Tại hội thảo triển khai Ðề án Dạy và Học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân đến năm 2020 với các trường đại học, Thứ trưởng Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) Nguyễn Vinh Hiển cho rằng: Chất lượng đội ngũ giáo viên dạy ngoại ngữ ở bậc phổ thông còn yếu, chỉ khoảng 10% đạt yêu cầu.
Giờ học ngoại ngữ của sinh viên Trường đại học Thành Tây.
|
Ðiều này cho thấy cần nhìn nhận lại phương pháp và trách nhiệm của các trường đại học đào tạo giáo viên dạy ngoại ngữ hiện nay.
Ðề án Dạy và Học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân (Ðề án ngoại ngữ 2020) được Thủ tướng phê duyệt với mục tiêu: Ðổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ, triển khai chương trình dạy và học ngoại ngữ mới ở các cấp học, trình độ đào tạo; đến năm 2020, phần đông số sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học (CÐ, ÐH) có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa; biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam, phục vụ sự nghiệp CNH, HÐH đất nước… Tuy nhiên hiện nay, việc dạy và học ngoại ngữ trong các trường ÐH còn nhiều hạn chế. Trưởng bộ phận thường trực Ðề án ngoại ngữ quốc gia 2020 Nguyễn Ngọc Hùng cho rằng, dạy và học ngoại ngữ trong các trường ÐH chưa hiệu quả. Quá trình dạy và học chủ yếu phục vụ cho các kỳ thi, tập trung vào ngữ pháp, đọc và dịch. Giáo viên dạy ngoại ngữ từ nhiều nguồn khác nhau, nhiều người không có năng lực sư phạm, giảng dạy nặng lý thuyết mà bỏ quên phần luyện tập. Bên cạnh đó, nhiều trường ÐH chưa có thiết bị hiện đại, phần mềm phù hợp phục vụ dạy và học… Ý thức học tập nâng cao trình độ ngoại ngữ của sinh viên còn hạn chế, "nhiều sinh viên phải thầy "bảo", cô "dặn", khoa "bắt", trường "dọa" thì mới học chứ không tự giác" – ông Hùng nhấn mạnh.
Mặt khác, từ thực tiễn công tác giảng dạy nhiều trường ÐH cũng thừa nhận có nhiều bất cập trong dạy ngoại ngữ. Ðại diện Trường đại học Kỹ thuật công nghiệp (Ðại học Thái Nguyên) nhìn nhận, phần lớn sinh viên sau khi tốt nghiệp chưa đủ năng lực để sử dụng ngoại ngữ giao tiếp, đọc và dịch tài liệu hoặc theo học các chương trình quốc tế. Trong khi đó quá trình đào tạo ở trường số lượng sinh viên trong một lớp học ngoại ngữ lại quá đông, từ 50 đến 80 sinh viên/lớp, không phù hợp với môn học này. Cơ sở vật chất dành cho việc học tiếng Anh còn thiếu như chưa có thư viện dành riêng cho học ngoại ngữ… TS Dương Bạch Nhật, Trường ÐH Duy Tân (Ðà Nẵng) thì cho rằng: Trình độ ngoại ngữ đầu vào của sinh viên khác nhau, phần lớn yếu về kỹ năng nghe – nói – viết luận. Các bộ sách dạy ở bậc THCS và THPT đều được biên soạn công phu gồm bốn kỹ năng nhưng do các bài kiểm tra giữa và cuối kỳ, thậm chí cả thi tốt nghiệp và thi ÐH đều chỉ tập trung vào bài đọc hiểu và viết câu, ngữ pháp.
Trong quá trình hội nhập quốc tế, việc thông thạo ngoại ngữ có vai trò quan trọng. Vì vậy, dạy ngoại ngữ trong các trường ÐH sẽ gỡ "nút thắt" cơ bản góp phần nâng cao trình độ ngoại ngữ của sinh viên. Theo Thứ trưởng GD và ÐT Nguyễn Vinh Hiển, cần chủ động giải quyết năng lực ngoại ngữ và phương pháp giảng dạy của giảng viên. Việc thực hiện không thể đồng loạt mà phải có giai đoạn quá độ nhưng yếu tố quyết định sự thành công chính là vai trò chủ động từ phía các nhà trường. Trưởng bộ phận thường trực đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 Nguyễn Ngọc Hùng thì cho rằng, các cơ sở đào tạo cần đánh giá lại hiện trạng, nhìn thẳng vào sự thật và đặt ra mục tiêu, lộ trình thích hợp trong đào tạo ngoại ngữ. Cần đặt ra yêu cầu cụ thể về trình độ ngoại ngữ cho giảng viên cũng như sinh viên. Việc nâng cao trình độ ngoại ngữ phải gắn liền với thực tế công việc như: Giao cho giảng viên dịch tài liệu chuyên môn bằng tiếng nước ngoài, sinh viên cuối năm phải học môn học chuyên môn bằng ngoại ngữ… Các cơ sở đào tạo đẩy mạnh đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá trong đào tạo ngoại ngữ như: Xây dựng các dữ liệu ngân hàng câu hỏi, phục vụ cho việc kiểm tra, đánh giá trình độ ngoại ngữ của người học, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả công tác khảo thí và kiểm định chất lượng đào tạo các môn ngoại ngữ.
Ðáng chú ý, ngành GD và ÐT cần thực hiện đổi mới công tác tuyển sinh đào tạo giáo viên ngoại ngữ theo hướng tăng cường tính tự chủ của các nhà trường. Khuyến khích mạnh mẽ, tạo cơ chế thuận lợi để các trường liên kết, hợp tác giảng dạy, đào tạo, tuyển dụng người Việt Nam ở nước ngoài hoặc người nước ngoài có đủ trình độ ngoại ngữ làm giáo viên dạy ngoại ngữ trong các nhà trường. Theo một số chuyên gia giáo dục, Bộ GD và ÐT cần xây dựng danh mục thiết bị tối thiểu phục vụ cho việc dạy và học ngoại ngữ trong các cấp học, trình độ đào tạo. Các cơ sở giáo dục cần mở rộng, đa dạng hóa các hình thức hợp tác quốc tế phù hợp với việc dạy và học ngoại ngữ ở Việt Nam, nhất là tăng cường trao đổi tài liệu bằng ngoại ngữ với các trường quốc tế như trao đổi sinh viên hoặc mời giáo viên nước ngoài đến giảng dạy bằng ngoại ngữ tại trường.
Theo VẠN XUÂN
(nhandan)
Bình luận (0)