Chất lượng dịch vụ vận tải sẽ được cải thiện thông qua những đổi mới về quản lý. Ảnh: I.T |
Theo Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang khẩn trương hoàn thiện Đề án đổi mới toàn diện quản lý vận tải đường bộ. Qua đó, đưa ra những giải pháp quản lý theo hướng hiện đại, nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải. Được biết, trong quản lý vận tải hành khách, quản lý ATGT và chất lượng dịch vụ vận tải được xác định là hai nội dung cơ bản. Do đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam xây dựng đề án và trình Bộ GTVT quy chuẩn chất lượng dịch vụ vận tải hành khách bằng xe ô tô.
Phân hạng đánh giá chất lượng phương tiện
Theo Đề án đổi mới toàn diện trong việc quản lý vận tải đường bộ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam tập trung nghiên cứu, xây dựng các tiêu chí đánh giá và phân loại hạng chất lượng dịch vụ đối với từng loại hình kinh doanh, gồm: Chất lượng phương tiện; lái xe và nhân viên phục vụ trên xe; hành trình; tổ chức, quản lý của đơn vị; quyền lợi của hành khách. Trên các tiêu chí đó, sẽ tiến hành phân loại hạng chất lượng dịch vụ vận tải. Vận tải hành khách tuyến cố định, du lịch và xe hợp đồng được phân thành 5 hạng từ 1 “sao” đến 5 “sao” với thang điểm đánh giá là 100 điểm. Vận tải hành khách bằng xe buýt được phân thành 2 hạng gồm hạng 2 “sao” và 3 “sao”, thang điểm đánh giá là 100 điểm. Vận tải hành khách bằng xe taxi được phân thành 3 hạng gồm hạng 3, 4, 5 “sao”, thang điểm đánh giá là 90 điểm. Để xác định hạng chất lượng dịch vụ vận tải thì đơn vị vận tải ngoài việc phải đạt được tổng số điểm theo quy định tại bảng trên còn phải đáp ứng điều kiện về mức điểm tối thiểu của mỗi nội dung đánh giá, tương ứng với từng hạng chất lượng dịch vụ, theo loại hình kinh doanh vận tải. Các đơn vị kinh doanh vận tải trước khi đăng ký chất lượng dịch vụ phải tổ chức thực hiện các quy trình quản lý và chịu trách nhiệm duy trì việc thực hiện đúng các quy trình quản lý sau khi đã được cơ quan có thẩm quyền công bố chất lượng dịch vụ. Các quy trình quản lý được quy định trong quy chuẩn bao gồm: Quy trình quản lý về phương tiện, lái xe, nhân viên phục vụ, hành trình, chất lượng dịch vụ cung cấp cho hành khách và ATGT.
Khắc phục những bất cập
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho biết, Đề án quy chuẩn chất lượng dịch vụ vận tải của Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đề ra giải pháp khắc phục những bất cập trong đăng ký, thực hiện chất lượng dịch vụ vận tải và quản lý về ATGT ở các đơn vị vận tải hiện nay. Đồng thời là cơ sở để hành khách lựa chọn, giám sát thực hiện chất lượng dịch vụ vận tải và cơ quan quản lý Nhà nước có cơ chế khuyến khích, phát triển các đơn vị vận tải quản lý tốt về chất lượng dịch vụ vận tải, hạn chế dần những đơn vị chất lượng dịch vụ kém; làm cơ sở để thanh tra, kiểm tra. Ngoài việc thực hiện các quy định tại quy chuẩn chất lượng dịch vụ vận tải nói trên, mỗi loại hình kinh doanh vận tải khách còn thực hiện một số nội dung đổi mới quản lý. Trong đó, vận tải hành khách theo tuyến cố định sẽ thực hiện áp dụng công nghệ thông tin rộng rãi, kết nối giữa các cơ quan quản lý với bến xe, đơn vị vận tải; sẽ tổ chức quản lý các tuyến vận tải cụ thể và sâu sát hơn. Với loại hình này, sẽ yêu cầu cập nhật dữ liệu và công bố công khai trên từng tuyến vận tải: lịch trình xe xuất bến, đơn vị thực hiện, giá vé, chất lượng dịch vụ trên tuyến. Việc theo dõi lượng vé bán cho hành khách của từng tuyến, chuyến xe, lịch tài của từng công ty để thông qua đó có giải pháp xử lý, điều chỉnh các vi phạm như bỏ tài, lượng vé bán quá thấp trong một thời gian dài. Các cơ quan quản lý, thông qua theo dõi cũng ghi nhận, công bố công khai những đơn vị làm tốt, đơn vị vi phạm, có cơ chế khuyến khích đơn vị làm tốt, hạn chế những đơn vị yếu kém.
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, mục tiêu đổi mới quản lý vận tải hàng hóa là quản lý về đảm bảo ATGT và tổ chức cung cấp thông tin giúp cho các đơn vị vận tải hàng hóa tổ chức vận tải khoa học, hiệu quả. Theo đó, khuyến khích các đơn vị vận tải ban hành và thực hiện quy trình quản lý ATGT trong đơn vị. Trong đó, bao gồm quy trình quản lý phương tiện, quản lý người lái xe và quy trình quản lý của bộ phận quản lý ATGT trong đơn vị. Những đơn vị vận tải hàng hóa đã thực hiện quy trình quản lý ATGT được kiểm tra, xác nhận và sẽ được công bố theo định kỳ (3 tháng, 6 tháng, 9 tháng, 1 năm). Cơ quan quản lý Nhà nước sẽ có khuyến cáo các chủ hàng lựa chọn, ký hợp đồng vận chuyển với các đơn vị vận tải đã thực hiện tiêu chuẩn và quy trình ATGT. Tiến tới quy định chỉ những đơn vị đã thực hiện công tác này mới được tham gia vận tải quốc tế, vận tải đường dài (có thể từ 500km trở lên); những đơn vị chưa thực hiện chỉ được phép hoạt động kinh doanh vận tải đường ngắn trong nước.
Nhằm giúp cho các đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa có thông tin, tổ chức vận tải hợp lý, hiệu quả, đồng thời, làm cho thị trường vận tải minh bạch, khắc phục các khâu trung gian ăn hoa hồng, một số chủ hàng bắt tay với đơn vị vận tải nâng khống giá cước, ở các sở GTVT và Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ xây dựng trang thông tin điện tử (web), chủ hàng và các đơn vị vận tải được miễn phí đăng tải các thông tin về năng lực vận tải, giá cước, nhu cầu nguồn hàng. Khi trang web về vận tải hàng hóa hoạt động có hiệu quả sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng cơ chế từng bước hình thành sàn giao dịch về vận tải góp phần phát triển dịch vụ logistics.
Hà Anh
Bình luận (0)