Nguồn cung sữa bò nguyên liệu trong nước mới đáp ứng 30% nhu cầu. Để đáp ứng, mỗi năm phải nhập khẩu khoảng 1,2 triệu tấn sản phẩm sữa (kể cả kem), năm 2013 phải chi 1,2 tỷ USD cho việc nhập khẩu này. Vì vậy, nghề nuôi bò sữa được xem là có đầu ra ổn định ngay tại thị trường trong nước.
Không nên nhân rộng ồ ạt
Tuy có thị trường rộng lớn trong nước khi nguồn sữa nguyên liệu tại chỗ mới đáp ứng 30% nhu cầu, nhưng nghề nuôi bò sữa không dễ dàng phát triển. Bài học về sự thoái trào nghề nuôi bò sữa cả nước đầu thập niên 2000 cho thấy, nếu việc nhân rộng mô hình nuôi bò sữa dạng nông hộ của TPHCM theo kiểu phong trào, thấy địa phương này nuôi bò sữa thì địa phương khác cũng đăng ký tham gia, chỉ làm cho nghề này bị thụt lùi khi hàng loạt địa phương thất bại. Bởi nuôi bò sữa khác hoàn toàn với nuôi heo hay gà. Việc tập huấn kiến thức, kỹ năng cho nông dân trước khi nuôi bị xem nhẹ, ngay cả đội ngũ thú y, dẫn tinh viên còn rất mỏng đã dẫn đến sự thất bại.
Chăm sóc bò sữa tại hộ nuôi huyện Củ Chi (TPHCM).
Vì vậy, năm 2008, trong chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020, Chính phủ chỉ đạo, việc phát triển ngành sản xuất sữa phải trên cơ sở phát huy lợi thế từng địa phương, nhưng mới đây, trong đề án “Tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” của Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, các chỉ tiêu ngành nuôi bò sữa đến năm 2020 phải điều chỉnh cho phù hợp thực tế. Theo đó, tổng đàn bò sữa cả nước sẽ là 300.000 con, hiện nay khoảng 200.000 con, so với chỉ tiêu 500.000 con như phê duyệt của Chính phủ trước đây. Tổng sản lượng sữa tươi hơn 900.000 tấn, với tăng trưởng bình quân trên 11%/năm. Qua đó, một lần nữa cho thấy, việc phát triển đàn bò sữa bài bản hướng đến sự bền vững không dễ dàng. Ngay như TPHCM, địa phương có truyền thống nghề nuôi bò sữa nông hộ chiếm hơn 50% tổng đàn cả nước, nhưng do đô thị hóa nên việc di chuyển đàn bò sữa từ quận ven ra nông thôn ngoại thành theo từng giai đoạn khiến cho kế thừa hầu như bị ngắt quảng. Phải chăng vì điều này, cùng với đa phần bò sữa của TP là bò lai, chưa nhiều bò thuần HF nên dù năng suất bình quân sữa đạt hơn 5.600kg/con/chu kỳ là cao hơn bình quân cả nước, nhưng cũng mới tiếp cận với năng suất nuôi thả trên đồng cỏ của Úc với hơn 5.800kg/con/chu kỳ, tuy nhiên giá thành sữa lại dao động từ 9.000 đồng/kg đến 12.000 đồng/kg do có 4 cách nuôi khác nhau ở các nông hộ. Như vậy, những hộ nuôi mà thuê vắt sữa, mua cỏ sẽ gặp khó khăn bởi theo khuyến cáo, giá thành sữa chỉ ở mức 9.000 đồng/kg mới có thể cạnh tranh với các nước.
Nhiều thách thức
Điều quan tâm hiện nay là nghề nuôi bò sữa nông hộ, chiếm khoảng 80% tổng đàn sẽ như thế nào trước biến động giá sữa nguyên liệu thế giới? Hiện nay, mỗi ký sữa nguyên liệu trong nước sản xuất ra nhà máy phải mua cao hơn từ 4.000 đồng đến 6.000 đồng/kg so với sữa nguyên liệu thế giới. Do tỷ lệ mua sữa tươi nguyên liệu trong nước còn rất thấp nên những công ty hàng đầu như Vinamilk, FrieslandCampina… còn đủ sức để giữ giá giúp hỗ trợ bà con yên tâm nuôi. Nhưng khi tỷ lệ này tăng lên, giá sữa xuống thấp và kéo dài, các công ty khó có thể tiếp tục giữ giá như hiện nay. Ngoài ra, khi Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, những hạn chế của những hộ nuôi bò sữa cá thể sẽ gặp không ít khó khăn.
Theo Tiến sĩ Chung Anh Dũng, Trưởng phòng Công nghệ sinh học Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam, quá trình phát triển đàn bò sữa cho thấy, sự phát triển, ứng dụng KHKT vào chăn nuôi bò sữa chưa thực sự “đủ mạnh” để làm động lực phát triển vững chắc ngành chăn nuôi bò sữa. Ông dẫn chứng, năng suất đàn bò sữa còn khiêm tốn; khả năng sinh sản trên đàn bò sữa khá kém khi tuổi phối giống lần đầu cao, biến động khá lớn (16 – 36 tháng); khoảng cách giữa 2 lứa đẻ kéo dài 14-18 tháng, hệ số phối đậu cao (2,4-3 phôi giống/thụ thai); do chưa cân đối về dinh dưỡng so với nhu cầu của bò sữa dẫn đến tình trạng tỷ lệ bò chậm sinh, vô sinh tạm thời cao do rối loạn hormone sinh sản. Ngay cả xu hướng ngày càng gia tăng với tốc độ tăng năng suất sữa/chu kỳ và việc sử dụng thức ăn tinh/thô bị mất cân đối trong quá trình nuôi, nhất là phương thức nuôi chuồng tác động đến chất lượng đàn bò sữa ở nông hộ.
Những hạn chế này cần được giải quyết thông qua việc: chọn lọc, loại thải những bò sữa năng suất thấp. Nhập khẩu nguồn gen bò sữa có năng suất và chất lượng cao, xây dựng hệ thống quản lý giống thống nhất cả nước. Sử dụng thức ăn hoàn chỉnh TMR, tăng diện tích trồng cỏ. Tăng cường sử dụng phụ phẩm nông – công nghiệp trong khẩu phần bò sữa. Sử dụng chuồng trại chống nóng và ẩm để giảm stress cho bò sữa, chú ý nhiều hơn việc xử lý môi trường xung quanh chuồng trại. Để giúp chăn nuôi bò sữa phát triển, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong nước, thay thế dần sữa nguyên liệu nhập khẩu, bên cạnh chính sách về quản lý, khuyến nông, đầu tư của nhà nước, việc đưa các giải pháp kỹ thuật và công nghệ cao vào chăn nuôi là hết sức cần thiết và cần được sự quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa trong việc nâng chất bên cạnh nâng lượng đàn bò sữa. Bên cạnh đó, cần học hỏi kinh nghiệm một số nước trong việc thu thập số liệu của các trang trại để đánh giá chính xác chất lượng con bò sữa đực giống. Theo Tiến sĩ Togashi Kenji, Hiệp hội Chăn nuôi Nhật Bản, phối hợp với 300 trang trại để thu thập số liệu về năng suất, độ bền chu kỳ sữa từng bò cái… để đánh giá đúng chất lượng bò đực giống là cha của chúng. Qua đó, chọn lọc bò đực giống tốt nhất. Nhờ vậy, năng suất sữa bình quân từ trên 6.000kg/con/năm, năm 1991, lên trên 8.000kg/con/năm, năm 2013.
CÔNG PHIÊN
(SGGP)
Bình luận (0)