Dù còn nhiều bất cập, Covid-19 là cơ hội để ngành giáo dục đổi mới nhằm thích ứng linh hoạt, an toàn và phù hợp với bối cảnh.
Covid-19 được xem là phép thử của ngành giáo dục
Năm 2021 khép lại với nhiều điều chưa từng có trong tiền lệ do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Dịch bệnh tác động sâu, rộng đến tất cả các lĩnh vực, trong đó có ngành giáo dục đào tạo.
Cuối tháng 4-2021, đợt dịch lần thứ 4 bùng phát tại TP.HCM, chính thức đánh dấu kỳ nghỉ dài chưa từng có của hơn 1,7 triệu học sinh TP. Lần đầu tiên, lễ khai giảng năm học mới, thầy trò TP.HCM phải tham dự qua màn hình, mở đầu một năm học với vô vàn thách thức.
Covid-19 là cú hích để toàn ngành thay đổi…
Bước vào năm học mới cũng là thời điểm TP đang trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch. Gần 750.000 học sinh từ tiểu học đến THPT trên toàn TP thiếu thiết bị, đường truyền học trực tuyến ngay trước thềm năm học mới. Hàng trăm ngàn học sinh khắp TP thiếu SGK do hạn chế về đi lại. Đau đớn hơn, hơn 1.500 học sinh TP mồ côi do dịch Covid-19, cùng với đó là hàng ngàn giáo viên, học sinh nhiễm Covid-19… Bên cạnh đó, dịch Covid-19 cũng đặt ra các thách thức trong phương thức dạy và học. Các phương thức dạy học truyền thống trở nên không còn phù hợp, việc tương tác, truyền thụ theo bảng đen, phấn trắng trở nên “lỗi thời” trong dịch Covid-19.
Tất cả những khó khăn đó đã đặt ngành giáo dục đào tạo TP vào một thách thức chưa từng có. Covid-19 được xem như phép thử với toàn ngành giáo dục nói chung và ngành giáo dục đào tạo TP nói riêng. Đó là phép thử của tình yêu thương và trách nhiệm, phép thử của nghề giáo, phép thử của bản lĩnh.
“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, toàn ngành giáo dục đã “lên dây cót” cùng vào cuộc. Tình yêu thương được huy động trong toàn ngành. Những chiếc điện thoại, máy tính bảng đã được từng nhà trường kêu gọi để hỗ trợ trang thiết bị, phương tiện học trực tuyến cho học sinh. Nhiều giáo viên, hiệu trưởng không màng dịch bệnh vào vùng đỏ trao thiết bị cho học sinh.
Phương pháp giảng dạy từ truyền thống được ngành giáo dục linh hoạt chuyển đổi thành dạy và học trực tuyến, dạy học trên internet, dạy qua truuyền hình. Toàn ngành, từng nhà trường, giáo viên xem Covid-19 như một cuộc sát hạch, từ đó tự nâng cao năng lực CNTT, kỹ năng sử dụng công nghệ và đặc biệt là sự bình tĩnh ứng phó trước một tình huống chưa từng có, để vượt khó tiếp tục đứng lớp trong một bối cảnh hoàn toàn mới.
Những chỉ đạo, điều hành được ngành giáo dục kịp thời đưa ra, giúp giảm tải áp lực dạy và học trong bối cảnh dịch bệnh cho cả thầy và trò. Riêng ở bậc tiểu học, nhất là ở bậc học lớp 1, thời lượng dạy học được thiết kế tiết giảm với dạy học trên truyền hình là chính, dạy học trên internet là phụ đạo, từng bước giúp trẻ làm quen và thích thú với việc học trực tuyến tại nhà.
Nhiều giáo viên đã mày mò sáng tạo ra những bài giảng trực tuyến sinh động, độc đáo, “kéo” học sinh ra khỏi những ủ ê của dịch bệnh để đến với tiết học. Học sinh được trải nghiệm tham quan bảo tàng trực tuyến, làm infographic, dự án. Cùng với thay đổi phương thức giảng dạy, các trường cũng mạnh dạn thay đổi cách thức kiểm tra đánh giá để phù hợp với hơn với hình thức và đánh giá đúng năng lực học sinh trong dịch bệnh. Sự tương tác qua màn hình không vì thế mà làm giảm đi tình cảm thầy trò, ngược lại trong dịch bệnh tình cảm thầy trò càng trở nên gắn kết, động viên nhau. Những nỗ lực này nhận được sự ủng hộ của học sinh và phụ huynh.
Dù còn nhiều bất cập, Covid-19 là cơ hội để ngành giáo dục đổi mới nhằm thích ứng linh hoạt, an toàn và phù hợp với bối cảnh. Nếu như một năm trước đây, dạy và học trực tuyến chỉ được xem là giải pháp tạm thời để ứng phó với dịch thì năm 2021, dạy học trực tuyến lại trở thành phương thức dạy học chính thức. Nhiều giáo viên cũng vì thế mà bứt phá, nâng cao năng lực sử dụng CNTT, thiết kế bài giảng. Bài giảng trực tuyến trở nên chỉn chu, chuyên nghiệp hơn.
Các phương pháp dạy học cũng phải thay đổi để phù hợp
Mặt bằng trình độ CNTT của giáo viên đã được nâng lên sau một thời gian dài tiếp cận giáo án online mà không phải qua các lớp học bồi dưỡng lấy chứng chỉ. Quan trọng hơn cả là tư duy, nhận thức của người giáo viên được thay đổi, từ chỗ ngại thay đổi đến sẵn sàng đón nhận những cái mới, sẵn sàng làm mới mình và thay đổi. Từ chỗ bài giảng chỉ là trình chiếu PowerPoint, sau một cuộc cách mạng bản thân, bài giảng của mỗi giáo viên đã sáng tạo, linh hoạt với các ứng dụng CNTT, đáp ứng đòi hỏi của tình hình mới.
Ngoài việc đáp ứng bối cảnh hiện tại, Covid-19 còn là cú hích để ngành giáo dục đi xa hơn, nhanh hơn trong yêu cầu chuyển đổi số và hiện đại hóa công nghệ đào tạo. Ngành giáo dục đã tính đến việc xây dựng nền tảng học trực tuyến mang tầm quốc gia với kho học liệu, bộ cơ sở dữ liệu đủ lớn. Đồng thời, ngành sẽ đánh giá sâu hơn việc học trực tuyến, từ đó pháp chế hóa những quy định, hướng dẫn về dạy và học trực tuyến, nhằm chuẩn bị cho khả năng đa dạng hóa hình thức đào tạo từ xa, trực tuyến, như cách thế giới đang hướng đến.
“Covid-19 là phép thử để mỗi thầy cô giáo trở nên vững vàng, bản lĩnh hơn trong nghề và trong cả tình yêu thương với học sinh. Trong bất cứ hoàn cảnh nào toàn ngành cũng nỗ lực thực hiện tốt lời dạy của Bác: “dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt””, cô Nguyễn Đoan Trang (Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, Q.1) chia sẻ.
Đỗ Giang Quân
Bình luận (0)