Chiều ngày 13-9-2024, tại TP.Cần Thơ, Cục Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chủ trì phối hợp các đơn vị có liên quan tổ chức hội thảo “Quy định về an toàn thực phẩm (ATTP) trong nuôi trồng thủy sản (NTTS)”.
Hội thảo nhằm hướng dẫn, chia sẻ về thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm trong NTTS của Việt Nam và một số quốc gia nhập khẩu chính, góp phần đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, phát triển ngành hàng thủy sản năm 2024 và các năm tiếp theo. Hơn 80 đại biểu gồm lãnh đạo Chi cục Thủy sản và các doanh nghiệp (DN) thuộc lĩnh vực thủy sản tại TP.Hồ Chí Minh và ĐBSCL đã dự.
Tại hội thảo, các đại biểu được chuyên viên Cục Thủy sản thuộc Bộ NN&PTNT và các đơn vị có liên quan cập nhật, phổ biến các quy định về bảo đảm ATTP trong NTTS của Việt Nam; trong đó nổi bật là những điều kiện đảm bảo ATTP trong NTTS quy định tại Thông tư 38, Thông tư 17 được ban hành năm 2018 và Thông tư 32 năm 2022 của Bộ NN&PTNT. Thông tin về tình hình xuất khẩu thủy sản, các quy định và yêu cầu mới tại một số thị trường xuất khẩu chủ lực của nước ta (như: Hoa Kỳ, EU…). Thông báo về kết quả công tác quản lý ATTP trong chuỗi sản xuất cá tra và các loại thủy sản nói chung, cũng như kế hoạch và nội dung thanh tra của Ðoàn thanh tra EU đối với các cơ sở NTTS, theo đó đoàn sẽ tập trung vào chương trình giám sát, kiểm soát dư lượng thuốc của sản phẩm thủy sản xuất khẩu vào EU theo quy định của EU…
Chuyên viên Cục Thủy sản cũng lưu ý Chi cục thủy sản các địa phương ngoài việc chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tài liệu có liên quan đến chương trình dư lượng đã triển khai trong giai đoạn 2021-2024 trên địa bàn địa phương, cần quan tâm quản lý chặt các cơ sở NTTS trong thực hiện Mã số vùng trồng; và việc chấp hành ATTP trong sản xuất, chế biến. Lập danh mục những DN bị cảnh báo ở thị trường nước ngoài để phân loại và tăng tần suất kiểm tra đối với đơn vị vi phạm nhiều lần.
Tham dự hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, để đảm bảo ATTP trong NTTS, các cơ quan chức năng cần tập trung hỗ trợ, hướng dẫn các hộ dân và cơ sở nuôi trồng thủy sản có quy mô nhỏ khắc phục các hạn chế và tăng cường liên kết theo chuỗi. Ðặc biệt, cần thực hiện tốt việc ghi chép nhật ký và xây dựng các hồ sơ để đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu. Riêng các DN và cơ sở nuôi quy mô lớn, hiện đã quan tâm thực hiện khá tốt các quy định nhưng tới đây các đơn vị, cơ sở này vẫn cần tiếp tục tăng cường phối hợp các bên có liên quan để đảm bảo chất lượng các yếu tố đầu vào (như con giống, thức ăn…) nhằm đảm bảo chất lượng, ATTP cho sản phẩm thủy sản ở lĩnh vực nuôi…
Đan Phượng
Bình luận (0)