Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Nan giải bài toán thiếu giáo viên tiếng Anh

Tạp Chí Giáo Dục

HS tiểu học trong giờ học tiếng Anh. Ảnh: H.Triều
Vừa qua tại Trường Đại học Sư phạm TP.HCM đã diễn ra hội thảo “Ngành đào tạo giáo viên (GV) tiểu học với đề án ngoại ngữ quốc gia 2008-2020”. Tại hội thảo, hầu hết các ý kiến đều cho rằng “nguồn lực GV tiếng Anh tiểu học hiện vừa thiếu, vừa chưa đạt chuẩn”.
Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 đã phần nào đón nhận được sự quan tâm của xã hội, giải quyết được “cơn khát” ngoại ngữ cho học sinh (HS). Tuy nhiên, nhìn lại chặng đường sau 2 năm triển khai đề án (tính đến năm 2010), bài toán về số lượng và chất lượng GV đang là vấn đề nan giải đối với người sử dụng (trường tiểu học) cũng như người đào tạo (trường sư phạm).
Những khó khăn cần giải quyết
ThS. Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng Tiểu học (Sở GD-ĐT TP.HCM), cho biết: “Khi triển khai chương trình tăng cường tiếng Anh (TCTA), do đội ngũ GV không đáp ứng đủ nhu cầu nên buộc Sở GD-ĐT TP.HCM phải tổ chức kỳ thi khảo sát để giảm số lượng tham gia. Tuy nhiên, trước nhu cầu quá đông của phụ huynh HS, sở quyết định bỏ kỳ thi khảo sát. Thế nhưng, đến nay vẫn chưa thoát ra được khó khăn trong việc tuyển GV đạt chuẩn”. Trong khi đó, Bộ GD-ĐT thừa nhận, khi triển khai chương trình dạy tiếng Anh ở bậc tiểu học, chỉ có 28/148 GV tiếng Anh đạt chuẩn để dạy thí điểm tiếng Anh lớp 3. Ở điểm khởi đầu, ít nhất trong 15.000 trường tiểu học phải có 15.000 GV có trình độ tiếng Anh (1 GV/trường), sau đó tăng dần theo từng năm và để có đủ GV cho mục tiêu này cần phải có 30.000 đến 40.000 GV trở lên. Thế nhưng, thực tế hiện nay cả nước chỉ có khoảng 6.000 GV dạy tiếng Anh trong trường tiểu học. Trong khi đó, mỗi năm các khoa ngoại ngữ của các trường sư phạm cũng chỉ cung cấp 300-500 GV mới/năm.
Nhằm giải bài toán thiếu GV, nhiều trường đã mạnh dạn hạ chuẩn GV, theo đó các trường tuyển GV được đào tạo chuyên ngành giáo dục tiểu học rồi cho đi học các lớp đào tạo ngắn hạn về phương pháp dạy học tiếng Anh… Do tuyển GV bằng hình thức này nên các trường chỉ chú trọng dạy văn phạm ngữ pháp là chính mà không đáp ứng được mục tiêu “dạy ngoại ngữ bậc tiểu học nên chú trọng kỹ năng phát âm và hoạt động giao tiếp”.
Mặt khác, có không ít trường tuyển được GV đạt “chuẩn” rơi vào cảnh “dở khóc dở cười” khi GV yếu về kỹ năng sư phạm.
Theo bà Laura Grassick – Giám đốc Chương trình Phát triển giảng dạy tiếng Anh (Hội đồng Anh), HS tiểu học chưa nhận ra được tầm quan trọng của việc học, chủ yếu học theo hứng thú và yêu thích. Vì thế GV cần tạo hứng khởi cho HS trong giờ học, thông qua những hoạt động học mà chơi, chơi mà học theo nhóm hoặc theo cặp. Điều này đòi hỏi GV tiếng Anh tiểu học phải nắm được phương pháp dạy học, kỹ năng ứng xử các tình huống sư phạm, các kỹ năng tổ chức các hoạt động giáo dục trong bậc tiểu học.
Hướng đi nào cho đúng?
Nhấn mạnh sự cần thiết của việc tăng số lượng GV dạy tiếng Anh cho HS tiểu học, theo ThS. Nguyễn Minh Giang (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), trong các đối tượng tạo nguồn nên quan tâm nhiều hơn đến GV đang giảng dạy tại các trường tiểu học và sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành giáo dục tiểu học khoa ngoại ngữ. Bởi vì hai đối tượng này đã được trang bị kiến thức về các môn khoa học cơ bản, tâm sinh lý học lứa tuổi tiểu học, đặc biệt là phương pháp, kỹ năng dạy học cho HS tiểu học. Còn TS. Nguyễn Ngọc Vũ (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) đưa ra giải pháp: “Nên có sự phối hợp giữa khoa đào tạo GV tiếng Anh với khoa đào tạo giáo dục tiểu học để giải bài toán nhân lực theo 4 mô hình: cấp bằng ĐH sư phạm và cao đẳng tiếng Anh trong 5 năm; cấp chứng chỉ giảng dạy tiếng Anh tiểu học cho sinh viên tốt nghiệp khoa giáo dục tiểu học; cấp chứng chỉ giảng dạy cho sinh viên đã tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Anh; xây dựng mô hình đào tạo GV tiếng Anh tiểu học tại khoa Anh thuộc trường ĐH sư phạm”.
Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả những giải pháp trên đòi hỏi các nhà sử dụng phải quan tâm đến vấn đề đầu ra của sinh viên. Hiện nay, sinh viên sư phạm ra trường đều chọn lựa dạy các trường trung học, trung cấp hoặc làm tại các công ty, bởi lý do mà sinh viên đưa ra “dạy HS tiểu học vất vả, lương thấp, cơ hội thăng tiến về chuyên môn không cao…”.
Trên thực tế, vấn đề này không sai. “Lương GV dạy TATC chỉ 50 ngàn đồng/tiết, trong khi đó để “sống được”, lương tối thiểu phải là 100 ngàn đồng/tiết. Vì vậy, trước mắt cần giải quyết vấn đề lương để thu hút nhân lực. Đồng thời, các trường cũng như Sở GD-ĐT nên phối hợp vận động tuyên truyền sinh viên sư phạm quan tâm hơn nữa đến bậc học này, vì thực chất việc giảng dạy HS tiểu học cũng không “nặng nề” như suy nghĩ của mọi người” – ThS. Lê Ngọc Điệp kiến nghị.
Nhiều ý kiến đồng tình với quan điểm ông Điệp, tuy nhiên về lâu dài các trường sư phạm nên mở ngành đào tạo GV tiếng Anh tiểu học để chủ động hơn trong việc cung cấp đội ngũ GV đạt chuẩn về trình độ, kiến thức, kỹ năng, đáp ứng yêu cầu của bậc tiểu học.
Ngọc Trinh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)