Hệ thống giáo dục TCCN của nước ta đang trong giai đoạn phát triển về chất và lượng, quy mô đào tạo tăng nhanh, từng bước đáp ứng nhu cầu học tập và đào tạo của xã hội. Tuy nhiên, hệ thống giáo dục TCCN hiện nay vẫn chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, chưa thực sự gắn với nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực có trình độ TCCN của các ngành, địa phương và cả nước. Chính vì vậy, vấn đề đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục TCCN đang được các cấp, các ngành và xã hội đặc biệt quan tâm. Mâu thuẫn giữa nguồn lực và chất lượng là căn bệnh được chỉ ra của hệ thống này, nhưng tìm ra phương thuốc đặc trị cho nó lại không dễ.
THỰC TRẠNG VỀ HỆ THỐNG GIÁO DỤC TCCN
Quy mô phát triển có theo yêu cầu?
Trải qua nhiều thăng trầm với nhiều khó khăn, mạng lưới giáo dục TCCN được duy trì và tiếp tục phát triển trên toàn quốc. Hiện nay nước ta có 506 cơ sở đào tạo TCCN bao gồm 276 trường TCCN (trong đó 71 trường TCCN ngoài công lập chiếm 26,3%) và 230 trường cao đẳng, cao đẳng nghề, đại học và học viện có đào tạo TCCN. Đặc biệt là quy mô đào tạo TCCN đã tăng gấp 2,4 lần từ 255.000 học sinh năm 2000 đến trên 614.000 học sinh vào năm 2008. Sự phát triển về quy mô đào tạo TCCN trong những năm qua đã góp phần đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân và cung ứng nhân lực cho nền kinh tế, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động được qua đào tạo xấp xỉ 30% vào năm 2007.
Tuy nhiên thực tế phát triển quy mô của bậc học này lại không theo chủ quan của quy hoạch đào tạo. Hiện nay GDTCCN vẫn đang loay hoay tìm ra hướng khắc phục những bất hợp lý về quy mô học sinh TCCN, đó là việc phân bố ngành học, các nhà trường không đồng đều, phần lớn các trường tập trung ở vùng Đồng bằng sông Hồng (31%) và miền Đông nam bộ (24%), là những vùng kinh tế – xã hội phát triển. Trong khi đó các vùng như Tây Bắc chỉ chiếm (3%), Tây Nguyên (4%), Nam Trung bộ (5%) – đây đều là những vùng mà TCCN rất cần được phát triển vì những kỹ năng nghề nghiệp được đào tạo một cách căn bản là nhân tố tích cực để xoá đói, giảm nghèo ở những vùng đất này.
Người học hay thị hiếu xã hội làm trung tâm?
Theo PGS.TS Nguyễn Khang – Phó Vụ trưởng Vụ GD Chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT): GDTCCN phát triển về quy mô và số lượng điều này chứng tỏ xã hội đang cần đến bậc học này. Thực tế cho thấy thời gian qua, xác định đào tạo phải theo nhu cầu xã hội, lấy người học làm trung tâm nên các ngành nghề được mở đều mang tính xã hội cao, nội dung chương trình đào tạo cũng được cập nhật cho phù hợp với xu thế chung của các hoạt động kinh tế – xã hội.
Số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, tính đến nay đã có gần 70 bộ chương trình khung TCCN tập trung vào các lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ, kinh tế, y tế, du lịch… Nhìn chung chương trình được xây dựng dựa theo yêu cầu kiến thức kỹ năng mà học sinh tốt nghiệp cần đáp ứng trong một ngành nghề nào đó. Từ năm học 2007, Bộ GD&ĐT quy định tùy theo ngành học mà thời lượng đào tạo thực hành chiếm từ 50 đến 70% tổng thời lượng đào tạo. Về ngành nghề đào tạo, hiện nay các cơ sở đào tạo TCCN có trên 300 ngành và chuyên ngành đào tạo. Trong những năm qua, xuất phát từ nhu cầu thị trường lao động, một số ngành nghề mới đã được đào tạo tại các trường trong lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ, dịch vụ… như công nghệ thông tin, tài chính-ngân hàng, du lịch, y tế… Như vậy, chủ trương đào tạo TCCN định hướng đào tạo kỹ năng thực hành là chủ trương phù hợp với đòi hỏi của thị trường lao động. Tuy nhiên đã xuất hiện xu hướng nhiều trường TCCN ngoài công lập có xu hướng đào tạo những ngành nghề ít phải đầu tư thiết bị công nghệ, thu hồi vốn nhanh chóng như Công nghệ thông tin, kế toán, văn thư hay quản trị kinh doanh… trong khi nhiều trường TCCN trước đây đào tạo những ngành nghề truyền thống về nông lâm ngư nghiệp lại có xu hướng chuyển sang những lĩnh vực khác do nhu cầu của người học thấp.
