Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm dệt may

Tạp Chí Giáo Dục

Dù kim ngạch xuất khẩu (XK) của ngành dệt may đã có bước tăng trưởng khá mạnh trong thời gian qua và luôn trong top đầu XK của cả nước, song trên thực tế, chuỗi cung ứng của ngành vẫn quá yếu và đang tồn tại nhiều bất cập.
Các chuyên gia cho rằng, chuỗi cung ứng chừng nào chưa được đẩy mạnh thì giá trị gia tăng của sản phẩm dệt may Việt Nam chưa thể được nâng lên…
Mất cân đối trầm trọng
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), dù dệt may có kim ngạch XK luôn dẫn đầu trong các ngành hàng của Việt Nam (gần 18 tỷ USD năm 2013 và có thể vượt 20 tỷ USD trong năm nay), nhưng con số này mới chiếm chưa đầy 4% giá trị kim ngạch XK dệt may thế giới. "Tình trạng này chủ yếu là do các doanh nghiệp (DN) chỉ mải mê XK, chưa quan tâm thỏa đáng tới thị trường trong nước. Ngoài ra, nguồn nhân lực vừa thiếu vừa yếu, nhất là đội ngũ kỹ thuật, thiết kế, quản lý… Để giải bài toán này, vấn đề cấp bách hiện nay là nhanh chóng xây dựng chuỗi cung ứng trong ngành dệt may Việt Nam" – Phó Chủ tịch Vitas Đặng Phương Dung khẳng định.

Hoàn thành sản phẩm xuất khẩu tại một phân xưởng của Công ty CP May 10.

Đáng chú ý, chuỗi cung ứng ngành dệt may đang có sự mất cân đối nghiêm trọng trong cấu trúc ngành, bất cập về phương thức sản xuất trên mọi cấp độ. Cụ thể, về thượng nguồn, trong khi nhu cầu ngành dệt may cần khoảng 400.000 tấn bông, nhưng trong nước mới chỉ đáp ứng được hơn 3.000 tấn; xơ nhân tạo cần khoảng 400.000 tấn, song trong nước cũng mới đáp ứng được khoảng 30%… Về trung nguồn, chủng loại, chất lượng vải trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng và luôn thay đổi theo yêu cầu của thị trường hàng may mặc XK. Hơn nữa, từ giá cả đến số lượng, tiến độ sản xuất đều không theo kịp yêu cầu may XK, với toàn bộ máy móc, phụ tùng, hóa chất, thuốc nhuộm dùng cho dệt, kéo sợi đều phải nhập khẩu (NK). Về hạ nguồn, trong khi ngành may cần khoảng 6 tỷ mét vải/năm thì thực tế là các DN phải NK trên 5 tỷ mét, phụ liệu may cũng phải nhập khoảng 70%…
Tham gia chuỗi cung ứng dệt may ASEAN
Vitas đang tích cực triển khai nhiều giải pháp phát triển chuỗi cung ứng, trong đó chú trọng mở rộng xây dựng và kiện toàn hệ thống phân phối, xây dựng thương hiệu, tăng tính hợp tác giữa các DN, tích cực mở rộng thị trường. Bên cạnh đó, Vitas cũng đang phát triển một số thương hiệu sang các thị trường lân cận như Lào, Campuchia, Trung Quốc…, song song với đẩy mạnh phương thức sản xuất chuỗi liên kết ngang, từng bước nâng cấp từ gia công lên FOB (mua nguyên liệu – bán thành phẩm), ODM (tự thiết kế và sản xuất)… Đặc biệt, việc tham gia vào chuỗi cung ứng dệt may ASEAN (SAFSA) cũng được coi là giải pháp hữu hiệu cho dệt may Việt Nam. Thực tế, dệt may thế giới hiện đã hình thành nhiều chuỗi cung ứng và phát huy hiệu quả rõ rệt.
Theo ông Chris Koh – thành viên Hội đồng Tư vấn của SAFSA, chuỗi SAFSA được hình thành trên cơ sở liên kết các DN dệt và DN may của khu vực để nâng cao chất lượng, uy tín sản phẩm khi gia nhập thị trường dệt may hiện đại thế giới. Tham gia chuỗi cung ứng này, cả nhà sản xuất và khách hàng đều có lợi. Trong đó, lợi ích đầu tiên là DN dệt may Việt Nam sẽ không phải quá lo lắng tìm nguồn nguyên liệu, bởi đã có hẳn một khâu trong mắt xích chuyên cung cấp nguyên liệu theo nhu cầu. Điều này rất có ý nghĩa khi DN dệt may Việt Nam đang phải NK quá nửa nguyên liệu.
Bên cạnh đó, tham gia SAFSA, DN dệt may Việt Nam có cơ hội trở thành nhà cung cấp sản phẩm dệt may trọn gói, tăng cường được khả năng cạnh tranh ở những thị trường lớn như EU, Mỹ. Bởi, khi đã có sự hậu thuẫn của chuỗi cung ứng, các DN dệt may Việt Nam hoàn toàn có khả năng phát triển những sản phẩm mang thương hiệu riêng, trong khi SAFSA đang có sẵn 10 chuỗi cung ứng ở Mỹ và EU. "Tất cả những điều đó sẽ góp phần tăng dần giá trị thặng dư cho sản phẩm dệt may Việt Nam. Khả năng cạnh tranh của những DN tham gia SAFSA sẽ cao hơn rất nhiều so với những DN "đơn thương độc mã" trên thị trường thế giới rộng lớn" – ông Chris Koh nhấn mạnh.

Có một vấn đề khiến DN băn khoăn là chi phí để tham gia SAFSA khá lớn, khoảng 6.000 USD/năm (phí hội viên), cộng thêm những khoản phí khác như đánh giá chất lượng sản phẩm, quy tắc ứng xử… Dù vậy, những lợi ích mà DN thu về là không hề nhỏ. Do đó, DN nên có sự cân nhắc sao cho hài hòa giữa các lợi ích và chi phí bỏ ra.

Bà Nguyễn Thanh Huyền – Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP May 10

Linh Chi (KTĐT)

Bình luận (0)