Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Nan giải Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh

Tạp Chí Giáo Dục

Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh rất cần thiết cho sự phát triển chung của ngành này nhưng hiện nay, việc triển khai không dễ dàng

Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 15-6 và các dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành luật này đang trong quá trình hoàn thiện. Luật Điện ảnh lần này đã kế thừa, sửa đổi 32 điều và bổ sung 18 điều mới so với Luật Điện ảnh năm 2006, sửa đổi bổ sung năm 2009.

Chờ đợi quỹ hoạt động

Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh là 1 trong 10 điểm mới, đáng chú ý được nêu trong Luật Điện ảnh (sửa đổi). Thực tế, quỹ này đã được nêu trong Luật Điện ảnh năm 2006 nhưng đến nay vẫn không hiện thực hóa được. Luật Điện ảnh (sửa đổi) năm 2022 đã bổ sung, làm rõ thêm mục đích của quỹ tại điều 44, nguyên tắc hoạt động của quỹ tại điều 45 để nâng cao tính khả thi.

Có thể nói, với người trong nghề, Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh là vô cùng cần thiết nên hầu hết ai cũng vui mừng khi quỹ này được giữ lại trong Luật Điện ảnh (sửa đổi), được tạo cơ chế pháp lý thực tế hơn. Khi được hiện thực hóa, quỹ sẽ hỗ trợ thiết thực cho các nhà làm phim trẻ, nhà làm phim độc lập với những dự án thể nghiệm, đầu tay cùng nhiều sự hỗ trợ khác cho hoạt động điện ảnh.

"Tôi không biết vì sao những năm qua, Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh dù đã quy định trong Luật Điện ảnh năm 2006 nhưng không được triển khai. Người trong giới cũng như báo chí rất quan tâm đến quỹ này nhưng khi họ hỏi thì chúng tôi không biết trả lời thế nào. Lần này, quỹ tiếp tục được đề cập trong Luật Điện ảnh (sửa đổi), kỳ vọng nó sẽ sớm thành hiện thực" – bà Dương Cẩm Thúy, Chủ tịch Hội Điện ảnh TP HCM, bày tỏ.

Nan giải Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh - Ảnh 1.

Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của điện ảnh Việt Nam. Trong ảnh: Các phim Việt được giới thiệu trên một nền tảng thu phí. Ảnh chụp màn hình

Đạo diễn Phan Đăng Di cho rằng nguồn quỹ này rất hay, ý nghĩa, cần thiết cho sự phát triển của điện ảnh. Nó mở ra một con đường mới, một cánh cửa mới để thoát khỏi sự nghiêm ngặt cần tuân thủ theo quy định của các phim thụ hưởng ngân sách nhà nước.

Theo nhiều nhà chuyên môn, hầu hết phim được ngân sách nhà nước cấp kinh phí thực hiện thường không hy vọng về doanh thu phòng vé, bị bó hẹp các chủ đề khai thác. Với phim được hỗ trợ từ các nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước thì khác. Những nhà làm phim trẻ sẽ có thêm nguồn kinh phí để biến những sáng tạo, ấp ủ của họ thành tác phẩm phục vụ khán giả. Nguồn quỹ này cũng là động lực để nhà làm phim độc lập theo đuổi dự án họ tâm huyết.

Vô vàn khó khăn

Sự quan trọng của Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh là điều đã được nhiều người thừa nhận. Tuy nhiên, để hiện thực hóa quỹ này, đưa vào hoạt động thì lại gặp nhiều trở ngại. Việc lên tiếng để giữ được quỹ trong Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã khó, việc triển khai thực hiện lại càng khó hơn gấp nhiều lần.

PGS-TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, bày tỏ băn khoăn rằng Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh sẽ do đơn vị nào quản lý, việc quản lý sẽ như thế nào? Bà Dương Cẩm Thúy đề xuất mỗi năm nên sơ kết quỹ một lần để tổng kết, rút kinh nghiệm điều hành.

Nhà sản xuất phim Trần Thị Bích Ngọc thắc mắc: "Nguồn ngân sách của quỹ từ đâu? Quỹ sẽ được vận hành ra sao? Việc giải trình thu và chi như thế nào để bảo đảm tính minh bạch?…". Những vấn đề được đặt ra cho thấy để Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh đi vào thực tế sẽ là thách thức cho cơ quan quản lý.

Dự thảo lần 2 nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh (sửa đổi) nêu rõ các nguồn thu dự kiến của quỹ này. Cụ thể: Nhà nước hỗ trợ vốn ban đầu khi quỹ mới thành lập từ ngân sách sự nghiệp văn hóa; huy động đóng góp tự nguyện, tài trợ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài và các nguồn thu nhập hợp pháp khác; trích 3% doanh thu bán vé của các phim nhập khẩu chiếu rạp, 3% từ phí thẩm định và phân loại phim; 1% từ thuê bao của phim phổ biến xuyên biên giới; 0,05% tiền thuê bao của truyền hình trả tiền; 0,5% doanh thu từ hoạt động quảng cáo trong chương trình phim chiếu trên truyền hình; 5% phí hậu kiểm…

Đến nay, vấn đề nguồn thu, ngân sách của Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh vẫn chưa được quyết định bởi phải tham khảo ý kiến từ người trong giới và người liên quan trực tiếp quỹ này. Bà Ngô Thị Bích Hiền, Phó Tổng Giám đốc Công ty BHD, nhận xét: "Ngân sách của quỹ nếu trích 3% từ doanh thu bán vé của các phim nhập khẩu chiếu rạp tại Việt Nam là rất khó. Bởi lẽ, sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, các rạp phim vẫn trong tình trạng khó khăn, do vậy việc đóng góp cho quỹ chưa nên thực hiện lúc này"

Bà Dương Cẩm Thúy cho rằng nên tham khảo ý kiến từ những nơi phải đóng góp cho Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh, xem mức đưa ra đã hợp lý chưa và có hài lòng các bên không. Nguồn vốn của quỹ là vấn đề không dễ giải quyết vì đây là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, có khả năng tài chính độc lập. Quỹ có nguồn thu và nhiệm vụ chi không trùng với nguồn thu cũng như nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước. Vì thế, quỹ cần nguồn ngân sách với lộ trình cụ thể, khả thi để hoạt động đường dài mà không phải lo tình trạng mở ra rồi hết tiền, không đủ sức hoạt động.

Về phía cơ quan quản lý, ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, cho hay vẫn đang tiếp nhận ý kiến đóng góp từ người trong giới. Sau đó, ban soạn thảo nghị định sẽ đưa ra những giải pháp tốt nhất, giải quyết những khó khăn trong quá trình hiện thực hóa Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh.

Việc có được một nguồn quỹ chung để hỗ trợ phát triển điện ảnh là điều mà mọi người làm nghề đều mong mỏi. Dẫu nhiều khó khăn, thách thức nhưng tất cả đều mong chờ, kỳ vọng Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh sẽ sớm được hình thành.
Theo Minh Khuê/NLĐO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)