HS-SV tham gia cải tạo các dòng kênh.. Ảnh: Bưởi Phan
|
Thời gian qua có quá nhiều sự việc, hiện tượng tiêu cực, tội ác, khiến cho nhiều người cảm thấy băn khoăn và tự hỏi, liệu có phải đạo đức xã hội đang xuống cấp?
Có nhiều “tội ác cụ thể” vì có thể gây ra hậu quả tức thì, được thấy ngay; bên cạnh đó còn có những “tội ác trừu tượng”, người vi phạm không biết mình đang vi phạm, hậu quả thì khó thấy ngay và có thể xuất hiện dưới nhiều hình trạng. Chẳng hạn như không chú ý đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, buôn bán những thứ đồ chơi kích động bạo lực, kích động hành vi giới tính không lành mạnh, gây ô nhiễm môi trường, vi phạm luật đi đường… “Tội ác trừu tượng” còn ở mức độ cao hơn với những biểu hiện vô cảm, sai trái trong quản lý Nhà nước, ứng xử với người dân…
Trên thực tế, có những tội ác bị xã hội lên án ngay và rất quyết liệt, nhất là với “tội ác cụ thể”; còn một số “tội ác trừu tượng” do không gây ra hậu quả tức thì nên bị phản ứng. Chẳng hạn, hành vi ứng xử thô bạo với môi trường tự nhiên (phá rừng, can thiệp dòng chảy của sông suối, thải chất độc hại vào môi trường…) thì gần đây mới bị lên án. Tức là có những cái ác lúc đầu không bị nhìn nhận nó ác, nó xấu. Trong quá trình đó, nó đã gây ra những hậu quả không nhỏ cho môi trường tự nhiên, môi trường xã hội rồi. Vậy liệu còn những cái xấu, cái ác nào mà ta chưa nhìn nhận ra là nó xấu, nó ác để cùng lên tiếng đấu tranh, phê phán và loại trừ nó?
Nhìn sâu xa, dường như trong xã hội đang có hiện tượng nhiều người chỉ quan tâm đến cái lợi ích cụ thể và ngay trước mắt của bản thân mà không chú ý đến tác hại, hậu quả về sau, cho cả bản thân mình và người khác. Vì vậy, người ta sẵn sàng tấn công, chống trả người khác khi lợi ích của họ bị xâm phạm, dù lợi ích đó hoàn toàn không chính đáng. Khi những hiện tượng đó không còn cá biệt nữa, chính nó đặt ra vấn đề đạo đức bị xuống cấp. Và khi đạo đức xuống cấp, nó lây lan, tác động đến toàn bộ các thành viên, các yếu tố, các cấu trúc của xã hội. Trong đó, nó tác động đến nhà trường, đến giáo viên, học sinh, sinh viên và quan hệ của những người này với nhau. Từ đó, lực lượng này lại quay trở lại tác động sâu sắc hơn với hiện trạng đạo đức xã hội.
Giải quyết tận gốc vấn đề này, có lẽ phải đi từ giáo dục.
Thứ nhất, giáo dục phải tạo ra những thế hệ có trình độ học vấn, nhận thức cao đồng thời có bản lĩnh văn hóa vững vàng, có khả năng “tự đề kháng”, miễn nhiễm với những biểu hiện tiêu cực. Giáo dục cần chú trọng dạy “lễ”, dạy “đức” nhiều hơn dạy kiến thức. Câu nói của Bác Hồ: “Vì lợi ích mười năm trồng cây/ Vì lợi ích trăm năm trồng người” có ý nghĩa hết sức sâu sắc – “trồng người” thì phải bón phân, tưới nước, bắt sâu, tỉa cành, chứ không thể chỉ đặt xuống đất rồi chờ cây tự lớn… Thứ hai, bản thân môi trường giáo dục phải trung thực, trong sạch và từ đó góp phần tạo ra những thế hệ biết nói không và đấu tranh với cái gian dối. Trong sạch phải từ lúc tuyển sinh viên vào ngành sư phạm, đào tạo họ một cách nghiêm túc để trở thành những giáo viên đủ đức, đủ tài. Trong công tác quản lý, cần lành mạnh hóa môi trường giáo dục, phải loại trừ việc “chạy chức”, “chạy quyền”… trong giáo dục; phải chấm dứt chạy theo thành tích ảo; phải thực hiện nghiêm túc từ trên xuống dưới. Thứ ba, phải chú ý chọn lựa những người trong ngành giáo dục xứng đáng để đủ sức làm gương, thuyết phục người học, từ đó tác động đến nhiều người khác. Tức là, cần mạnh dạn loại những người không đủ đức, đủ tài ra khỏi môi trường giáo dục, bắt đầu từ những cán bộ quản lý cho đến những người trực tiếp đứng lớp. Không thể có những người-đạo-đức-giả mà đi rao giảng đạo đức cho người khác. Thứ tư, có cơ chế đãi ngộ xứng đáng để người công tác trong ngành giáo dục yên tâm, tận tâm làm việc, cống hiến và giữ gìn sự trong sáng của mình, thay vì phải bươn chải, vì miếng cơm manh áo mà phải làm ngơ trước những hiện tượng phi đạo đức.
Chúng ta có thể chấp nhận trong buổi đầu của kinh tế thị trường, một số hiện tượng đạo đức xã hội còn chưa lành mạnh. Nhưng chính vì vậy cần quyết liệt loại trừ nó, mà bền vững, căn cơ hơn cả không gì bằng từ giáo dục.
Trúc Giang (Q.3, TP.HCM)
Người ta sẵn sàng tấn công, chống trả người khác khi lợi ích của họ bị xâm phạm, dù lợi ích đó hoàn toàn không chính đáng. |
Bình luận (0)