Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Nâng cao chất lượng giáo dục: Vẫn là bài toán đổi mới quản lý nhà nước

Tạp Chí Giáo Dục

Hôm qua 31-8, trong gần 4 giờ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì cuộc đối thoại trực tuyến với chủ đề “Giáo dục – đào tạo Việt Nam trước thềm năm học mới”. Dù đã tận dụng từng phút, nhưng Phó Thủ tướng cũng chỉ trả lời được hơn 30 câu hỏi trong số 2.500 câu hỏi được người dân trong và ngoài nước gửi đến. Hàng loạt vấn đề bức xúc nhất của ngành GD-ĐT Việt Nam đã được đặt ra, trong đó vấn đề đội ngũ giáo viên, chất lượng GD được quan tâm nhất. 
Giáo viên: khó xin việc, chuyển nghề 
Những câu hỏi và thực tế mà bạn đọc đưa ra về vấn đề giáo viên (GV) đã tạo nên những giây phút trầm lắng trong buổi giao lưu. Có bạn đọc cho biết vợ mình là GV mầm non với mức lương chỉ 360.000 đồng/tháng; nhiều GV giảng dạy ở vùng khó khăn nhưng 10 năm chưa được trở về…
Nhưng đáng ngại nhất là tình trạng sinh viên (SV) sư phạm ra trường không xin được việc làm, hoặc nếu có xin được cũng “trầy trật”. Thực tế này được bạn đọc Bùi Thị Quỳnh cầu cứu: “Nhà cháu có hai anh em, anh tốt nghiệp ĐH Y Hà Nội, em tốt nghiệp khoa sinh ĐHSP Hà Nội. Bố mẹ làm nông nghiệp nuôi hai anh em đã vất vả lắm rồi, nhưng giờ xin vào đâu cũng phải mất một khoản tiền khá lớn. Bộ trưởng cho cháu một lời giải thích và chỉ cho chúng cháu một con đường”. 
Sinh viên đại học Sư phạm TPHCM trong ngày nhận bằng tốt nghiệp. Ảnh: MAI HẢI
Ông Trần Xuân Mậu, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, chia sẻ, hiện nay có địa phương đã “bão hòa” về GV. “Cục chúng tôi xin là cầu nối, nếu các bạn SV sư phạm tốt nghiệp gặp khó khăn về việc làm, gia đình khó khăn, có thể liên hệ với chúng tôi. Cục giới thiệu cho các bạn tới làm việc trực tiếp ở các địa phương có nhu cầu” – ông Mậu nói.
Từ thực tế này, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ ra, hiện tượng GV khó tìm được việc làm là do chưa có dự báo đầy đủ về nhu cầu GV các cấp. “Các trường sư phạm vẫn đào tạo theo khả năng, chưa theo nhu cầu của xã hội. Từ năm học này, ngành GD có chủ trương trong 3 năm tới, các sở GD-ĐT phải quy hoạch lại nhu cầu GV, tiến hành đào tạo theo đặt hàng cho các trường ĐH-CĐ” – Bộ trưởng cho biết.
Một con đường cũng đã được Bộ trưởng vạch ra, không chỉ đối với bạn đọc Bùi Thị Quỳnh mà cho nhiều SV sư phạm hiện nay, đó là nếu học sư phạm, song địa phương không cần, thì có thể học bổ túc chuyển đổi sang bằng 2 để linh động trong việc làm nghề. 
Trước ưu tư của bạn đọc Đỗ Huy về việc có cô em họ thủ khoa ĐHSP Hà Nội, nhưng xin việc chật vật, Bộ trưởng tái khẳng định, khi địa bàn thuận lợi đã có đủ GV rồi thì ta phải chấp nhận thủ khoa cũng phải tìm công việc ở một địa bàn khác. Ông cho rằng, đó cũng là bài học cho việc học xong ĐH mới bắt đầu đi tìm việc làm. Trong khi, rõ ràng là cần phải chủ động hơn trong việc tự tìm việc làm cho mình, ngay khi ngồi trên giảng đường.
“Bộ GD-ĐT đã làm việc với Bộ LĐ-TB và XH để hướng đến giải pháp là những người học ĐH ngay khi học xong một nửa thời gian đào tạo, phải xúc tiến khả năng tìm, chọn được việc làm thích hợp”- Phó Thủ tướng gợi mở. 
Đáng báo động hiện nay, theo bạn đọc Vương Thanh Tú, tình trạng đội ngũ giảng viên trẻ, năng lực chuyên môn tốt ở các trường ĐH-CĐ đang có xu hướng chuyển sang các ngành nghề, lĩnh vực khác có thu nhập cao hơn, môi trường làm việc tốt hơn.
Phó Thủ tướng thẳng thắn, nếu chọn nghề giáo thì phải có niềm đam mê, yêu thích nghề giáo trước đã, chứ chưa hẳn đã là vấn đề thu nhập. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng thừa nhận, chính sách nhà nước cần tạo đủ sự hấp dẫn để nhiều người yêu thích nghề giáo.
“Hiện nay, chương trình đào tạo tiến sĩ trong nước và nước ngoài, đặc biệt đào tạo nước ngoài với kinh phí hoàn toàn do Nhà nước hỗ trợ chính là để phát triển năng lực nghề nghiệp của nghề giáo” – Bộ trưởng nói. Dĩ nhiên, bên cạnh đó là việc nhà nước quan tâm điều chỉnh chính sách đối với nhà giáo, ngoài lương có phụ cấp thâm niên nhà giáo; khuyến khích giảng viên nghiên cứu khoa học để tăng thu nhập, đặc biệt là sự tôn vinh của xã hội đối với thầy cô. 