Nhìn vào những ngành nghề đào tạo mới được mở thêm thời gian qua, có thể nhận thấy có sự bất cập lớn giữa cơ cấu quy mô học sinh theo ngành nghề đào tạo. Một kết quả khảo sát của Vụ GDCN mới đây cho thấy: Ngành nghề có quy mô học sinh lớn nhất thuộc lĩnh vực kinh tế – dịch vụ – quản lý là (43%), sau đó đến lĩnh vực công nghiệp – xây dựng (25%). Điều đáng chú ý là, lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp có tỷ lệ học sinh rất thấp chỉ là (4%), mặc dù tỷ lệ lao động có việc làm trong lĩnh vực này chiếm đến trên (50,2%) và tỷ lệ dân số sống trong vùng nông thôn là (72,56%). Ngược lại ngành kinh tế – dịch vụ – quản lý chiếm tỷ lệ người theo học cao nhất (43%) thì khả năng xin việc khó hơn so với ngành nông, lâm, ngư nhiều.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, khách quan là do chính nhận thức hạn chế của người học, nhưng chủ quan cũng bởi họ thiếu thông tin đầy đủ của thị trường lao động. Thêm nữa nguồn lực đầu tư thiếu thốn và những hạn chế trong quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự phân bố cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa bám sát với nhu cầu thị trường lao động. Bởi những ngành nghề kinh tế – dịch vụ – quản lý thiên về lý thuyết chính là những ngành đỡ tốn kém nhất chi phí cho dạy và học.
Còn chất lượng giáo viên!
Trong khi quy mô và ngành nghề như vậy thì mặc dù đội ngũ giáo viên trong các trường TCCN tăng mạnh về quy mô và chất lượng, nhưng vẫn thiếu và yếu so với yêu cầu. Năm 2001, tổng số giáo viên TCCN chỉ có trên 10.000 người với số giáo viên có trình độ tiến sĩ và thạc sĩ tương ứng là 34 và 549 người, đến nay số giáo viên tăng đến 14.658 người, trong đó số giáo viên có học vị tiến sĩ là 219 người, số giáo viên có trình độ thạc sĩ là 2392 người tăng gần 3,5 lần, đó là chưa kể đến khoảng gần 10.000 giảng viên trong các trường cao đẳng và đại học tham gia dạy TCCN. Những hạn chế về chất lượng của giáo viên TCCN vẫn là năng lực chuyên môn, năng lực thực hành còn yếu, kiến thức và kỹ năng sư phạm còn bộc lộ nhiều hạn chế mặc dù phần đông đã có chứng chỉ sư phạm bậc I và bậc II. Nhiều giáo viên chưa tiếp cận được phương pháp giảng dạy hiệu quả. Kỹ năng chuẩn bị bài giảng, giảng bài, kiểm tra đánh giá, kỹ năng quản lý lớp học, tâm lý học người lớn, phương pháp nghiên cứu, tổ chức quản lý xưởng thực hành thực tập, sử dụng phương tiện dạy học, khả năng ngoại ngữ và tin học …
Có thể nhận thấy những nguyên nhân dẫn tới sự thiếu hụt, bất cập về đội ngũ này là do nhiều trường TCCN không có chỉ tiêu biên chế hoặc không tuyển được do nhiều nguyên nhân do đồng lương trả còn thấp, điều kiện làm việc chưa hấp dẫn. Thêm nữa giáo viên các trường ngoài công lập thường có độ tuổi cao hơn (không ít giáo viên đã ở tuổi nghỉ chế độ) và có nhiều giáo viên hợp đồng từ các trường TCCN công hoặc từ các trường cao đẳng, đại học. Độ tuổi trung bình của giáo viên TCCN vào khoảng xấp xỉ 40 tuổi nên cũng hạn chế khả năng nâng cao trình độ của bản thân. Nhiều giáo viên với khả năng sử dụng ngoại ngữ và máy tính phục vụ công tác chuyên môn còn yếu đã cản trở việc cập nhật tri thức mới về chuyên môn và phương pháp giảng dạy. Cho dù về cơ bản hiện nay những giáo viên này tham gia tích cực đảm bảo được việc dạy và học trong hệ thống. Tuy nhiên kết quả đạt được ở đây cũng chưa tương xứng với mong muốn. Những khiếm khuyết đã nêu đang ảnh hưởng lớn đến chất lượng đào tạo trong các nhà trường.
