Tạp Chí Giáo Dục TP.Hồ Chí Minh
Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Năm trí tuệ Việt Nam tỏa sáng

Tạp Chí Giáo Dục

Trong năm 2019, Việt Nam không chỉ có đại học (ĐH) đầu tiên (ĐH Quốc gia TPHCM đứng trong tốp 1.001+) được xếp hạng trên bảng xếp hạng ĐH toàn cầu THE (Vương quốc Anh), mà vị trí xếp hạng trên các bảng xếp hạng uy tín của châu lục và thế giới liên tục được cải thiện. 

Đặc biệt, đây cũng là năm các trường ĐH Việt Nam có nhiều nhà khoa học nổi tiếng được vinh danh và có tầm ảnh hưởng trong nghiên cứu khoa học. 

Những nhà khoa học tầm cỡ quốc tế

TS Nguyễn Văn Út, Trưởng phòng Quản lý khoa học Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cho biết: Nhóm Web of Science (WoS) thuộc Clarivate (Mỹ) vừa công bố danh sách các nhà khoa học có trích dẫn cao trên toàn thế giới (HCR). Những nhà khoa học có trích dẫn cao theo WoS phải là người công bố những bài báo thuộc tốp 1% trong chuyên ngành thông qua chỉ số trích dẫn khoa học.

PGS-TS Nguyễn Thị Hiệp (đứng giữa) được vinh danh trong tốp 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á 

Theo đó, năm 2019, toàn thế giới có 6.216 nhà khoa học trích dẫn cao từ 60 quốc gia. Mỹ có đến 2.737 nhà khoa học trích dẫn cao, chiếm 44% toàn cầu. Kế đến là Trung Quốc, Anh, Australia, Đức. GS Bùi Tiến Diệu và GS Nguyễn Xuân Hùng có tên trong danh sách 6.216 nhà khoa học có HCR. GS Bùi Tiến Diệu (ĐH Đông Nam, Na Uy) hiện là Trưởng nhóm nghiên cứu hàng đầu của Trường ĐH Tôn Đức Thắng.

GS Bùi Tiến Diệu nghiên cứu chuyên ngành Địa – Tin học với 171 bài nghiên cứu khoa học quốc tế được công bố, chỉ số trích dẫn trên 3.800. Còn GS Nguyễn Xuân Hùng là Giám đốc Viện Nghiên cứu liên ngành thuộc Trường ĐH Công nghệ TPHCM (Hutech), hiện nghiên cứu, giảng dạy tại các ĐH ở Đài Loan và Hàn Quốc.

GS Hùng có 167 bài nghiên cứu khoa học đã công bố, trên 7.600 chỉ số trích dẫn. Các nhà khoa học HCR là những nhà khoa học có ảnh hưởng nhất trong chuyên ngành và có thể xem họ là những chuyên gia hàng đầu trên thế giới ở chuyên ngành đó.

Trong khi đó, theo kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả John P. A. Ioannidis, Jeroen Baas, Richard Klavans và Kevin W. Boyack trong một công trình công bố trên tạp chí “PLOS Biology” (Mỹ), nếu xét riêng các nhà khoa học hoàn toàn cơ hữu tại những trường ĐH của Việt Nam thì chúng ta cũng vinh dự có 10 đại diện vào tốp 100.000 nhà khoa học hàng đầu thế giới.

Cụ thể: Trường ĐH Y Hà Nội có một nhà nghiên cứu là PGS-TS Trần Xuân Bách. Trường ĐH Tôn Đức Thắng có GS Nguyễn Thời Trung và TS Thái Hoàng Chiến. Có 3 nhà nghiên cứu đến từ ĐH Quốc gia Hà Nội là GS-TS Nguyễn Đình Đức, PGS-TS Lê Hoàng Sơn và GS-TS Phạm Việt Hùng. ĐH Quốc gia TPHCM có GS-TS Phan Thanh Sơn Nam. Trường ĐH Phenikaa có GS-TS Nguyễn Văn Hiếu và TS Phạm Việt Thành. Trường ĐH Việt – Pháp có TS Trần Đình Phong. 

