Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Nâng cao hiệu quả dạy và học ngoại ngữ

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Ðề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 – 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 30-9-2008 với mục tiêu: "Ðổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân…; biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người Việt Nam, phục vụ sự nghiệp CNH, HÐH đất nước".
Ðây là một đề án lớn, áp dụng chuẩn đánh giá kết quả đầu vào cho giáo viên và học sinh, sinh viên theo Khung chuẩn năng lực ngoại ngữ châu Âu. Ðề án kéo dài trong 10 năm, liên quan nhiều địa phương, bộ, ngành cũng như gần 80 nghìn giáo viên và hơn 200 triệu học sinh, sinh viên.
 Tuy nhiên, kết quả rà soát trình độ, năng lực giáo viên dạy ngoại ngữ bậc phổ thông mới đây cho thấy, tỷ lệ đạt chuẩn còn thấp, chưa theo kịp yêu cầu đề ra; thiếu cả về số lượng lẫn  năng  lực chuyên môn. Nhiều địa phương, đội ngũ giáo viên ngoại ngữ đủ về số lượng, nhưng chủ yếu được đào tạo từ nhiều nguồn khác nhau, do đó, còn yếu cả về phương pháp giảng dạy lẫn ý thức tự bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Ngoài ra, đội ngũ giáo viên dạy ngoại ngữ cũng chưa có nhiều cơ hội được tham gia các lớp bồi dưỡng do các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm giảng dạy, ít được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm. Ở nhiều nơi, đội ngũ giáo viên ngoại ngữ chỉ là giáo viên hợp đồng ngắn hạn có mức lương thấp, bấp bênh, cho nên không yên tâm giảng dạy. Mặt khác, các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết cho việc dạy và học ngoại ngữ ở phần lớn nhà trường như đài, băng, đĩa CD, các thiết bị nghe nhìn khác chưa đủ hoặc cũ, hỏng, không bảo đảm chất lượng, nhưng chưa được mua sắm, bổ sung kịp thời. Ðáng chú ý nhiều trường thiếu phòng học ngoại ngữ riêng.
Ðể nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) cần sớm ban hành chương trình ngoại ngữ mới cấp THCS, THPT cũng như ban hành các văn bản chuẩn nghề nghiệp giáo viên ngoại ngữ, tiêu chuẩn về thiết bị phòng học bộ môn ngoại ngữ. Xây dựng có hiệu quả các nguồn tư liệu mở, giúp giáo viên tự bồi dưỡng, đáp ứng các yêu cầu về năng lực chuyên môn. Ðổi mới công tác thi, kiểm tra, đánh giá môn ngoại ngữ cũng như xây dựng và hoàn thiện hệ thống ngân hàng câu hỏi thi và hệ thống chương trình, sách giáo khoa… Bên cạnh đó, Bộ GD và ÐT cần tăng cường giao nhiệm vụ cho các trường đại học, các khoa đào tạo và đào tạo lại giáo viên ngoại ngữ theo chương trình, chuẩn mới.
Theo chúng tôi, các tỉnh, thành phố cần rà soát hoàn chỉnh đề án dạy và học ngoại ngữ của địa phương mình một cách phù hợp; nhất là triển khai xây dựng thí điểm các mô hình dạy và học ngoại ngữ ở những nơi có thế mạnh. Các cơ sở giáo dục tuyên truyền để học sinh, sinh viên nhận thức được, học ngoại ngữ không chỉ đáp ứng yêu cầu thi cử mà còn giúp nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập và làm việc ở môi trường hội nhập đa ngôn ngữ, đa văn hóa; tạo lập nền tảng tiếp cận tri thức của nhân loại; nhất là những thành tựu về văn hóa, khoa học công nghệ tiên tiến… từ đó vận dụng sáng tạo vào đời sống, học tập cũng như công việc tương lai của chính mình.
Theo MẠNH XUÂN
(Nhandan)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)