NAN GIẢI NGUỒN THU
Năm 2001 đầu tư cho GDTCCN là 627 tỷ đồng thì con số này đã lên đến 1.434 tỷ đồng vào năm 2006. Và đến năm 2008, đầu tư cho TCCN đã là 3.093,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, dù đã được tăng nhiều nhưng vẫn chưa thấm vào đâu so với đòi hỏi thực tế.
Khi nguồn lực đầu tư còn nhiều hạn chế như vậy thì một trong những nguồn thu quan trọng của các nhà trường chính là từ học phí, nhưng học phí thu đối với các trường TCCN hiện nay lại rất thấp. Đối với các trường TCCN công lập khu vực thành thị và thuộc nhóm ngành công nghiêp – xây dựng học phí từ 120.000 đồng đến 150.000 đồng/tháng, nhưng đối với những trường TCCN thuộc ngành nông, lâm, ngư thì học phí chỉ từ 50.000 đồng lên đến 100.000 đồng/tháng. Nguồn thu học phí thấp, nên tiền học phí chỉ giúp được một phần trang trải chi thường xuyên; phần kinh phí để tái đầu tư từ nguồn học phí rất thấp. Điều đó đã ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng, thu hút giáo viên giỏi về trường TCCN. Cũng như vậy đối với các trường TCCN ngoài công lập mức thu học phí tuy có cao hơn tùy thuộc theo ngành học và khu vực, dao động trong khoảng từ 200.000 đồng/tháng lên đến 550.000 đồng/tháng. Nhưng phần lớn các trường mở những ngành nghề đòi hỏi ít kinh phí đầu tư, và việc mở ngành cũng vẫn còn chạy theo thị hiếu của người học chứ ít tính tới tầm nhìn chiến lược cho việc cung ứng nhân lực của địa phương, khu vực nơi đặt trường đào tạo.
Bên cạnh đó, chi ngân sách trong Chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục và đào tạo cho giáo dục TCCN cũng chưa được quan tâm đúng mức, hầu như rất thấp từ 25 tỷ đồng năm 2002 lên đến 50 tỷ đồng vào năm 2008. Như vậy trung bình mỗi trường nhận được kinh phí từ chương trình mục tiêu là trên 130 triệu đồng mỗi năm kể từ năm 2002 trở lại đây. Trong khi đó đối với dạy nghề cũng thuộc giáo dục nghề nghiệp, lượng kinh phí dùng để tăng cường năng lực dạy nghề từ Chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục và đào tạo từ 110 tỷ đồng năm 2002 lên đến 1000 tỷ đồng năm 2008. Và cho dù hầu hết các cơ sở đào tạo TCCN đều tổ chức dạy nghề nhưng hầu như không nhận được đầu tư từ chương trình mục tiêu Tăng cường năng lực dạy nghề. Cùng với mức đầu tư thấp cho TCCN hiện nay đã ảnh hưởng đến việc mở rộng quy mô, chất lượng và hiệu quả đào tạo TCCN.
Trong khi nguồn lực đầu tư còn hạn chế thì nhiều trường lại có sức ì quá lớn, còn thụ động trong việc chủ động tìm nguồn lực bên ngoài bổ sung cho những thiếu hụt trên. Chính sự thiếu chủ động và sức ì này cũng là một trong những nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Theo số liệu khảo sát của Bộ GD&ĐT trong tổng số 276 trường TCCN, một con số hết sức “khiêm tốn” biểu hiện hạn chế này là số lượng các trường TCCN có hợp đồng đào tạo với doanh nghiệp trong 2 năm vừa qua chỉ có trên 20 trường. Chắc chắn trường nào cũng biết, hợp đồng đào tạo với các doanh nghiệp không những đem lại nguồn thu cho nhà trường mà còn tạo điều kiện cho học sinh đến thực hành tại các doanh nghiệp đó, điều này chắc chắn hạn chế được tình trạng học chay, học với điều kiện thực hành lạc hậu đang diễn ra ở nhiều trường. Thế nhưng, số lượng hợp đồng liên kết hết sức có lợi này lại quá khiêm tốn. Câu hỏi này có lẽ chỉ chính các nhà trường đó mới trả lời được.
