Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Nâng cao chất lượng “đầu vào” của THPT

Tạp Chí Giáo Dục

Muốn nâng cao chất lượng đầu vào bậc THPT, cần phải nâng chất lượng dạy và học ở bậc THCS. Ảnh: T.TR

Vừa qua, trả lời phỏng vấn trên một tờ báo, ông Nguyễn Thành Kỳ – Trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT Hà Nội) đã có một số ý kiến rằng… Muốn chất lượng đầu vào lớp 10 cao lên thì chất lượng “nền” của THCS phải tăng lên (để đáp ứng được đề thi tuyển sinh của toàn thành phố), thêm nữa bản thân số lượng học sinh tham gia tuyển sinh vào lớp 10 phải đáp ứng với tỷ lệ vừa đủ thì điểm chuẩn mới cao.
Nhưng vấn đề đặt ra là làm gì và làm thế nào để “nền” của chất lượng THCS phải tăng lên thì còn bỏ ngỏ. Thông thường người ta cho rằng muốn có chất lượng THCS cao hơn thì đầu vào lớp 6 phải tăng lên, nghĩa là cái “nền” giáo dục tiểu học phải cao chính vì vậy mà ngày nay người ta tuyển sinh đầu vào từ lớp 1. Vì thế mẫu giáo cũng phải đi học thêm và tình trạng chạy trường, chạy lớp ngày càng diễn ra phức tạp nhất là ở các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội… Mấy năm nay Bộ GD-ĐT đã tập trung lo đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào đại học, người ta nói Bộ chỉ lo cái ngọn còn cái gốc là giáo dục phổ thông nhất là việc tuyển sinh vào đầu cấp học như thế nào thì còn bỏ ngỏ tùy các địa phương. Nói riêng về tuyển sinh vào THPT thì ở Hà Nội theo phương án vừa xét vừa thi đối với tất cả các trường công lập, ngoài công lập, bổ túc, THPT ở tất cả các quận huyện. Ở TP.HCM thì thi tuyển ở một số quận, còn xét tuyển ở một số quận huyện như Cần Giờ, Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, quận 9, năm học tới mở rộng xét tuyển ở quận 2 và Thủ Đức. Cách tuyển sinh vào lớp 10 (đại trà) ở Hà Nội và TP.HCM có những điểm khác nhau cơ bản.
Ở TP.HCM đối với các quận thi tuyển, điểm tuyển là tổng điểm thi ngữ văn nhân hệ số 2 + toán nhân hệ số 2 + môn thứ 3 + điểm khuyến khích. Học sinh chỉ được xét tuyển khi dự thi đủ các bài thi, không có bài thi nào dưới 4 điểm, riêng môn chuyên phải đạt 6 điểm trở lên (đối với lớp chuyên) và không có bài thi nào bị điểm 2. Sở GD-ĐT sẽ xét tuyển từ cao đến thấp cho đến hết chỉ tiêu. Như vậy ở TP.HCM chỉ có thi tuyển ở một số quận và xét tuyển căn cứ vào tốt nghiệp THCS ở một số quận, huyện nói trên không có vừa thi tuyển cộng với xét tuyển.
Ở Hà Nội, mấy năm qua kể cả năm tới khi thủ đô đã được mở rộng vẫn tiến hành tuyển sinh lớp 10 bằng phương thức thi tuyển cộng xét tuyển ở tất cả các quận, huyện. Điểm xét tuyển là điểm thi 2 môn văn và toán nhân hệ số 2 cộng với điểm học sinh giỏi 5, khá 4, trung bình 3 cho một năm học ở các lớp THCS cộng điểm khuyến khích nếu có.