Th.S Huỳnh Khánh Duy (giữa), giảng viên Trường ĐH Bách khoa TPHCM, hướng dẫn sinh viên thực hành thí nghiệm hóa hữu cơ. Ảnh: MAI HẢI
Chất lượng: Giải quyết khâu nào? 
Xuyên suốt buổi đối thoại, vấn đề chất lượng GD luôn nóng nhất khi có nhiều câu hỏi tập trung nhất. Thầy Nguyễn Văn Nam, giảng viên Học viện Kỹ thuật quân sự, mở đầu bằng câu hỏi: “Với mục tiêu nâng cao chất lượng GD-ĐT, theo Bộ trưởng, chúng ta cần giải quyết khâu nào là then chốt mang tính chất quyết định để nhanh chóng đạt được kết quả tốt nhất”.
 Thực hiện “3 công khai”
 Từ năm 2009, ngành GD thực hiện “3 công khai” tại tất cả bậc học: Mỗi cơ sở GD phải công khai cam kết chất lượng của mình. Học sinh ở từng bậc học ra trường có những kỹ năng, kiến thức, hành vi gì, làm được gì, phát triển tiếp như thế nào. Đánh giá chất lượng thực tế có một chỉ tiêu: Các trường ĐH, CĐ phải công bố sinh viên của mình sau 1 năm tốt nghiệp có bao nhiêu phần trăm có việc làm, bao nhiêu phần trăm làm đúng nghề. 
Trả lời câu hỏi này, Phó Bộ trưởng cho biết, hoạt động GD đòi hỏi nhiều yếu tố nhưng quan trọng nhất là sự quản lý của nhà nước đối với chất lượng GD. Từ 1975 đến 2004, công tác quản lý chất lượng nói chung tuy được quan tâm nhưng chủ yếu lồng ghép vào các hoạt động của các vụ thuộc bộ. Đến năm 2004 trở đi, chúng ta có Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng và từ 2008 đến nay, 63 tỉnh, thành đã có phòng khảo thí và đánh giá chất lượng. Đó là một bước chuyển biến trong quản lý chất lượng, đó là coi quản lý chất lượng là nhiệm vụ hàng đầu của nhà nước trong quản lý GD.
Tuy nhiên, chính sự hạn chế, yếu kém trong quản lý là khâu tắc nghẽn nặng nề nhất trong việc nâng cao chất lượng GD. Vì thế, nếu nói khâu đột phá để nâng cao chất lượng GD thì đó chính là đổi mới quản lý nhà nước đối với hệ thống GD-ĐT. Khâu đổi mới này trước tiên liên quan đến việc phải có quy hoạch và chiến lược GD. Gần đây, chúng ta đã có quy hoạch phát triển GD ĐH 2005-2020 được Thủ tướng phê duyệt. Còn chung toàn ngành, chúng ta có Chiến lược GD 2000-2010.
Song song với việc đó, cần xây dựng hệ thống các quy chế quản lý GD: Mở trường như thế nào? Quy chế hoạt động của các loại trường? Nhiệm vụ, trách nhiệm của GV? Nhiệm vụ của hiệu trưởng?… Tóm lại, đổi mới quản lý chính là khâu đột phá, trong đó bên cạnh giải pháp lâu dài, cần chọn giải pháp trước mắt cho từng thời kỳ 
AN – THẢO – HÙNG (SSGP)
Giảng viên Lê Tiến Công, Trường ĐH Phan Châu Trinh: Một ngày làm việc của Bộ trưởng thường bắt đầu như thế nào và kết thúc ra sao? Điều gì làm bộ trưởng băn khoăn và lo lắng nhất hiện nay về nền GD nước nhà? 
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân: Khi mới làm Bộ trưởng, chủ yếu là học việc, lúc đó tôi chỉ ngủ 4 tiếng mỗi ngày, giờ thì có thể ngủ được 5 tiếng. Thường tôi thức dậy lúc 4 giờ 30 sáng, làm việc đến hơn 6 giờ. Sau đó chơi bóng bàn đến 7 giờ rồi ăn sáng, 7 giờ 30 đi làm. Tôi làm việc đến 5 giờ 30 chiều. Nếu có cuộc họp tại bộ thì khoảng 6 giờ 30 về nhà ăn tối, nghỉ ngơi và làm việc đến 11 giờ 30 đêm mới nghỉ.
Buổi tối, tôi thường xem truyền hình bằng tiếng Anh và tiếng Đức để nắm tình hình thế giới, như một nhu cầu. Cuối tuần, nếu vợ tôi từ miền Nam ra thì sẽ đi đâu đó, thăm anh em, bạn bè hoặc đi xa để thay đổi không khí. Hơn 1 năm đầu ở bộ, anh em kêu làm việc ngoài giờ nhiều quá. Giờ thì công việc đã ổn và có đội ngũ thứ trưởng, vụ trưởng mạnh nên tôi không còn phải làm việc ngoài giờ nhiều nữa.
Điều trăn trở của tôi lúc này là yêu cầu hội nhập quốc tế rất quyết liệt, nếu ngành GD không có phương pháp vừa đột phá, vừa phát triển theo chiến lược đồng bộ thì chúng ta có thể làm lỡ cơ hội phát triển của đất nước. Nguồn nhân lực là tài nguyên quý báu quốc gia. Lợi thế nhân lực là một lợi thế to lớn của Việt Nam trong thời kỳ tăng tốc và hội nhập hiện nay.
 
 

Bình luận (0)