Cũng như vậy, không cứ gì trong các trường từ đại học, cao đẳng đến trung cấp chuyên nghiệp, một trong những nhân tố quan trọng góp phần nâng cao trình độ giảng viên và chất lượng đào tạo và cũng tạo thêm nguồn thu cho nhà trường chính là từ các hoạt động nghiên cứu khoa học, gắn nghiên cứu với sản xuất. Nhưng một lần nữa, thực tế hạn chế này lại lặp lại, hiện nay ở các trường TCCN các hoạt động này đang rất yếu, nhiều trường gần như không có. Nói về việc này, ông Phạm Như Nghệ – Phó Vụ trưởng Vụ GD Chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT), trăn trở: Các nguồn thu từ nghiên cứu khoa học, sản xuất hoặc các dịch vụ khác từ các trường TCCN là rất hạn chế, và đây chủ yếu do năng lực đội ngũ và điều kiện cơ sở vật chất nghèo nàn. Chính sự thiếu hụt các hoạt động nghiên cứu khoa học không những làm giảm nguồn thu cho các nhà trường mà còn ảnh hưởng đến chất lượng giáo viên và chất lượng đào tạo của nhà trường đó.
THẤY GÌ TỪ VIỆC DẠY VÀ HỌC
Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục TCCN trong hệ thống giáo dục quốc dân, đào tạo TCCN theo nhu cầu của xã hội và thị trường lao động; việc đánh giá chất lượng đào tạo TCCN, từ đó có thể đưa ra các chính sách đào tạo TCCN phù hợp với thực tiễn khách quan. Đặc biệt là về chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học… cho các ngành nghề trên các địa phương khác nhau của cả nước.
Cuối năm 2008, Bộ GD&ĐT đã tiến hành khảo sát đánh giá chất lượng giáo dục TCCN tại 32 trường với các quy mô và thành phần khác nhau (20 trường công lập và 12 trường ngoài công lập) trong đó có 6 trường đại học, 15 trường cao đẳng và 11 trường TCCN có đào tạo 4 ngành công nghệ thông tin, cơ khí, kế toán và du lịch, trường TCCN và các trường đại học, cao đẳng có đào tạo TCCN ở các tỉnh và thành phố trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Đối tượng đánh giá kiểm tra về lý thuyết và thực hành là học sinh TCCN hệ chính quy đang học năm thứ hai. Đồng thời đã tiến hành khảo sát cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh năm thứ hai tại các trường nêu trên và các doanh nghiệp có sử dụng nguồn nhân lực trình độ TCCN tại các địa phương khác nhau trên cả 3 miền. Kết quả tổng hợp kiểm tra lý thuyết ngành cơ khí trên cả 3 miền chỉ đạt mức độ trung bình với 0,1% xuất sắc, 4,2% giỏi, 18,9% khá, 33,2% trung bình khá, 25,4% trung bình, 12,3% yếu và 5,8% kém. Còn kết quả tổng hợp kiểm tra thực hành ngành cơ khí của cả 3 miền cũng còn thấp với 0,3% xuất sắc, 4,8% giỏi, 13,3% khá, 20% trung bình khá, 30,8% trung bình, 17% yếu và 14% kém. Điều đó cho thấy cần phải tăng cường công tác đào tạo thực hành cơ khí cho học sinh TCCN.
Cũng như vậy kết quả khảo sát học sinh TCCN năm thứ 2 ngành công nghệ thông tin trong các trường qua làm bài kiểm tra lý thuyết và thực hành trên cơ sở nội dung các môn đã học trong năm thứ 1 cũng chỉ đạt mức độ trung bình với 0,3% xuất sắc, 5,6% giỏi, 14,9% khá, 29,1% trung bình khá, 28,3% trung bình, 16,2% yếu và 5,6% kém. Tỷ lệ điểm kiểm tra khá giỏi khối các trường ĐH có đào tạo TCCN (nhất là miền Bắc) là cao hơn các trường TCCN và CĐ có đào tạo TCCN. Và học sinh TCCN năm thứ 2 ngành du lịch trong các trường được khảo sát cũng chỉ đạt mức độ tương đối tốt với 0,9% xuất sắc, 14,7% giỏi, 31,4% khá, 30,0% trung bình khá, 17,8% trung bình, 4,2% yếu và chỉ 1,0% kém. Với 47,0% số điểm khá trở lên.
