Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nâng cao chất lượng đào tạo luật ở Việt Nam

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 123, Khoa Luật – Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) kết hợp Ban điều hành (BĐH)  Mạng lưới các cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam tổ chức hội thảo (HT) khoa học với chủ đề “Nâng cao chất lượng đào tạo luật ở Việt Nam hiện nay”. Sự kiện  ý nghĩa này thu hút sự tham dự của gần 50  đơn vị đào tạo luật trong cả nước.


PGS.TS Lê Vũ Nam – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế – Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM; Trưởng BĐH mạng lưới các cơ sở đào tạo luật tại Việt Nam, phát biểu tại hội thảo

Hội thảo nhằm  nâng cao chất lượng về đào tạo luật đồng thời  còn là hoạt động gắn kết, chia sẻ giữa các cơ sở đào tạo luật trong mạng lưới, góp phần tạo nền tảng vững vàng trong  hợp tác và nâng cao chất lượng đào tạo luật ở Việt Nam,  đáp ứng nhu cầu của xã hội và hội nhập quốc tế.

PGS.TS Phan Trung Hiền – Trưởng Khoa Luật, Trường ĐHCT, cho biết thêm: Hội thảo sẽ mở đầu cho quá trình gắn kết xa hơn, sâu rộng hơn giữa Trường ĐHCT, cụ thể là Khoa Luật, với các cơ sở thực hành luật trong và ngoài vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đây cũng là yếu tố cần thiết tạo dựng môi trường rèn luyện kỹ năng thiết thực cho các em sinh viên nhằm đáp ứng mục tiêu đào tạo của nhà trường.

Các diễn giả tập trung vào 3 nhóm vấn đề chính: Những vấn đề chung về nâng cao chất lượng ngành luật. Đổi mới phương  pháp giảng dạy đáp ứng nhu cầu đào tạo. Phát triển kỹ năng cho SV ngành luật. Trong đó một số kinh nghiệm giảng dạy được nhiều đại biểu đánh giá cao như: “Đào tạo luật trong thời đại số: Một số gợi mở đầu tiên”; theo đó, TS.Trịnh Thục Hiền – Trường  Đại học Kinh tế – Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng: Tác động tích cực và dễ nhận thấy nhất của công nghệ đối với đào tạo là tạo ra các nền tảng, từ đó duy trì sự kết nối SV với hoạt động học tập ngoài thời gian lên lớp. Cụ thể, với các phần mềm quản lý tập trung, SV chỉ cần sử dụng thiết bị điện tử có kết nối Internet sẽ dễ dàng tiếp cận nguồn học liệu của môn học và các bài tập. Thậm chí có thể trao đổi qua các diễn đàn và hộp thư với GV bộ môn. Ngoài ra GV cũng có thể cung cấp thông tin cho tất cả SV, học viên thay vì trả lời riêng lẻ từng người. Ngoài ra SV có thể tiếp cận mọi thông tin liên quan tới môn học tại một nơi tập trung và có hệ thống, tránh phải truy tìm ở các nơi lưu trữ phân tán: “Một trong những thuận lợi vô cùng quan trọng của công nghệ là khả năng lưu trữ thông tin đã được số hoá, tạo ra nguồn tư liệu cực kỳ phong phú, đầy đủ,  mà khó có một thư viện truyền thống nào có thể đạt được trên phương diện số lượng lẫn khả năng tiếp cận dễ dàng. Với từ khóa đúng, GV và SV có thể truy tìm các tài liệu mình cần để phục vụ cho hoạt động học tập và nghiên cứu” – TS.Hiền đánh giá.

Với Nghiên cứu khoa học “Vận dụng mô hình giáo dục (GD) pháp luật thực hành để nâng cao chất lượng đào tạo luật – thực tiễn tại Khoa Luật, trường ĐH/CT” nhóm thực hiện đã chia sẻ kinh nghiêm đào tạo: SV tham gia học phần này sẽ trải nghiệm lần lượt việc tổ chức và triển khai  giảng dạy pháp luật cộng đồng, song song với việc mô phỏng cách thức tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho khách hàng ở các lĩnh vực phổ biến như hôn nhân gia đình, đất đai, dân sự, thừa kế… Thông qua trải nghiệm từ môn học, SV tự tin và hoàn thành tốt hơn các môn học chuyên ngành tương ứng; đồng thời giúp các cử nhân luật khi tốt nghiệp có thể  chủ động trong các hoạt động pháp luật thực tế, và có lý tưởng mang pháp luật phụng sự cộng đồng, làm nên giá trị của người học luật. 


PGS.TS Phan Trung Hiền – Trưởng Khoa Luật, Trường ĐH Cần Thơ (bìa trái), tặng hoa cho BĐH mạng lưới các cơ sở đào tạo luật tại Việt Nam

Các đại biểu cũng thống nhất: Để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo cử nhân luật ở Việt Nam, nên chăng, trong Luật GD đại học cần ghi nhận quyền tự do học thuật, đồng thời bổ sung giảng dạy các học phần: “Học thuyết pháp lý”, “Tư duy pháp lý”, “Đạo đức nghề luật” vào chương trình đào tạo ngành luật với vị trí là học phần cơ sở ngành.  Tăng cường  gắn kết giữa hoạt động nghiên cứu pháp luật và hoạt động thực hành nghề luật. Theo đó, cần thiết kế chương trình đào tạo theo mô hình của trường Y, trong đó lồng ghép các khóa học giảng dạy với luân phiên thực hành. Bên cạnh đó cần nghiên cứu xây dựng nội dung các khóa học theo kết cấu “Mô-đun vấn đề pháp lý”. Các nội dung trên nên được xây dựng và hoàn thiện song song với việc tiếp cận đúng và đủ “Phương pháp nghiên cứu khoa học luật” và xây dựng “Tư duy pháp lý”. Cho phép viên chức là giảng viên luật được thực hiện hoạt động nghề nghiệp, đặc biệt là hành nghề luật sư. Thêm vào đó, cần quy định giờ chuẩn thực hành nghề hàng năm của GV, SV tại Trung tâm tư vấn pháp luật trực thuộc cơ sở đào tạo.

PGS.TS Lê Vũ Nam – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế – Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM; Trưởng Ban điều hành mạng lưới các cơ sở đào tạo luật tại Việt Nam, kiến nghị: “Cần kết nối giữa Trung tâm tư vấn pháp luật của cơ sở đào tạo với các cơ quan, tổ chức có chức năng hành nghề thực tiễn như Trung tâm trợ giúp pháp lý (Sở Tư pháp), các tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật, hội luật gia… nhằm hỗ trợ tư vấn pháp lý cho những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, thậm chí tham gia tố tụng khi cần thiết. Qua đó tạo môi trường để GV, SV có cơ hội trau dồi chuyên môn, va chạm với các tình huống phát sinh trên thực tế”…

Đan Phượng

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)