Thực tế cho thấy, trẻ em bị lạm dụng, xâm hại tình dục sẽ bị sang chấn tâm lý tại thời điểm gặp sự cố hoặc cũng có những trường hợp bị ảnh hưởng lâu dài trong cuộc sống của em. Phóng viên Báo Giáo dục TP.HCM đã có buổi trao đổi với bác sĩ Hoàng Vũ Quỳnh Trang (Khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 1) về vấn đề này.
Bác sĩ Hoàng Vũ Quỳnh Trang |
PV: Xin bác sĩ cho biết, trẻ bị lạm dụng, xâm hại tình dục sẽ bị ảnh hưởng như thế nào tại thời điểm sau khi gặp sự cố?
Bác sĩ Quỳnh Trang: Bệnh viện Nhi đồng 1 đã điều trị cho những trường hợp trẻ em bị lạm dụng, xâm hại, trong đó có nhiều em còn quá nhỏ nên không thể nhận biết được những gì đã xảy ra với các em. Sau khi bị xâm hại, trẻ có thể bị đau, chảy máu, rách hoặc nhiễm trùng âm đạo và trực tràng. Bên cạnh đó, trẻ có thể bị lây nhiễm các bệnh lan truyền qua đường tình dục như lậu, giang mai, HIV. Sinh hoạt hàng ngày của em cũng bị ảnh hưởng như ăn uống kém, nhất là giấc ngủ sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều như gặp ác mộng, hoảng loạn trong giấc ngủ, rối loạn kiểm soát hệ thần kinh về tiểu tiện (tiểu dầm, xón phân). Khi đó, trẻ không muốn rời mẹ vì sợ không an toàn, sợ đến nơi lạ, sợ bóng tối, hoặc khi đi qua nơi đã xảy ra sự việc khiến trẻ rất sợ hãi.
Vậy ở mức độ nào, trường hợp nào thì trẻ sẽ bị sang chấn lâu dài về sau, thưa bác sĩ?
Do ấu dâm thường diễn ra với trẻ trước tuổi dậy thì, nên sẽ ảnh hưởng đến cả quá trình hình thành nhân cách của trẻ, phát triển thể lực, tâm sinh lý của trẻ về sau. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng cũng tùy thuộc vào tùy độ tuổi. Những trường hợp trẻ dưới 6 tuổi, thì ảnh hưởng của trẻ là ngay tại chỗ và chỉ tại thời điểm đó, khiến trẻ hoảng loạn, sợ sệt, gặp ác mộng, ngủ không được. Đối với độ tuổi 6 đến 12 tuổi, trẻ có thể bị loạn thần, sống thu rút lại, có những trường hợp bị rối loạn phân ly, khi nổi cơn sợ hãi lên thì nhìn người trước mặt thành người đã hại mình.
Khoảng 6 tháng sau đó và cả những năm tháng cuộc đời về sau, trẻ cứ nhớ đi nhớ lại hoài về sự việc, về biến cố mình đã trải qua. Trong những trường hợp nhìn thấy sự việc gần giống sẽ làm cho trẻ lại hoảng sợ, cảm thấy đau khổ. Khi đến tuổi dậy thì và hiểu về sinh lý, trẻ sẽ nghĩ là mình không tốt, không còn giá trị nữa, thân xác đã bị nhơ nhuốc, khiến trẻ dễ buông xuôi, dễ dãi trong quan hệ với nhiều người, có thể làm nghề bán dâm, để người khác chà đạp lên bản thân mình. Để tự tìm sự an toàn cho bản thân, có trường hợp trẻ tự bỏ học, sống thụt lùi (có khuynh hướng lesbian), lạm dụng chất kích thích (hút thuốc, uống rượu bia), sợ gần gũi đàn ông, thậm chí có trường hợp tự tử như là một cách tự giải thoát. Một trong những ảnh hưởng khác nữa của tình trạng bị xâm hại là gây ra nhu cầu khoái cảm thứ phát về tính dục cho trẻ, khiến trẻ tìm đến thủ dâm, muốn hôn môi…
Đối với trẻ đang là nạn nhân của tình trạng xâm hại, theo bác sĩ cần có sự trợ giúp như thế nào?
Hệ thống giúp trẻ bị xâm hại cũng tương tự như một bông hoa. Trong đó, trẻ bị xâm hại là nhụy hoa, còn tất cả các cánh hoa xung quanh gồm có cha mẹ, bạn bè, bác sĩ, chuyên viên tâm lý, thầy cô giáo, nhân viên xã hội, công an, luật sư, tòa án và Nhà nước.
Trong đó, bác sĩ có vai trò thăm khám tìm hiểu tình trạng của trẻ, chuyên viên tâm lý giúp về can thiệp khủng hoảng tâm lý cho trẻ. Tuy nhiên, chuyên viên tâm lý cần rất khéo léo để khơi gợi giúp trẻ giải tỏa những lo lắng, bức bối hiện có, vì có khi trẻ nghĩ “tại vì mình không ngoan nên mới bị như vậy”. Điều đặc biệt quan trọng là cần đảm bảo sự an toàn của trẻ sau khi con nói ra, vì có thể trẻ thấy sau khi nói ra thì mọi người cho con là một đứa trẻ hư, tệ bạc.
Lúc này, bên cạnh việc khai báo sự việc với cơ quan chức năng, cha mẹ hiểu rằng việc tạo môi trường an toàn cho trẻ là rất cần thiết. Nếu không khí trong gia đình u ám sẽ khiến trẻ rất sợ hãi, khi đó cho dù rất đau khổ thì cha mẹ vẫn nên cố gắng hợp tác với nhau, nâng đỡ nhau, đừng đổ lỗi cho nhau sẽ khiến các thành viên suy sụp tinh thần, không đủ sức để chăm sóc con. Trẻ sau khi được hỗ trợ về tâm lý, y khoa, phụ huynh cần phối hợp với trường học để cho con trở lại lớp học nhằm tránh gây thêm sang chấn cho con. Nếu tách con khỏi trường học, cho con nghỉ học sẽ khiến trẻ bị cô độc và tình trạng trở nên tồi tệ hơn, vì con vẫn cần có bạn bè, cần có trường lớp. Trong trường hợp này, phụ huynh có thể nhờ bác sĩ hỗ trợ bằng cách đến trường để trực tiếp chia sẻ với cô giáo của em.
Nhằm tạo môi trường an toàn học đường cho trẻ, theo bác sĩ nhà trường cần làm những gì?
Theo tôi nhà trường cần dán poster cảnh báo chống xâm hại ở những khu vực có nguy cơ, vắng vẻ như nhà vệ sinh hoặc các góc khuất ít người qua lại, cần chú ý đến các bé ở lại chờ ba mẹ sau giờ tan trường, cần có phòng tham vấn để giúp trẻ kịp thời khi có vấn đề cần giãi bày, hoặc mở các buổi ngoại khóa về chống xâm hại giúp trẻ cách bảo vệ mình. Bên cạnh đó, nhà trường nên phổ biến kiến thức phòng chống xâm hại tình dục cho phụ huynh trong các buổi họp, thậm chí lưu ý với phụ huynh trong việc ai được tắm cho con khi ở nhà. Ngoài ra, nhà trường trường cần liên kết với nhân viên y tế và phụ huynh khi có nghi ngờ trẻ bị xâm hại, nhằm có những giải pháp hỗ trợ cho con trẻ một cách kịp thời.
Xin cảm ơn bác sĩ.
Vũ Phương (thực hiện)
Bình luận (0)