Tìm nguyên nhân, yếu tố quyết định hiệu quả giáo dục và đưa ra những giải pháp, đề xuất chính sách nhằm nâng cao chất lượng giáo dục cho mọi người là những nội dung chính mà Hội thảo tham vấn Báo cáo nghiên cứu “Nâng cao chất lượng giáo dục cho mọi người” vừa đưa ra.
Hội thảo do Bộ GD- ĐT, Ngân hàng Thế giới, Bộ phát triển quốc tế Vương quốc Anh, Đại sứ quán Vương quốc Bỉ phối hợp tổ chức ngày 9-11, tại Hà Nội.
Đại diện Ngân hàng thế giới trình bày tác động lên các kết quả chính của giáo dục cơ bản để từ đó đề ra chính sách liên quan
|
Theo đánh giá của Ban Phát triển nguồn nhân lực Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương Ngân hàng Thế giới: trình độ học vấn không đồng đều là vấn đề lớn đầu tiên mà Việt Nam đang gặp, đặc biệt giữa các nhóm thu nhập và các nhóm dân tộc; kết quả học tập chưa đạt yêu cầu là vấn đề lớn thứ hai. Vấn đề chất lượng cần được xem xét, không chỉ tác động tới số lượng, mà còn hạn chế kết quả đạt được liên quan tới tỷ lệ đi học và hoàn thành bậc học khi chất lượng trường còn thấp.
Các đại biểu đưa ra những yếu tố đóng góp tích cực cho hiệu quả giáo dục là: thu nhập hộ gia đình ổn định, trình độ văn hóa của cha mẹ học sinh; trình độ, kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn của giáo viên, nguồn lực của trường… Những yếu tố hạn chế kết quả giáo dục: học phí, chi phí học tập gián tiếp và chi phí cơ hội trong giáo dục. Mặc dù học phí và các khoản đóng góp cho hội cha mẹ học sinh ở Việt Nam khá cao nhưng vẫn chưa thể hiện hết toàn bộ khoản chi phí cho trẻ đi học…
Để giải quyết những hạn chế đó, cần có sự ưu tiên đối với đầu tư ngân sách Nhà nước nhằm: tăng cường hỗ trợ mức chất lượng tối thiểu, cụ thể đối với những trường có trẻ em thuộc nhóm dễ bị tác động; hỗ trợ áp dụng học cả ngày ở những trường có trẻ em thuộc nhóm dễ bị tác động; áp dụng trợ cấp tiền mặt có điều kiện cho học sinh nghèo và có hoàn cảnh khó khăn. Tăng cường áp dụng chuẩn giáo viên, trả lương dựa vào hiệu quả công việc. Xác định đối tượng miễn giảm học phí hiệu quả hơn; tăng cường hoạt động quản lý trường học; hỗ trợ phương pháp dạy học kiểu mới.
Theo Khánh Hà
(QĐND Online)
Bình luận (0)