Ngày 14-4, Học viện Tư pháp đã tổ chức Tọa đàm “Nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp luật sư trong giai đoạn hiện nay” cho các lớp đào tạo nghề luật sư, đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc tế, đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư tại TP.HCM.
Tham dự và chủ trì có ông Nguyễn Xuân Thu, Bí Thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Tư pháp
Tham dự tọa đàm có ông Nguyễn Quốc Vinh, Vụ trưởng Vụ cơ quan Nội chính thuộc Ban Nội chính Trung ương; Thượng tá Nguyễn Hiếu – Phó Trưởng phòng An ninh các cơ quan tư pháp, xây dựng pháp luật, tổ chức chính trị – xã hội Trung ương, Cục An ninh Chính trị nội bộ, Bộ Công an; bà Đặng Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp. Đại diện cho Ban giám đốc của Học viện Tư pháp có Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Tư pháp Nguyễn Xuân Thu; Phó Giám đốc Học viện Tư pháp Nguyễn Trường Thiệp, cùng cán bộ, giảng viên và hơn 600 học viên tham dự.
Chia sẻ về chủ trương của Đảng đối với tổ chức hoạt động luật sư và vị trí, vai trò của luật sư trong hệ thống chính trị, Vụ trưởng Vụ cơ quan nội chính, Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Quốc Vinh nêu rõ, ngày 9-11-2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Nghị quyết có nhiều quy định về nghề luật sư và hoạt động luật sư Việt Nam. Trong đó quy định về đào tạo, bồi dưỡng, phát triển chất lượng đội ngũ Luật sư Việt Nam theo đó nhấn mạnh: “Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng và phát triển đội ngũ luật sư có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, am hiểu pháp luật, giỏi về kỹ năng hành nghề và ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế”.
Để xây dựng đội ngũ luật sư giàu bản lĩnh chính trị, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Đặng Kim Hoa nhấn mạnh, Điều 10 Luật Luật sư quy định về tiêu chuẩn luật sư “Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt…” do đó, mỗi luật sư phải có sự trung thành với Đảng, tuyệt đối trung thành với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, mỗi luật sư phải nêu cao tinh thần gương mẫu trong tuân thủ pháp luật; có tri thức, nhận thức đúng về pháp luật để từ đó có định hướng, giải pháp đúng đắn để đạt được mục tiêu; kiên định với mục tiêu của hành nghề luật sư; nghề luật sư phải là nghề dám đấu tranh với những hiện tượng tiêu cực trong hoạt động hành nghề.
Buổi tọa đàm được tổ chức với mục tiêu nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp luật sư
Tại tọa đàm, các học viên đã tham gia trao đổi rất sôi nổi các nội dung về vị trí, vai trò/ địa vị pháp lý của luật sư trong hệ thống chính trị, trong xây dựng và hoãn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; bản lĩnh chính trị của luật sư trong hành nghề; vai trò và trách nhiệm của luật sư trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; những yếu tố tác động đến vai trò, trách nhiệm của luật sư trong vấn đề bảo vệ Tổ quốc; vai trò của đào tạo, bồi dưỡng và giáo dục bản lĩnh chính trị và đạo đức nghề nghiệp đối với luật sư…
Phát biểu bế mạc tọa đàm, Giám đốc Học viện Tư pháp Nguyễn Xuân Thu nhấn mạnh, tọa đàm được tổ chức nhằm bổ sung, cập nhật, bồi dưỡng kiến thức về bản lĩnh chính trị, trách nhiệm xã hội, đạo đức nghề nghiệp của luật sư; trao đổi kinh nghiệm về công tác đào tạo, bồi dưỡng luật sư đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; bám sát và quán triệt đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về xây dựng, phát triển đội ngũ luật sư, góp phần đẩy mạnh sự tham gia của luật sư trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Giám đốc Học viện Tư pháp Nguyễn Xuân Thu bày tỏ mong muốn, sau tọa đàm, các học viên sẽ có được cái nhìn đầy đủ hơn về nghề luật sư và có thêm nhiều kiến thức bổ ích từ những chia sẻ của các diễn giả; đồng thời mong muốn mỗi học viên là luật sư trong tương lai cần không ngừng rèn luyện bản lĩnh chính trị, trau dồi đạo đức nghề nghiệp để trở thành người có ích cho gia đình và xã hội, với sự khao khát cống hiến sức mình góp phần xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp hơn. Giám đốc Học viện cho biết, tọa đàm cũng là dịp để Học viện Tư pháp nắm bắt được rõ hơn suy nghĩ, tâm tư nguyện vọng của học viên, từ đó có định hướng và giải pháp hợp lý, hiệu quả hơn trong công tác đào tạo, bồi dưỡng của mình.
Thủy Phạm
Bình luận (0)