Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Nâng cao chất lượng dạy và học lý luận chính trị

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 23-1, Đại học Quốc gia TPHCM phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức Hội thảo khoa học “Nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập các môn lý luận chính trị trong các trường ĐH-CĐ”. Tham dự hội thảo có lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Hội đồng Lý luận Trung ương cùng lãnh đạo các trường ĐH-CĐ khu vực phía Nam.

Các chuyên gia đã tập trung phân tích thực trạng và tìm giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, chương trình, biên soạn giáo trình các môn lý luận chính trị dùng cho đào tạo tại các trường ĐH-CĐ.

PGS-TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, dẫn chứng thực trạng hiện nay việc học tập các môn lý luận chính trị vẫn còn không ít khuyết điểm, tồn tại cần được xem xét. Như trong nghiên cứu khoa học phục vụ đào tạo lý luận vẫn còn thiếu các công trình mang tầm chiến lược, có tính đột phá. Những lý luận còn lạc hậu, tính dự báo thấp, kết quả nghiên cứu lý luận chưa đáp ứng tốt yêu cầu của thực tiễn. Trong khi đó, giáo trình và nội dung bài giảng dù giảm tải song lại làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn, bất cập. Các giáo trình, chương trình chưa được “cá biệt hóa” theo từng khối ngành đào tạo, dẫn đến tình trạng chung chung, nhàm chán, thiếu hiệu quả trong giảng dạy, học tập.

Mặt khác, tình trạng xem nhẹ các môn lý luận chính trị, quan niệm “học cho qua, học để đối phó” chứ không vì nhu cầu bồi dưỡng thế giới quan và phương pháp luận khoa học vẫn còn diễn ra khá phổ biến ở một bộ phận học viên, sinh viên.

GS-TS Hoàng Chí Bảo, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, đã chỉ ra những bất ổn trong giáo dục ĐH-CĐ hiện nay nói chung lẫn giáo dục lý luận chính trị nói riêng. Trên cơ sở đó, giáo sư đưa ra 6 kiến nghị giải pháp cho vấn đề này, trong đó trọng tâm là làm thay đổi nhận thức xã hội và trước hết là trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, ở cấp chiến lược, đội ngũ trí thức (trong lĩnh vực khoa học xã hội và lý luận) ở các cơ sở đào tạo phải giữ vai trò trọng yếu về lý luận để có ứng xử đúng với giáo dục lý luận chính trị trong các trường ĐH-CĐ.

THANH HÙNG

(SGGP)

Bình luận (0)