Chứng kiến tình trạng kẹt xe gây ra rất nhiều khó khăn cho người tham gia giao thông lẫn người đi bộ. Đặc biệt là tại những khu vực như: trường học, chợ, các ngã tư…, em Lưu Văn Hưng (lớp 8/3, Trường THCS Nguyễn Văn Nghi, quận Gò Vấp) đã thực hiện dự án giúp giảm kẹt xe trên địa bàn.
Cô Nguyễn Khánh Linh và em Lưu Văn Hưng
Kẹt xe xảy ra nhiều vấn đề
Với những ai đã từng hoặc đang sinh sống trên địa bàn Q.Gò Vấp chắc hẳn đã quá quen thuộc với cảnh kẹt xe. Tình trạng này có thể xảy ra bất kỳ lúc nào chứ không chỉ riêng những giờ cao điểm. Thêm vào đó là những công trường xây dựng mọc lên liên tục càng làm cho việc ùn tắc giao thông dễ xảy ra.
Theo Hưng, kẹt xe không chỉ ảnh hưởng đến quá trình di chuyển mà còn làm lãng phí thời gian đáng kể, ảnh hưởng đến tinh thần của người dân khi hằng ngày phải vượt qua những “ải” kẹt xe để đến nơi làm việc, trường học… Không chỉ vậy, họ còn hít phải khói bụi kẹt xe làm ảnh hưởng đến sức khỏe, làm cho cuộc sống chính bản thân ta ngày càng căng thẳng hơn. “Khi gặp tình trạng kẹt xe nhiều người lộ vẻ khó chịu, nóng tính, đôi lúc có những hành vi đi ngược lại với Luật Giao thông như: lấn chiếm lòng lề đường, tranh giành làn đường, thậm chí còn chửi thề… ảnh hưởng đến văn hóa giao thông” – Hưng chia sẻ.
Trước thực tế đó, Hưng luôn trăn trở là làm sao để giảm tình trạng kẹt xe, giúp người tham gia giao thông không còn vật vã mỗi khi lưu thông trên đường… Với quyết tâm của mình, cuối 2019, Hưng bắt tay thực hiện dự án “Giải pháp giảm tình trạng kẹt xe trên địa bàn Q.Gò Vấp”. “Đến với đề tài này em gặp phải không ít khó khăn. Là dân không chuyên, lượng kiến thức về giao thông thì hạn hẹp vì vậy em phải mất nhiều thời gian để thu thập tài liệu liên quan đến giao thông trên địa bàn. Chưa kể ngoài giờ học em còn tranh thủ lên mạng tìm hiểu thêm kiến thức về giao thông, những bước nghiên cứu. Có những lúc có được tài liệu rồi nhưng lại không biết bắt đầu từ đâu, cách triển khai đề tài như thế nào… Đã không ít lần em có suy nghĩ bỏ cuộc, nhưng nhờ sự giúp đỡ, hỗ trợ và động viên từ cô Nguyễn Khánh Linh (giáo viên trong trường), cuối cùng dự án cũng đã hoàn thành và đoạt giải nhì trong Cuộc thi nghiên cứu khoa học cấp TP vừa qua” – Hưng chia sẻ.
Theo cô Nguyễn Khánh Linh: “Ở trình độ của một học sinh lớp 8 thì đây là một dự án được đầu tư kỹ lưỡng, ý tưởng độc đáo. Hy vọng những giải pháp mà Hưng nghiên cứu trên đây sẽ giúp khắc phục được tình trạng kẹt xe kéo dài nhiều năm qua trên địa bàn Q.Gò Vấp, đem lại cuộc sống tốt đẹp cho người dân nơi đây, giảm thiểu được những ảnh hưởng về sức khỏe cũng như về kinh tế gây nên do kẹt xe”. |
Theo Hưng, tình trạng kẹt xe ở địa bàn Q.Gò Vấp có nhiều nguyên nhân. Chủ yếu là do ý thức chấp hành Luật Giao thông của người điều khiển phương tiện giao thông (cả phương tiện có động cơ và thô sơ); việc phân luồng, phân làn xe chạy, điều phối giao thông, đèn tín hiệu ở nút giao nhau chưa tốt. Ngoài ra còn do việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để bán hàng của một số đông người bán lẻ, phụ huynh chờ đón con trước cổng các trường học, xe ôm… Một nguyên nhân khác là do mức phạt tiền vi phạm Luật Giao thông vẫn còn thấp, chưa đủ sức răn đe đối với người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông trên đường phố.
Nên sử dụng phương tiện giao thông công cộng
Để khắc phục tình trạng này, Hưng đề xuất 9 giải pháp. Hưng cho rằng, ở những nước phát triển xe buýt được xem là phương tiện chủ đạo khi tham gia giao thông vì chở được nhiều người, giảm diện tích chiếm mặt đường và chi phí vận hành rẻ, tạo điều kiện cho việc sử dụng nhiên liệu sinh học được phổ biến góp phần chống ô nhiễm môi trường. Do đó người Việt Nam nên đi xe buýt thay cho xe máy, xe ô tô để đi học, đi chơi, đi làm. Tuy nhiên, để xe buýt hoạt động thuận lợi, di chuyển nhanh và an toàn, Nhà nước nên ưu tiên cho xe buýt chạy 1 làn riêng biệt sát lề đường bên phải để tiện lên xuống. Làn xe buýt nên có dải phân cách cứng từng đoạn thấp và riêng biệt với làn giao thông của các phương tiện khác. Bên cạnh đó, làn của vỉa hè cũng cần được phân biệt rạch ròi, ưu tiên sắp xếp từ ngoài đường vào trong như sau: Người đi bộ, đậu ô tô, đậu xe máy. Kiên quyết loại trừ các trường hợp lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh, buôn bán. “Với những khu vực gần cổng trường, cũng cần bố trí lại giờ vào học và giờ ra về của học sinh cấp 2 và 3. Học sinh cấp 2 hoặc cấp 3 phần lớn đã tự chủ được trong việc đi học mà không cần tới sự đưa đón của cha mẹ, vì vậy các trường nên chủ động phân chia giờ học của các lớp học cho hợp lý. Không để tất cả học sinh cùng tới lớp và ra về cùng một giờ trong ngày gây ách tắc khi đến trường cũng như khi tan trường” – Hưng gợi ý.
Về phía Nhà nước, bước đầu cần đánh thuế trước bạ cao khi sang tên và thu phí lưu thông cao đối với các loại ô tô cá nhân, 2 hoặc 3 năm sau tiến hành áp dụng cho xe gắn máy. Thu phí cao đối với các xe từ tỉnh khác vào nội thành. Tất cả các nguồn thu này được dùng để hỗ trợ cho xe buýt. “Với phương tiện giao thông này, buộc cán bộ công chức phải gương mẫu đi làm bằng xe buýt. Đây là tiêu chí để đánh giá tư cách đạo đức và xếp bậc lương của cán bộ công chức. Ban đầu 1 tuần đi làm bằng xe buýt 1 lần sau đó cứ 6 tháng lại nâng lên thêm 1 lần trong tuần và cứ như vậy cho đến khi đi làm bằng xe buýt hết tất cả các ngày trong tuần” – Hưng đề xuất.
Bài, ảnh: Hồ Trinh
Bình luận (0)