Sự kiện giáo dụcTin tức

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại TP.HCM: Triển khai chậm, chưa có tính đột phá

Tạp Chí Giáo Dục

Hiện nay các trường ĐH-CĐ chưa chú trọng đào tạo kỹ năng làm việc cho sinh viên

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần IX (nhiệm kỳ 2011-2015) đã đưa ra 6 chương trình đột phá. Trong đó, nổi bật là chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (NCCLNNL). Theo đó, sáng 30-3, UBND TP đã tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện chương trình NCCLNNL…
Theo báo cáo, sau 1 năm triển khai chương trình, TP đã thu được một số kết quả. Đơn cử như xây dựng và phát triển ĐH Quốc gia TP.HCM thành một trung tâm đào tạo, nghiên cứu chất lượng cao. Hiện ĐH Quốc gia TP đã tiến hành triển khai 2 nhóm chiến lược: Chiến lược nâng cao hiệu quả quản trị ĐH và chiến lược đào tạo đạt chuẩn quốc tế. Trường ĐH Sài Gòn, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Trường Cán bộ TP được chủ động xây dựng kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ giảng viên; củng cố, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đáp ứng nhu cầu học tập của cán bộ, công chức TP. Ngành GD-ĐT tiếp tục triển khai xây dựng trường học; tham mưu UBND TP xác định quỹ đất để mở rộng các trường trung cấp, cao đẳng. Triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo 500 thạc sĩ, tiến sĩ giai đoạn 2011-2015, trong năm qua, ngành GD-ĐT đã cử 28 cán bộ, giáo viên tham gia chương trình này. Song song đó là việc phát triển mạng lưới các trường nghề để tăng quy mô đào tạo, đáp ứng nhu cầu của người học…
Mặc dù các trường ĐH, trường nghề đã có nhiều nỗ lực trong công tác đào tạo. Tuy nhiên, tại hội nghị, nhiều đại biểu tỏ ra băn khoăn về chất lượng đầu ra của các trường hiện nay. Đại diện Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch TP cho rằng: “Hiện nay các trường ĐH, CĐ chưa chú trọng đào tạo kỹ năng làm việc cho sinh viên. Do vậy, khi đi làm đều phải đào tạo lại. Em nào giỏi thì 2 năm mới làm được việc, còn trung bình là 5 năm. Như vậy là rất tốn kém”.
Ông Nguyễn Thành Tài – nguyên Phó chủ tịch UBND TP cũng có ý kiến: “Phải tập trung cho đào tạo phổ thông, các em không chỉ được cung cấp tri thức mà cần cả kỹ năng. Chất lượng đào tạo phổ thông phát triển là điều kiện tốt để đảm bảo chất lượng giáo dục ĐH…”.
Không chỉ có vậy, dù Chương trình NCCLNNL là chương trình đột phá nhưng “qua kế hoạch của các sở, ngành và quận, huyện chưa thấy được tính đột phá”, ông Hứa Ngọc Thuận – Phó chủ tịch UBND TP khẳng định.
Bằng chứng là nhiều sở, ngành, quận, huyện chưa xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình. Còn những đơn vị đã có kế hoạch thì chưa hoàn chỉnh, hoặc sơ sài.
“Ngành GD-ĐT phải đưa ra mục tiêu cụ thể, chẳng hạn như đến năm 2015 phải có 10 nhân tài toán học. Ngành thể thao cũng phải xác định có bao nhiêu vận động viên đỉnh cao. Việc đào tạo nhân tài không nhất thiết là phải đưa ra nước ngoài mà có thể mời những người tài của đất nước như kiện tướng cờ vua Lê Quang Liêm, vận động viên cầu lông Nguyễn Tiến Minh… dạy và trả thù lao cao như với thầy ngoại”, ông Thuận nêu ý kiến.
Cũng theo ông Thuận thì sự thành bại của chương trình NCCLNNL ảnh hưởng rất lớn đến 5 chương trình đột phá còn lại mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần IX đưa ra. Nhưng sau 1 năm triển khai cho thấy tiến độ thực hiện vẫn còn chậm. Theo đó: “Các sở, ngành và quận, huyện cần đánh giá lại cho đúng thực trạng nguồn nhân lực của mình. Dựa vào thực tế, nhu cầu của đơn vị, địa phương để xây dựng kế hoạch thực hiện. Từ ngày 1 đến 20-4, UBND TP sẽ đi kiểm tra, thông qua kế hoạch của các sở, ngành (trong đó có Sở GD-ĐT TP – PV). Riêng 24 quận, huyện, đến ngày 20-4 phải gửi kế hoạch thực hiện về UBND TP”, ông Thuận chỉ đạo.
Bài, ảnh: Hòa Triều

Bình luận (0)