Sau 5 năm triển khai thực hiện, chương trình “Đảm bảo chất lượng giáo dục trường học” (SEQAP) do Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA) thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) hỗ trợ đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục bậc tiểu học; giúp nhiều học sinh (HS) nghèo ở những vùng khó khăn của tỉnh Quảng Trị có cơ hội đến trường, giảm thiểu nguy cơ bỏ học…
HS thuộc hộ nghèo đến trường đều đặn nhờ sự hỗ trợ của SEQAP |
Nâng chất lượng môn tiếng Việt và toán
5 năm qua, chương trình SEQAP đã hỗ trợ cho hàng trăm HS tại 40 trường tiểu học thuộc 7 huyện của tỉnh Quảng Trị. Bà Phan Thị Thành Lệ – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Thế Tiết (huyện Cam Lộ) – cho biết: “Việc áp dụng chương trình SEQAP đã nâng cao chất lượng đại trà qua công tác tăng cường dạy môn tiếng Việt và toán cho HS yếu kém. Nhờ vậy, tỷ lệ HS yếu kém 2 môn này đã giảm hẳn, tỷ lệ HS khá giỏi được nâng cao”.
Nằm ở địa bàn miền núi còn nhiều khó khăn, thầy Hoàng Tuấn Kiệt – Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Ba Lòng (huyện Đakrông) – nói: “Đời sống của bà con Vân Kiều ở đây còn nhiều thiếu thốn, việc học của con em dù được phụ huynh quan tâm hơn trước nhưng vẫn còn thua thiệt so với các bạn ở miền xuôi. Từ khi có chương trình SEQAP hỗ trợ, tập huấn cho giáo viên, chất lượng dạy học được nâng cao, cùng với giao lưu tăng cường tiếng Việt cho HS dân tộc thiểu số cũng đã góp phần cải thiện năng lực học tập môn toán và tiếng Việt của các em”.
Hỗ trợ HS học bán trú
Cùng với củng cố kiến thức, HS thuộc diện nghèo còn được hỗ trợ bán trú. Bà Nguyễn Thị Việt Hà – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Tự Trọng – nói: “Nhờ hỗ trợ của SEQAP về học 2 buổi/ngày nên các em có hoàn cảnh khó khăn, địa bàn xa trường có thêm thời gian dành cho việc học, khắc phục được tình trạng HS đi học muộn và đến trường đều đặn hơn, chất lượng giáo dục nhờ đó được nâng lên. Trường cũng đã huy động xã hội hóa hoàn thiện các tiêu chí về cơ sở hạ tầng, theo đó trường đã đạt chuẩn quốc gia vào năm học 2014-2015”.
Quảng Trị là một trong 36 tỉnh thành trong cả nước được triển khai chương trình SEQAP. Mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học thông qua việc hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang mô hình dạy và học cả ngày ở các trường tiểu học có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn. |
Thầy Kiệt – Trường Tiểu học xã Ba Lòng – chia sẻ: “Nhà trường có 135 HS được hỗ trợ miễn phí bữa trưa bán trú, trong đó có 30 HS người Vân Kiều (100%). Nhờ vậy, tỷ lệ HS bỏ học đã không còn diễn ra”.
Trường Tiểu học Lê Thế Tiết, xã Cam Thành (Cam Lộ), bà Lệ, cho biết: Khu nhà đa năng do chương trình SEQAP tài trợ được HS sử dụng tối đa cho các hoạt động thể dục thể thao, như: cầu lông, bóng bàn và tập văn nghệ… Trường cũng đã hình thành được các câu lạc bộ (CLB) Thể dục – Thể thao. Để các CLB hoạt động thuận lợi, nhà trường đã huy động xã hội hóa làm sân bóng đá, đường chạy, hố nhảy, sân cầu lông và trang bị các dụng cụ thể thao. Hoạt động thể thao ở trường không chỉ mang lại những thành tích trong thể thao học đường cho nhà trường mà còn góp phần rèn luyện sức khỏe cho HS, xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, tạo hứng thú cho HS mỗi khi đến trường.
Tăng 31 trường tiểu học tổ chức bán trú
Thống kê của Sở GD-ĐT Quảng Trị cho biết, hiện 100% trường tham gia chương trình đều tổ chức bán trú (tăng 43 trường so với trước), trong đó có 31 trường thực hiện chương trình T35 (là chương trình học 9 buổi/tuần của vùng sâu vùng xa khó khăn hiểm trở, PV). Có 22 trường đã xây được bếp ăn, tăng 19 trường. Nhiều trường đã cải tạo, nâng cấp phòng ngủ, phòng ăn cho HS và vận động hội phụ huynh HS mua sắm dụng cụ phục vụ bếp ăn bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, các trường còn tổ chức các sân chơi và phát triển kỹ năng cho trẻ.
Ngoài ra, SEQAP còn hỗ trợ xây dựng 10 phòng đa năng, 59 phòng học, 36 nhà vệ sinh, trang bị 40 máy quay, hàng trăm đầu sách tham khảo cho các thư viện trong trường; hỗ trợ kinh phí xây dựng các CLB sinh hoạt ngoài giờ…
Ông Phan Hữu Huyện – Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT Quảng Trị – khẳng định: “Những đầu tư từ chương trình SEQAP đã thực sự mang lại hiệu quả tích cực đối với giáo dục tiểu học trên địa bàn tỉnh. Các trường tiểu học tham gia chương trình không chỉ được đầu tư cơ sở vật chất thiết yếu để thực hiện chương trình dạy học 2 buổi/ ngày mà HS nhiều vùng khó khăn trong tỉnh đã có thêm các phòng đa năng, thư viện để nâng cao chất lượng học tập và rèn luyện kỹ năng sống. Qua đó góp phần nâng cao kết quả học tập của HS, tạo cơ hội học tập bình đẳng trong các nhóm đối tượng có điều kiện kinh tế – xã hội khác nhau…”.
Vĩnh Yên – Thanh Lâm
Bình luận (0)