Theo dõi về việc tuyển sinh vào THPT mấy năm qua ở Hà Nội, TP.HCM và một số địa phương tôi thấy có 3 phương thức chính là: Xét tuyển (đối với địa phương thỏa mãn yêu cầu phát triển tự nhiên học lên của học sinh lớp 9), thi tuyển, vừa thi tuyển vừa xét tuyển. Tuy nhiên nếu lấy mục đích là nâng cao chất lượng “đầu vào” của THPT thì còn nhiều vấn đề phải suy nghĩ, phải theo dõi và tổng kết để đổi mới cách tuyển sinh.
Ở Hà Nội: Thi tuyển 2 môn văn, toán được xác định.
Ở TP.HCM: Thi tuyển 3 môn văn, toán được xác định trước và một môn thứ 3 chưa xác định trước gần đến ngày thi mới công bố (tương tự như thi tốt nghiệp THPT hiện nay mới có 3 môn được xác định trước là văn, toán, ngoại ngữ còn 3 môn nữa đến ngày 30-3 mới công bố). Nhìn chung hiện nay đông đảo giáo viên và học sinh vẫn chú ý đến thi gì học nấy, nếu chưa thi hết cả các môn đang học thì còn phải có những môn trên gần đến ngày thi mới công bố.
Việc Sở GD-ĐT Hà Nội chỉ thi tuyển sinh 2 môn văn, toán được xác định trước đã làm cho đông đảo giáo viên, học sinh chưa chú ý đúng mức đến việc dạy và học các môn còn lại như lý, hóa, sinh… Nếu nói rằng việc xét cộng điểm cho học sinh giỏi, khá, trung bình ở THCS là bảo đảm việc dạy và học toàn diện rồi thì chưa đúng nó chỉ có tác dụng một phần nhỏ mà lợi bất cập hại có thể sinh tiêu cực cùng với bệnh chạy theo thành tích có khi người ta còn cấy điểm nâng điểm. Đã làm công tác tuyển sinh vào lớp 10 ở một trường THPT ngoài công lập mấy năm qua tôi thấy không ít học sinh điểm bộ môn ở học bạ vào loại khá mà điểm thi lại vào loại kém. Đồng chí hiệu phó của trường mới nói với tôi rằng dạy lý, hóa bây giờ rất vất vả nhiều học sinh rỗng kiến thức do không phải thi đầu vào. Theo tôi nghĩ cách tuyển sinh vào lớp 10 THPT 3 môn có thể đảm bảo chất lượng hơn 2 môn…
Trước năm 2005, Hà Nội đã căn cứ vào kết quả thi tốt nghiệp THCS để tuyển sinh vào lớp 10 là rất hay vì thời gian ấy số môn thi tốt nghiệp là 4 môn. Việc TP.HCM tiến hành xét tuyển ở 5 quận, huyện, năm nay mở rộng diện tích xét tuyển ở 2 quận nữa có phải là thượng sách? Sang năm có mở rộng xét tuyển hay thu lại căn cứ vào mục đích tiêu chuẩn nào?
Theo tôi không nên xét tuyển như vậy mặc dù ở các quận, huyện này thỏa mãn được nhu cầu học lên của học sinh lớp 9. Cần phải tiến hành thi tuyển chung với toàn thành phố để biết được chất lượng giữa các quận huyện chênh lệch như thế nào, biết được tình hình học tập của từng trường và sự quản lý, chỉ đạo của các quận, huyện để có những chủ trương và biện pháp kịp thời, phát huy mặt tốt, hạn chế mặt yếu kém.
Tóm lại đã đến lúc phải quản lý, chỉ đạo chặt chẽ, có nền nếp về việc tuyển sinh vào các lớp đầu cấp từ lớp 1 đặc biệt sau khi bỏ thi tốt nghiệp tiểu học và THCS theo Luật giáo dục. Trước mắt cần tìm ra phương án tối ưu nhất tuyển học sinh vào lớp 10 để nâng cao chất lượng đầu vào, tác động đến nâng cao chất lượng giáo dục THCS. Thượng sách vẫn là thi tuyển 3 đến 4 môn.
Nhà giáo Trần Hữu Trù 
(Nguyên chuyên viên cao cấp Bộ GD-ĐT)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)