Đạt chuẩn đầu ra ngoại ngữ là một trong những điều kiện để tốt nghiệp ĐH. Tuy nhiên, việc học ngoại ngữ trong các trường hiện còn nhiều bất cập
Sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM trong giờ học tại trung tâm ngoại ngữ của trường. Ảnh: Tấn Thạnh
Sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM trong giờ học tại trung tâm ngoại ngữ của trường. Ảnh: Tấn Thạnh
TS Lê Khắc Cường, Trưởng Phòng Đào tạo kiêm Phó Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM (thuộc ĐH Quốc gia TPHCM), cho biết gần 30% sinh viên khóa đào tạo theo phương thức tín chỉ đầu tiên của trường hiện vẫn chưa đủ điều kiện xét tốt nghiệp, trong đó đông nhất là số sinh viên nợ chứng chỉ ngoại ngữ.
Trình độ quá thấp
TS Cường cho biết thêm là từ tháng 11-2007, theo chủ trương mềm dẻo của học chế tín chỉ, nhà trường quyết định ngừng dạy tiếng Anh không chuyên trong chương trình chính khóa để chuyển thành một môn học do sinh viên tự tích lũy và nộp chứng chỉ để xét tốt nghiệp. Tuy nhiên, nhiều sinh viên thi đi thi lại nhiều lần vẫn không đạt nổi chứng chỉ B. Do đó, năm học này, trường yêu cầu tất cả sinh viên không chuyên ngoại ngữ phải đi học ngoại ngữ như một môn học bắt buộc tại trung tâm ngoại ngữ của trường.
Tại Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, kết quả kỳ thi đánh giá chuẩn đầu ra tiếng Anh vừa qua cũng không cao. Với mức điểm trắc nghiệm là 90 thì không có sinh viên nào đạt điểm tối đa, phổ biến chỉ từ 20-40 điểm. Đại diện Trường ĐH Kinh tế TPHCM cho biết đa số sinh viên trúng tuyển chỉ đạt trình độ tiếng Anh ở mức tiền trung cấp, 50% sinh viên của trường nếu không nỗ lực sẽ không đạt chuẩn đầu ra.
Theo PGS-TS Nguyễn Lộc, Phó Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, những nghiên cứu gần đây cho thấy trình độ tiếng Anh của sinh viên một số trường ĐH tại TPHCM chỉ tương đương khoảng 3,5 điểm IELTS. Nhiều sinh viên chưa thể nói, nghe hoặc viết tiếng Anh.
Thiếu chuẩn
Một trong những nguyên nhân khiến cho việc học tiếng Anh trong trường ĐH chưa hiệu quả, theo PGS-TS Nguyễn Lộc là do đầu vào quá khác nhau. Nhiều sinh viên “rỗng” tiếng Anh ở bậc phổ thông, nếu cố nhồi nhét một chương trình chung thì rất khó.
TS Vũ Thị Phương Anh, ĐH Quốc gia TPHCM, cũng cho biết hầu như không có trường nào xác định mức đầu vào cần thiết để có thể học tiếng Anh hiệu quả, đặc biệt là tiếng Anh chuyên ngành; giáo trình soạn sẵn trên thị trường thì kém hấp dẫn do quá nặng phần ngôn ngữ mà không cập nhật kỹ năng cần thiết cho chuyên môn.
Hiện Trường ĐH Kinh tế TPHCM yêu cầu sinh viên phải đạt 450-550 điểm TOEIC mới đủ điều kiện tốt nghiệp, ở Trường ĐH Luật TPHCM là 450-600 điểm. Nhiều trường ĐH khác cũng đã xây dựng chuẩn đầu ra TOEIC nhưng các chuyên gia cho rằng cần tỉnh táo với chuẩn đầu ra này.
TS Vũ Thị Phương Anh phân tích: Theo tài liệu khung văn bằng chứng chỉ chung cho Không gian ĐH châu Âu công bố năm 2005 thì chuẩn đầu ra có nghĩa là “các phát biểu về kỹ năng cụ thể và năng lực tổng quát mà người học phải biết và thực hiện được khi kết thúc việc học”. Như vậy, rõ ràng là một điểm số khô khan và vô hồn như 400 TOEIC hay 61 TOEFL iBT thì làm sao có thể được xem là chuẩn đầu ra cho giảng dạy tiếng Anh. Bởi vì cho đến nay, rất khó để khẳng định đạt chuẩn đầu ra 400 TOEIC thì có kỹ năng cụ thể là gì, năng lực tổng quát ra sao…
Theo PGS-TS Nguyễn Lộc, các trường chọn chuẩn đầu ra TOEIC dễ dẫn đến tuyệt đối hóa năng lực tiếng Anh theo một loại nghề nghiệp nhưng thực tế, sinh viên ĐH khi tốt nghiệp có nhiều con đường khác nhau. Tùy theo điều kiện cụ thể, các trường có thể xây dựng và tiến hành chương trình dạy và học tiếng Anh phù hợp để sinh viên đạt từng bậc cao hơn nữa về năng lực ngoại ngữ.
Nhiều rào cản do thiếu ngoại ngữ
Theo TS Lê Khắc Cường, nhiều sinh viên hiện chưa đánh giá đúng mức tầm quan trọng của ngoại ngữ đối với quá trình học tập, nghiên cứu ở bậc ĐH. Sinh viên vẫn cho rằng chỉ cần nắm vững kiến thức chuyên môn là đủ mà chưa hiểu trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, không chỉ và không thể bằng lòng với những kiến thức từ giáo trình, tài liệu tham khảo trong nước mà còn cần đọc thêm những tài liệu nước ngoài, nhất là tài liệu tiếng Anh. Do vậy, sinh viên cần có ý thức hơn trong việc học tiếng Anh trong trường ĐH.
|
Theo Thùy Vinh
(nld)
Bình luận (0)