẻ ATM, A rút trộm được 2,6 triệu đồng.
Rồi hành vi của A bị phát hiện. A bị khởi tố, bắt giam. Theo kết luận giám định, tổng số tiền A trộm cắp hơn 50 triệu đồng. Xử sơ thẩm, TAND quận 10 đã phạt A 2 năm tù về tội trộm cắp tài sản. A kháng cáo xin được giảm án vì hoàn cảnh gia đình khó khăn.
2. Phiên xử phúc thẩm hôm ấy vắng tanh người dự khán. A không có một người thân nào tham dự phiên tòa để động viên, chia sẻ. Cha mẹ A nghèo khó, không có tiền quay trở lại TPHCM sau phiên xử sơ thẩm. Bạn bè thân thiết với A lúc đầu thì nhiệt tình nhưng giờ cũng quay lưng, lánh mặt.
Từ một vùng quê nghèo ở Quảng Ngãi, A đã bước vào giảng đường đại học trong sự trầm trồ của bà con lối xóm và bao bạn bè cùng trang lứa. Hai năm sau, đứa em trai cũng nối gót anh vào Trường ĐH Bách khoa TPHCM. Những tưởng mọi việc đã tốt đẹp với cậu thanh niên nghèo mà hiếu học này, ai ngờ đúng thời điểm chuẩn bị ra trường thì A đã…
Suốt phiên phúc thẩm, tòa xoáy vào việc giải mã nguyên nhân dẫn đến việc A phạm tội. A chậm rãi: “Thưa tòa, gia đình bị cáo ngoài quê nghèo lắm. Suốt thời gian qua, bị cáo vừa học vừa làm thêm nhưng không thể đủ trang trải cho chi phí và tiền học của hai anh em. Vì còn nợ nhiều tiền học phí quá, bị cáo sợ nợ như thế sẽ không được ra trường nên mới trót dại”. Đến đây thì A cúi mặt như đang tự dằn vặt chính mình.
Tòa hỏi: “Túng quẫn có phải là con đường cùng không mà bị cáo hành động như vậy?”, A chỉ cúi đầu lặp lại một cụm từ: “Bị cáo có lỗi, bị cáo có lỗi…”. Sau một phút im lặng, tòa không hỏi thêm, chỉ lắc đầu nhìn bị cáo, vừa thương vừa giận.
Giờ giải lao, tôi tranh thủ hỏi thăm. A kể phải cực khổ lắm ba mẹ em mới có thể lo cho hai anh em vào đại học. Cha A nguyên là một người lính nghỉ mất sức lao động, mấy sào ruộng đều do một tay người mẹ gầy yếu chăm lo. Tiền học phí của hai anh em A được góp nhặt từ những đồng chắt chiu nơi quê nhà cộng với số tiền A làm thêm nhưng không tài nào đủ.
Thế nhưng A cũng biết đó không phải là lý do để biện hộ cho hành vi sai trái của mình. A hối hận: “Em biết rồi đây đi xin việc ở đâu, dù chỉ là một lao động chân tay đơn thuần người ta cũng không nhận vì biết em là một người ở tù ra, đau lắm!”.
3. “Tôi thật sự thấy tiếc cho bị cáo. Tôi cũng như bao người làm cha làm mẹ khác đều thấy hãnh diện khi có con học trong bất cứ một trường đại học nào chứ đừng nói gì Trường Bách khoa, thế mà bị cáo lại tự hủy hoại mình. Chính bị cáo đã tự khép cửa tương lai của mình đó, biết không?” – vị nữ chủ tọa chua xót nói trước khi cùng các thành viên khác trong hội đồng xét xử vào nghị án.
Sau câu nói đó, A bật khóc. Rồi giờ phút quan trọng cũng đã đến khi tòa tuyên đọc bản án. Ai cũng biết dù có chiếu cố bao nhiêu thì A cũng không thể có một mức án nhẹ hơn bởi A phạm tội nhiều lần và số tiền trộm cắp lớn. Tòa cũng đã xét hết các tình tiết giảm nhẹ cho A như phạm tội lần đầu, gia đình tích cực khắc phục hậu quả, bản thân là sinh viên nên không áp dụng hình phạt tiền bổ sung. Mức án 2 năm tù là không thể xem xét để giảm nhẹ hơn được nữa.
Tòa tuyên bố kết thúc phiên xử, A lầm lũi bước theo hai cảnh sát áp giải. Phía trước A bây giờ là cánh cổng trại giam lạnh lẽo đang mở rộng. Bất chợt, A ngoái đầu nhìn lại phía sau xem có người thân nào dõi theo mình nhưng phía sau không có ai ngoài một khoảng không trống rỗng, vắng lặng…
Theo Thanh Tùng
Pháp Luật TPHCM

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)