Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Năm tới, 3 điểm/môn có thể tốt nghiệp

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 27.4 tại TP.HCM, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT) Nguyễn An Ninh đã chủ trì buổi hội thảo với lãnh đạo 12 Sở GD-ĐT các tỉnh phía Nam về dự thảo quy chế tổ chức thi tốt nghiệp THPT quốc gia.

Học sinh trường THPT Bùi Thị Xuân TP.HCM ôn tập chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp 2009 – Ảnh: Đ.N.T

Bộ GD-ĐT dự kiến vào năm 2010 sẽ tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia, kết quả của kỳ thi này sẽ được sử dụng để công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào ĐH-CĐ-TCCN. Tại hội thảo, sau khi nghe đại diện Cục KT-KĐCL giới thiệu những điểm mới trong dự thảo quy chế kỳ thi THPT quốc gia, các đại biểu cơ bản thống nhất những điều nêu trong dự thảo và góp ý thêm những điều kiện để thực hiện quy chế này.
Theo dự thảo quy chế nêu trên, kỳ thi THPT quốc gia dự kiến sẽ được tổ chức vào tuần thứ 2 của tháng 6 hằng năm, tổ chức theo cụm trường, việc chấm bài thi sẽ được đổi chéo giữa các địa phương, cán bộ giảng viên các trường ĐH-CĐ-TCCN được điều động trực tiếp coi thi với chức năng và nhiệm vụ được tăng cường.
Kỳ thi sẽ không tổ chức thi các môn theo ban Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội-nhân văn hoặc ban Cơ bản như kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2008-2009 mà theo từng môn thi. Cụ thể, ở những năm đầu, sẽ tổ chức thi 8 môn: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý. Trong 8 môn này, có 3 môn bắt buộc: Toán, Văn, Anh; 1 môn do bộ GD-ĐT chọn hằng năm; 2 môn thí sinh tự chọn trong 4 môn còn lại. Như vậy thí sinh thi tổng cộng 6 môn. Những năm sau đó có thể thêm các môn khác như: Tin học, Giáo dục công dân… Theo Cục KT-KĐCL, việc tổ chức thi nhiều môn có mục đích để thí sinh được quyền lựa chọn phù hợp với khả năng của mình, hướng đến việc được công nhận tốt nghiệp THPT, hoặc tiếp tục xin xét vào ĐH-CĐ-TCCN… Riêng các thí sinh không thi môn Ngoại ngữ mà thi môn thay thế chỉ được sử dụng kết quả này để công nhận tốt nghiệp THPT.
Đề thi do Bộ GD-ĐT biên soạn, có khoảng 60% số điểm ứng với nội dung cơ bản trong chương trình THPT chuẩn đảm bảo cho những thí sinh có học lực trung bình, nắm được kiến thức cơ bản có thể tốt nghiệp; trong đó các môn Hóa học, Sinh học, Vật lý và Ngoại ngữ thi theo hình thức trắc nghiệm, các môn còn lại thi theo hình thức tự luận. Để được công nhận tốt nghiệp THPT quốc gia sẽ tính điểm của 6 môn, trong đó có gồm 3 môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ, 1 môn do Bộ GD-ĐT quy định (theo từng năm) và 2 môn do thí sinh tự chọn. Trường hợp thí sinh không học Ngoại ngữ hoặc học không đủ thời gian quy định thì trong những năm đầu được thi môn thay thế. Sau thời gian đầu, dự kiến những năm sau, thí sinh có thể được chọn 3 môn. Dự kiến sau năm 2011, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức tổng kết và có lộ trình cụ thể về hình thức đề thi cho từng môn.
Thí sinh đạt 18 điểm trở lên và không bị điểm 0 được công nhận tốt nghiệp THPT, trong đó từ 18 – 32 điểm xếp loại trung bình, 33 – 46 điểm xếp loại khá, trên 46 điểm xếp đạt loại giỏi. Những thí sinh không đủ điểm công nhận tốt nghiệp sẽ được cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành bậc học THPT hoặc giáo dục thường xuyên, được cấp chứng chỉ từng môn và được bảo lưu những môn có điểm từ 5 trở lên trong vòng 3 năm. Sau đó, thí sinh có thể thi những môn còn lại và nếu đạt sẽ được công nhận tốt nghiệp.
Nhựt Quang (Dan tri)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)