Hội nhậpGiáo dục phát triển

Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp để đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 27-10, Trường CĐ Bách khoa Nam Sài Gòn phối hợp cùng Trường Korea Polytechnic VI – Hàn Quốc đã tổ chức Hội thảo khoa học “Các xu hướng lớn trong giáo dục nghề nghiệp hiện nay”.


ThS. Nguyễn Trí Dũng – Hiệu trưởng Trường CĐ Bách khoa Nam Sài Gòn phát biểu tại hội thảo

Theo ThS. Nguyễn Trí Dũng – Hiệu trưởng Trường CĐ Bách khoa Nam Sài Gòn, hiện nay cả nước có trên 55 triệu người đang trong độ tuổi lao động. Việc đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp nhằm cung ứng nguồn lao động cho thị trường là vô cùng lớn. Do đó, việc xác định các xu hướng cho giáo dục nghề nghiệp, tìm ra những thách thức, cơ hội để có những giải pháp phù hợp để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động là một nhiệm vụ của bất kỳ một cơ sở giáo dục nghề nghiệp nào.

“Hội thảo “Các xu hướng hiện nay trong giáo dục nghề nghiệp” nhằm có một góc nhìn khái quát và khách quan và tích lũy kinh nghiệm quý báu để có những bước đột phá trong đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng thời kỳ hội nhập”, ThS. Dũng cho biết.


Hội thảo có sự tham dự của nhiều lãnh đạo đến từ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP.HCM và Hàn Quốc

Chia sẻ tại hội thảo, GS. Jeom Seok Baek (Giám đốc Trung tâm Truyền thông toàn cầu Trường Korea Polytechnic VI – Hàn Quốc) cho rằng, giáo dục nghề nghiệp là con đường giúp sinh viên tiếp thu nhanh chóng các kỹ năng để tìm cơ hội việc làm. Trong năm 2020, Hàn Quốc có những ngành nghề cần nhiều nhân lực như: Phân tích và khoa học dữ liệu; trí tuệ nhân tạo và máy tính; chuyên gia dữ liệu lớn; nhà chiến lược và marketing số; nhà phát triển kinh doanh… Đến năm 2023 thì những ngành nghề: Vận hành thiết bị nông nghiệp; lái xe buýt và xe tải hạng nặng; giáo viên giáo dục nghề nghiệp… là những ngành thị trường lao động cần nhiều nhất.

“Giáo dục nghề nghiệp mang đến một sự thay thế tuyệt vời cho con đường sự nghiệp chính thống của sinh viên. Để xây dựng lực lượng lao động toàn diện, các nhà tuyển dụng không chỉ tìm kiếm những nhân tài có trình độ học vấn sâu mà còn tìm kiếm người có kỹ năng thực hành để thích nghi nhanh với môi trường làm việc, hoàn thành công việc hàng ngày một cách dễ dàng. Chính vì vậy, việc tập trung hết sức vào giáo dục nghề nghiệp để đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong thời điểm hiện nay là vô cùng cần thiết”, GS. Jeom Seok Baek chia sẻ.


Bà Đặng Thị Thu Hiền (Trưởng phòng Phòng Khoa học Công nghệ và Hợp tác quốc tế Trường CĐ Bách khoa Nam Sài Gòn) chia sẻ về xu hướng dịch chuyển lao động hiện nay

Bà Đặng Thị Thu Hiền (Trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Hợp tác quốc tế Trường CĐ Bách khoa Nam Sài Gòn) cho hay, hiện nay có 2 xu hướng dịch chuyển lao động cơ bản: Dịch chuyển trong nội bộ các nước đang phát triển và dịch chuyển ra ngoài các nước đang phát triển. Xu hướng dịch chuyển lao động đã tạo nhiều cơ hội cho người lao động Việt Nam. Tuy nhiên, xét về chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam lại chưa cao, chỉ đạt 3,79 điểm, xếp thứ 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng. Trong khi đó Thái Lan, Malaysia lần lượt đạt 4,94 và 5,59 điểm. Xu hướng dịch chuyển lao động còn tạo ra nhiều thách thức, nhất là trong giáo dục nghề nghiệp.


Giáo dục nghề nghiệp là hướng đi ngắn, tiết kiệm chi phí nên được nhiều sinh viên lựa chọn

“Để đối mặt với thực tế này có một loạt giải pháp có thể được áp dụng để nâng cao hiệu quả của lao động Việt Nam trong quá trình chuyển đổi nghề nghiệp. Cụ thể, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có thể đào tạo và phát triển kỹ năng liên tục; xây dựng mạng lưới và mối quan hệ để giúp người lao động tìm kiếm việc làm; đẩy mạnh giáo dục nghề nghiệp bằng cách tạo cơ hội cho người trẻ học tập và đào tạo nếu muốn chuyển đổi ngành nghề. Song song đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nên đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục nghề nghiệp bằng các chương trình chất lượng, đầu tư khuyến khích sáng tạo công nghệ và cuối cùng là bảo vệ quyền lợi người lao động”, bà Hiền chia sẻ.

Ông Pardhu Narakula (người sáng lập và Giám đốc The Bear Connection) khẳng định, giáo dục nghề nghiệp là con đường tuyệt vời cho sinh viên khắp nơi trên thế giới. Bởi hướng đi này có thời gian ngắn, học phí phù hợp, bằng cấp được công nhận toàn cầu, chương trình học linh hoạt, nhiều cơ hội nghề nghiệp.

“Theo UNESCO, trên toàn cầu có khoảng 43% học sinh sau THPT theo học các chương trình giáo dục nghề nghiệp, trong đó cao nhất là nước Trung Quốc với hơn 30 triệu học sinh. Thị trường giáo dục nghề nghiệp toàn cầu dự kiến sẽ đạt 1.570,10 tỷ USD vào năm 2028 với tốc độ tăng trưởng 9,8%”, ông Pardhu Narakula cho biết.

PV

 

 

 

 

 

 

Bình luận (0)