Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nâng cao chất lượng giảng dạy lịch sử Đảng hơn nữa

Tạp Chí Giáo Dục

Việc giảng dạy lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng cần nâng cao chất lượng hơn nữa. Phải tạo sự lôi cuốn, thu hút cho sinh viên, học sinh, tránh tình trạng nặng về lý thuyết, thiếu thực tiễn.


Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải phát biểu tại hội nghị

Yêu cầu này được Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải nêu ra tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng” do Thành ủy TP.HCM tổ chức sáng 22-2.

Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải cho biết từ năm 2018 đến năm 2022, Thành ủy TP.HCM đã tổ chức nghiên cứu, biên soạn nhiều công trình lịch sử Đảng; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân biên soạn các ấn phẩm lịch sử từ nguồn ngân sách TP, với tổng số 203 công trình. Trong đó, cấp TP là 59 công trình; cấp quận, huyện là 32 ấn phẩm; cấp phường, xã, thị trấn là 75 ấn phẩm và 37 ẩn phẩm của MTTQ và các đoàn thể chính trị – xã hội, đảng ủy cấp trên cơ sở trực thuộc.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 20, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM yêu cầu các cấp ủy chủ động tham mưu, đề xuất, triển khai xây dựng các chương trình, kế hoạch tổng kết, nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương, cập nhật kết quả nghiên cứu mới. Đồng thời, bổ sung những quan điểm mới của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII vào các công trình nghiên cứu các chuyên đề chuyên sâu, phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, về truyền thống năng động, sáng tạo của Đảng bộ và nhân dân TP, về xây dựng không gian Văn hóa Hồ Chí Minh. Việc giảng dạy lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng cần nâng cao chất lượng hơn nữa. Phải tạo sự lôi cuốn, thu hút cho sinh viên, học sinh, tránh tình trạng nặng về lý thuyết, thiếu thực tiễn.

Theo báo cáo, việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 20 của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã được TP và các cấp ủy quan tâm chỉ đạo kịp thời, triển khai nghiêm túc. Các ấn phẩm lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống được xuất bản tăng lên về số lượng và chất lượng. Các Đảng bộ, cơ quan, đơn vị thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt việc nghiên cứu, biên soạn, phát hành lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống của địa phương, đơn vị.

Cùng với đó, nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng đặc biệt sử dụng hiệu quả mạng internet, góp phần vào việc giáo dục truyền thống, bồi dưỡng ý chí và tình cảm cách mạng, làm cho lịch sử Đảng thấm sâu hơn vào tâm trí của mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.


Các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 20 được nhận Bằng khen của Thành ủy

Đặc biệt, nội dung lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống địa phương được đưa vào chương trình giảng dạy học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông và các lớp bồi dưỡng chính trị cho các lớp đối tượng Đảng, cảm tình Đoàn, chương trình trung cấp, sơ cấp lý luận chính trị…

Tại hội nghị, một số quận huyện, đại diện các hội đã chia sẻ việc thực hiện Chỉ thị số 20. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy huyện Hóc Môn Nguyễn Anh Tuấn, cho biết huyện đã thực hiện xong 20 công trình lịch sử Đảng. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 9 di tích lịch sử – văn hóa được Trung ương, TP công nhận, trong đó có 2 di tích cấp quốc gia.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện có Đài tưởng niệm liệt sỹ hy sinh tại nhà thương giếng nước và 77 địa chỉ đỏ. Do vậy, việc giáo dục truyền thống, lịch sử Đảng, đưa học sinh đến với các địa chỉ đỏ này luôn được huyện quan tâm.

Tương tự tại quận 1, theo Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy quận 1 Nguyễn Trung Châu Tuyên, quận đã tập trung thực hiện song song công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương và công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống, lịch sử Đảng. Hiện nay, quận 1 đã hoàn thành công tác biên soạn lịch sử Đảng bộ 10 phường giai đoạn 1930 – 2010, xuất bản ấn phẩm kỷ yếu Ban Chấp hành Đảng bộ Quận 1 nhiệm kỳ 2015 – 2020 và dự kiến năm 2023 sẽ xuất bản và ra mắt Biên niên Lịch sử đảng bộ quận giai đoạn 2000 – 2020. Quận cũng đẩy mạnh khai thác và tận dụng tối đa công nghệ thông tin, mạng internet và các nền tảng mạng xã hội trong các hoạt động tổ chức tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, tạo nên sức lan tỏa nhanh, rộng khắp.

Dịp này, Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM tặng bằng khen cho 26 tập thể, 21 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 20.

N.Trinh

Bình luận (0)