Việc nâng cao đời sống văn hóa, sức khỏe tinh thần cho người lao động tạo khí thế hăng say trong công việc. Đồng thời khơi dậy ý chí phấn đấu vươn lên, phát huy giá trị văn hóa, làm cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
Tổ chức nhiều hoạt động
Những năm qua, phong trào văn nghệ, thể thao của người lao động tại các công ty, doanh nghiệp phát triển mạnh. Ông Nguyễn Văn Trung – Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty JaBil Việt Nam cho biết, thể dục thể thao là “chìa khóa vàng” cho sức khỏe thể chất, tinh thần được công ty duy trì và phát triển. Theo đó, công ty thường xuyên tổ chức các chương trình, giải đấu thể thao làm cơ sở nâng cao sức khỏe cho người lao động. Có thể kể đến như Giải chạy Run Well, Raise Well, Bóng đá nam – nữ, cầu lông, bóng bàn câu lạc bộ thể thao có yoga, nhảy… cho công nhân, lao động. Hằng năm, công ty còn phối hợp tổ chức Giải chạy gây quỹ từ thiện, Giải chạy vì trái tim cùng nhiều hoạt động, trò chơi vận động, thể thao, văn hóa, văn nghệ. “Thông qua các hoạt động đó, sức khỏe tinh thần của người lao động được nâng lên, sự gắn kết giữa các nhân viên, người lao động được cải thiện. Người lao động cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc, giảm căng thẳng, tăng cường khả năng sáng tạo trong công việc và làm việc nhóm”, ông Trung cho biết.
Bà Kiều Ngọc Hoa – Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Điện tử SamSung khẳng định, văn hóa và thể thao không thể thiếu trong đời sống tinh thần của con người. Việc chăm lo đời sống văn hóa và thể thao cho người lao động không chỉ cải thiện tinh thần làm việc mà còn tăng năng suất lao động, xây dựng môi trường làm việc lành mạnh, đoàn kết. Phát huy tinh thần văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, SamSung đã đầu tư sân bóng đá cỏ nhân tạo chuẩn quốc tế để đoàn viên, người lao động rèn luyện thể thao sau giờ làm việc và cũng là nơi tổ chức các chương trình nghệ thuật của công ty. Trong đó, Hội thao SEHS Olympic tạo sân chơi nâng cao sức khỏe, kết nối và nâng cao tinh thần cho người lao động. Hội thi đã trở thành giải đấu chuyên nghiệp với nhiều bộ môn như: Bóng đá, cầu lông, thể thao điện tử, cờ vua, billiard… đã quy tụ hơn 1.000 thí sinh là người lao động trong công ty tham gia với tổng kinh phí tổ chức hơn 200 triệu đồng. Để huy động nguồn lực và xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao như trên công ty luôn tạo điều kiện cho người lao động tham gia tích cực. “Chúng tôi sẽ triển khai khen thưởng, tôn vinh những cá nhân, tập thể xuất sắc trong các hoạt động văn hóa, thể thao tạo động lực cho người lao động tham gia nhiều hơn. Đặc biệt, công ty còn tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, các chương trình “Giờ thứ 9” để người lao động tham gia bên ngoài công ty, mang đến những cơ hội trải nghiệm mới mẻ cũng như cơ hội giao lưu với người lao động công ty khác”, bà Hoa cho biết.
“Điểm hẹn” phát huy năng khiếu
Ông Phạm Hữu Phước Huy – Phó Giám đốc Cung Văn hóa Lao động TP.HCM, cho biết trước nhu cầu ngày càng đa dạng của người lao động, Cung Văn hóa Lao động TP.HCM luôn nỗ lực để có nhiều chương trình nâng cao đời sống tinh thần cho người lao động. Những hoạt động này sẽ góp phần làm đời sống của người lao động thêm phong phú, công việc đạt hiệu quả cao”. |
Cùng với công ty, doanh nghiệp, vai trò của các nhà văn hóa cũng không kém phần quan trọng. Đây là nơi để người lao động tìm đến học năng khiếu, trau dồi kỹ năng về văn nghệ, thể dục thể thao. Ông La Thanh Tuấn – phụ trách Nhà Văn hóa lao động Khu Công nghệ cao TP.HCM cho hay, trong giai đoạn 2016-2024, Nhà Văn hóa lao động Khu Công nghệ cao TP.HCM tổ chức 24 chương trình thi văn nghệ, hội thao nhằm tạo sân chơi lành mạnh, tạo điều kiện để người lao động trong công ty thể hiện tài năng, năng khiếu giao lưu với nhau. Nhà văn hóa cũng thường xuyên chiêu sinh và duy trì 15 lớp học bộ môn yoga và nhảy hiện đại, số lượng bình quân 15 học viên/ lớp. Các lớp học năng khiếu với đa dạng các môn học cho người lao động với những chính sách ưu đãi về học phí, có hỗ trợ chuẩn đầu ra như lớp thanh nhạc, diễn viên, được tặng kèm quay miễn phí 1 clip/ học viên với môn TikTok Dance phù hợp với xu hướng nghệ thuật của các bạn trẻ hiện nay. Bên cạnh đó nhà văn hóa cũng duy trì 2 bàn bóng bàn, sân bóng đá mini cỏ nhân tạo để phục vụ các hoạt động thể dục, thể thao cho công nhân, người lao động đến tham gia tập luyện, cũng như rèn luyện thể dục, thể thao sau giờ tan ca lao động sản xuất. Tổ chức trao các giải chạy cho đoàn viên, người lao động, thu hút hơn 6.200 đoàn viên, người lao động tham gia. Ngoài ra, tại Nhà Văn hóa lao động Khu Công nghệ cao TP.HCM còn nhiều mô hình phục vụ người lao động như: Hội thi karaoke; Hội thi văn nghệ 8-3; điểm hẹn để các câu lạc bộ, nhóm nhảy của các công ty tham gia tập luyện miễn phí phục vụ phong trào văn hóa, văn nghệ của công ty, doanh nghiệp. “Chúng tôi tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao phù hợp với nhu cầu của từng công ty. Hình thức tổ chức mới, hấp dẫn thu hút người lao động tham gia. Ngoài ra, chúng tôi cũng định hướng nội dung sinh hoạt của các câu lạc bộ, đội, nhóm tạo mọi điều kiện cho người lao động tham gia tập luyện. Quan tâm tổ chức cho các câu lạc bộ, nhóm sinh hoạt theo chuyên đề mỗi tháng 1 lần đối với môn yoga, nhảy, khiêu vũ”, ông Tuấn chia sẻ.
Tại Cung Văn hóa Lao động TP.HCM, hằng năm đều tổ chức chương trình nghệ thuật “Vòng tay yêu thương”; Lễ hội áo dài và nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao cho người lao động. Hàng năm tại đây còn tổ chức chương trình như: Giờ thứ 9, hát cùng công nhân, họp mặt gia đình công nhân… thu hút gần 50.000 công nhân tham dự.
Thúy Kiều
Bình luận (0)