Đặc biệt với môn ngoại ngữ là tiếng Anh được coi là công cụ quan trọng để các em ra trường làm việc thì kết quả khảo sát học sinh TCCN năm thứ 2 tại các trường cho thấy có tới 46,8% số điểm kiểm tra dưới trung bình. Thực tế này cho thấy cần tăng cường hơn nữa việc dạy học môn Anh văn cho học sinh TCCN trên cả 3 miền. Cũng như vậy môn tin học cũng có ý nghĩa rất quan trọng khi làm việc cũng như tìm việc. Nhiều doanh nghiệp tuyển lao động một trong những yêu cầu tuyển dụng là khả năng tin học văn phòng. Nhưng kết quả kiểm tra môn tin học học sinh TCCN năm thứ 2 ngoài ngành CNTT trên cả 3 miền cơ sở nội dung môn này đã học trong năm thứ 1 được thể hiện trên hình sau (học sinh TCCN các trường ĐH ở miền Trung không kiểm tra môn này) thì kết quả còn thấp với tỷ lệ 0,1% xuất sắc, 2,8% giỏi, 9,6% khá, 17,8% trung bình khá, 36,2% trung bình, 19,3% yếu và 14,2% kém.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, bỏ qua những hạn chế khách quan do nguồn lực đầu tư, do cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, điều kiện dạy học còn nhiều hạn chế thì có một nguyên nhân chủ quan là do chính những giáo viên. Không ít người còn hạn chế về năng lực giảng dạy, sử dụng trang thiết bị dạy học, chưa có ý thức trong việc cập nhật tri thức mới. Khi giáo viên chưa chú trọng tự học, tự cập nhật kiến thức, lên lớp một cách máy móc và khô cứng chủ yếu dựa vào giáo trình thì chắc chắn ảnh hưởng đến chất lượng truyền đạt cho học sinh.
Hiện có nhiều ý kiến phân tích những hạn chế, những nhược điểm của GDTCCN, tựu chung các ý kiến đều cho rằng cần tăng cường cơ sở vật chất, có chế độ khuyến khích giáo viên giỏi; tăng lương cho giáo viên để có thể tập trung vào công tác giảng dạy; chuyên môn hoá đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, đội ngũ giáo viên giảng dạy thực hành. Tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong việc xây dựng mục tiêu, nội dung chương trình đào tạo, gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong vấn đề đào tạo. Cần có sự phối hợp giữa các doanh nghiệp với nhà trường trong đào tạo và sử dụng nhân lực. Đặc biệt chú trọng dự báo nhu cầu lao động của các ngành nghề, có chính sách cho các doanh nghiệp phải hợp tác với nhà trường trong vấn đề thiết kế chương trình đào tạo, thực hành, thực tập của học sinh. Đổi mới mục tiêu, chương trình đào tạo hệ TCCN để phù hợp với yêu cầu xã hội, giảm bớt giờ lý thuyết, tăng thời gian thực hành, bám sát thực tiễn và nhu cầu xã hội. Những ý kiến trên đều đúng cả nhưng nói gì thì nói, trong khi nguồn lực đầu tư còn hạn chế, có những giải pháp chủ quan thì cần những cơ quan hoạch định chính sách nhà nước, nhưng khách quan thì ngay tự bản thân các trường cũng tự khắc phục được.
Bà Đặng Anh Đào – Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Cao đẳng Công kỹ nghệ Đông Á – là một trường có uy tín lớn trong đào tạo TCCN, cho rằng: Một nhà trường sẽ không thành công khi những người mình đào tạo ra thất bại trên con đường mưu sinh lập nghiệp. Vì vậy, nhà trường luôn xác định việc dạy người và dạy nghề. Dạy nghề để đào tạo nguồn lao động có kỹ năng làm việc và được thị trường chấp nhận, dạy người để nguồn lao động có thể làm chủ được mình trên các thị trường lao động khác nhau. Để làm được điều đó nhà trường đã có những giải pháp: Về phát triển, xây dựng đội ngũ; Về đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy học; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học… Từ những giải pháp này, hàng năm học sinh Đông Á tốt nghiệp đã được xã hội đánh giá cao, qua các kỳ hội chợ việc làm cho học sinh sinh viên tại trường đã có nhiều doanh nghiệp đến tuyển dụng sinh viên ngay sau khi tốt nghiệp. Qua khảo sát của nhà trường: khoá 1 có 91,3%, khoá 2 có 72,2%, khoá 3 có 83,3%, khoá 4 có 87,3% học sinh sinh viên đã có việc làm.
Theo GD&TĐ
Bình luận (0)