Nhà khoa học nữ xuất sắc

Cuối năm 2019, chương trình Giải thưởng L’Oréal – UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học đã trao học bổng cho 3 nhà khoa học nữ xuất sắc năm 2019 với các nghiên cứu tiềm năng tại Việt Nam, đồng thời vinh danh 32 nhà khoa học nữ xuất sắc đã góp phần thay đổi ngành khoa học Việt Nam trong 10 năm qua.

Trong số 3 nhà khoa học nữ xuất sắc năm nay, TS Trần Thị Hồng Hạnh, nghiên cứu viên chính – Viện Hóa sinh biển (Viện hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), được trao giải thưởng với đề án Nghiên cứu sử dụng phương pháp sắc ký vân tay kết hợp thiết bị hiện đại để đánh giá thành phần và chất lượng dược liệu.

Đề án này có ý nghĩa quan trọng, khi nhu cầu sử dụng dược liệu trong phòng và chữa bệnh ở Việt Nam ngày càng gia tăng, giúp việc xác định về định tính và định lượng chất lượng các thảo dược, từ đó làm cơ sở khoa học chứng minh tác dụng của dược liệu trong y học cổ truyền, đồng thời tìm ra các tác dụng, công dụng mới của dược liệu phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe cộng đồng. 

GS-TS Hồ Thị Thanh Vân, Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Quan hệ đối ngoại (Trường ĐH TN-MT TPHCM), được trao giải thưởng về nghiên cứu tổng hợp xúc tác nano hợp kim Pt-Mo trên vật liệu nano Ti0, 8W0, 2O2 để nâng khả năng chịu độc CO và giảm giá thành cho loại pin nhiên liệu sử dụng trực tiếp methanol (một dạng năng lượng tái tạo). Hướng nghiên cứu này sẽ mang đến lợi ích thiết thực trong việc sử dụng rộng rãi pin nhiên liệu, để thay thế các loại nhiên liệu hóa thạch và giảm sự nóng lên toàn cầu do khí thải CO2.

TS Phạm Thị Thu Hà, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu di truyền và giống (Trường ĐH Tôn Đức Thắng) là nhà khoa học thứ 3 được trao giải thưởng năm nay. TS Phạm Thị Thu Hà đã nghiên cứu về phát triển các giống lúa chịu mặn, thông qua chọn lọc bằng dấu chuẩn phân tử và phổ biến chúng ở các vùng bị ảnh hưởng của điều kiện mặn tại khu vực ĐBSCL.

TS Thái Hoàng Chiến (một trong 10 người lọt vào tốp 100.000 nhà khoa học hàng đầu thế giới) là một nghiên cứu viên trẻ, chưa từng du học ở bất kỳ cường quốc nào, là sản phẩm của nền giáo dục “made in Vietnam”. Anh học đại học và bảo vệ luận án tiến sĩ ở Việt Nam. Từ anh, có thể khẳng định rằng, môi trường làm việc là yếu tố quyết định sự thành công đẳng cấp quốc tế về khoa học và các nhà khoa học có thể tìm thấy những môi trường như thế ngay tại Việt Nam.

Nghiên cứu này tận dụng các công cụ nhân giống hiện đại, trong đó có lai chéo hỗ trợ đánh dấu (MAB) để phát triển các giống lúa chịu mặn có năng suất cao thích nghi với điều kiện ở Nam bộ, được xây dựng dựa trên kiến thức thu được có liên quan việc kiểm soát di truyền về khả năng chịu mặn ở lúa, để tăng tốc độ và hiệu quả phát triển các giống cải tiến. 

3 nhà khoa học nữ xuất sắc được lựa chọn năm nay vì có thành tích nghiên cứu khoa học nổi bật thông qua số lượng các công bố trên tạp chí quốc tế, ấn phẩm khoa học được xuất bản, hoạt động nghiên cứu khoa học đã và đang tham gia. Mỗi nhà khoa học được nhận 150 triệu đồng để phát triển sâu hơn đề tài đang thực hiện.

Một bóng hồng đặc biệt khác nữa là PGS-TS Nguyễn Thị Hiệp, Trưởng khoa Kỹ thuật y sinh Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM), được tạp chí Asian Scientist vinh danh là một trong 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á năm 2019, do có những đóng góp nổi bật cho cộng đồng trong lĩnh vực kỹ thuật y sinh.

THANH HÙNG (SGGPO)

 

Bình luận (0)