Chúng ta dường như quá quen thuộc với những phàn nàn của dư luận xã hội về việc người trẻ (trong đó có học sinh, sinh viên) ít dành sự quan tâm đúng mức cho việc đọc. Thế nên, câu chuyện về văn hóa đọc đang dần trở thành một bức tranh với nhiều gam màu tối.
Một sơ đồ tư duy do sinh viên thực hiện trong các tiết học khuyến đọc
Sức đọc lớn nhưng chưa dùng đúng nơi
Kỳ thực, sức đọc của người trẻ rất lớn, lớn hơn những gì chúng ta nghĩ đến. Tuy nhiên, sức đọc khổng lồ ấy lại không được sử dụng nhiều cho sách vở, tài liệu tri thức với mục đích học tập hay mở mang kiến thức. Sự phát triển như nấm mọc sau mưa của những trang tin điện tử, của những trang báo mạng chuyên cung cấp những tin, bài giật gân trong cuộc sống là minh chứng cho sức đọc của người trẻ đang thiên về hướng giải trí hơn là để tâm tìm hiểu những thông tin tri thức thường thức. Các trang mạng xã hội cũng không thiếu những status (bài viết) dài lê thê nhưng vẫn thu hút lượng độc giả cao vì tính chất “bếp núc”, đặc điểm “hậu trường” của nó về một vấn đề, một sự kiện hay một nhân vật mà người trẻ đang quan tâm. Hẳn là chưa công bằng khi cho rằng những ai đọc các kiểu thông tin câu view (lượt xem) như vậy là “kém sang”, nhưng việc đọc quá nhiều những bài viết đậm chất drama (kịch tính), dường như không giúp ích gì nhiều cho sự phát triển của tư duy, ngoài việc thỏa mãn trí tò mò bản năng.
Sức đọc của người trẻ lớn nhưng chưa dùng đúng chỗ. Vậy đâu là nguyên nhân? Những sách loại tri thức thì thường được trình bày khô khan, toàn chữ là chữ, cách hành văn cũng đôi lúc quá rườm rà, rối rắm. Trong khi đó, các bài viết văn hóa giải trí trên báo mạng và mạng xã hội thì hình thức lôi cuốn, bắt mắt. Giá thành của sách cũng là một vấn đề. Chi phí để lướt mạng đọc tin tức ít hơn nhiều so với việc bỏ tiền ra nhà sách để mua sách. Và điều quan trọng nhất là nội dung của các tin tức giật gân luôn thôi thúc người đọc, khiến độc giả chìm đắm trong thế giới kịch tính của những bí mật ly kỳ hấp dẫn…
Tập thói quen đọc sách
Cá nhân tôi tin rằng: cùng với việc thay đổi những lý do trên, cộng thêm nếu được rèn luyện, được tác động bởi môi trường, văn hóa đọc của người trẻ sẽ được cải thiện. Đó là lý do từ nhiều năm nay, dù trong khung chương trình của bất kỳ học phần nào mà tôi phụ trách giảng dạy, tôi cũng đều dành ra một buổi riêng để sinh viên cùng thực hành đọc sách. Sau đó hướng đến việc sinh viên đọc các sách có liên quan đến học phần đang học. Và xa hơn, là đọc các loại sách khác, làm hành trang kiến thức cho các em.
Bước đầu, tôi cho các em chia nhóm bốc thăm thi hùng biện với chủ đề ưu, nhược điểm giữa sách giấy và sách điện tử; giữa báo giấy và báo mạng. Tôi không đưa ra kết luận cuối cùng nhưng thông qua việc hùng biện này giữa các nhóm trình bày, sinh viên sẽ nhận thức lại được phần nào những tác dụng tích cực của việc đọc, cho dù là đọc bằng bất cứ hình thức nào.
Tiếp đó, sinh viên tiến hành thảo luận theo các chủ đề mà tôi gợi ý. Có thể là những hiểu lầm về việc đọc sách, ích lợi của việc đọc sách đối với sự tư duy não bộ, tương lai của ngành sách, những thói quen đọc sách hiệu quả… Sau khi thảo luận, sinh viên có thể trình bày thuyết trình ngay tại lớp hoặc có thể về nhà tổng hợp thành sơ đồ tư duy để nộp lại vào buổi học sau.
Cuối cùng là phần thực hành đọc sách. Các nhóm sinh viên sẽ cùng đọc một trích đoạn sách mà tôi đã in sẵn. Sinh viên sau khi đọc trực tiếp ở trên lớp trong khoảng thời gian nhất định (thường khoảng 20 phút) sẽ trình bày tóm tắt nội dung và phân tích nội dung các trang sách này. Đặc biệt là khả năng ứng dụng những nội dung vừa đọc vào thực tiễn cuộc sống. Dù chỉ có một buổi học dành cho việc đọc sách nhưng tôi hy vọng sẽ phần nào cải thiện góc nhìn, quan điểm của các em về việc đọc sách. Khó khăn lớn nhất, chính là việc thu hút sinh viên trở lại với niềm vui thích khi đọc sách, giữa những trăm ngàn niềm vui thích khác mà các em đã quen thuộc. Và đó là một thách thức đòi hỏi sự đồng bộ hơn.
Chúng ta đã có những tiết tập đọc ở cấp tiểu học để dạy trẻ biết từng chữ cái. Nhưng ở các bậc học lên cao, chúng ta bỏ rơi trẻ tự xoay xở với việc đọc. Đó là một thiếu sót lớn. Cá nhân tôi nghĩ rất cần thiết kế những tiết học khuyến đọc để hướng dẫn học sinh làm bạn cùng sách. Các tiết học này hoàn toàn khác với tiết đọc hiểu của môn học ngữ văn, vì nó hướng đến việc đọc toàn diện các thể loại văn bản; và tập trung chú ý đến quá trình chuyển hóa những kiến thức đọc được thành những ứng dụng trong cuộc sống. Trong thời gian chờ đợi khung chương trình học như vậy, trong điều kiện của bản thân, tôi đành thiết kế những tiết khuyến đọc theo cách như đã chia sẻ ở trên.
Trần Xuân Tiến
Bình luận (0)