Hồi cuối học kỳ I năm học 2021-2022, Trường THCS-THPT Trần Cao Vân (Q.Tân Phú, TP.HCM) đã “bắt trend” rất nhanh với bài rap “Mang tiền về cho mẹ” của Đen Vâu ở bài thi môn ngữ văn lớp 12, được nhiều học sinh hào hứng.
Theo tác giả, giáo viên đừng để các bài giảng có sự tách biệt với thực tiễn, trong đó giáo dục đạo đức lại càng cần gắn với cuộc sống hơn (ảnh minh họa). Ảnh: Anh Khôi
Đó có thể xem là một trong những cách ra đề khá mới, bám sát hơi thở cuộc sống, tạo sự gần gũi, hứng khởi cho học sinh. Đặc biệt, đề thi này đã gợi cho học sinh nhiều suy nghĩ mang tính nhân văn sâu sắc, như biết quan tâm đến người khác, biết yêu thương người thân, biết hy sinh… Những dạng đề mang tính gợi mở tương tự thực sự có tác động tích cực đến nhiều khía cạnh cho học sinh, như giúp các em học tốt hơn, có nhận thức tốt hơn với một số vấn đề trong xã hội, quan tâm nhiều hơn đến đời sống.
Nói về tinh thần nhân ái, nhân văn, một chuỗi các sự kiện, vấn đề, nội dung vừa diễn ra không xa, vốn có liên hệ với hầu hết mọi người hiện nay, có thể được ngành giáo dục chú ý khai thác, đưa vào giảng dạy, làm bài thi/kiểm tra, đồng thời khơi gợi, phát triển nhận thức cho học sinh. Đó chính là giáo dục lòng nhân ái, nhân văn, hay mở rộng hơn là giáo dục đạo đức cho học sinh, sau khi đất nước nói chung và TP.HCM nói riêng đã trải qua những tháng ngày chống dịch gian nan và toát lên vẻ đẹp lấp lánh của tình dân tộc, nghĩa đồng bào. Gần như suốt cả quãng thời gian của năm học 2021-2022, TP.HCM đã kiên cường chống dịch; bên cạnh nỗ lực quên mình của rất nhiều lực lượng thì lòng nhân ái, nhân văn đã tiếp thêm sức mạnh vật chất và tinh thần để thành phố dần vượt qua khó khăn. Ngày trước, những câu “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”, hay “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”, hoặc “Lá lành đùm lá rách”… có thể được học sinh cảm nhận qua tính biểu tượng, qua lời giảng, qua các chuyện kể…, thì nay, những điều đó được các em cảm nhận qua thực tế. Có lẽ nhiều em là nhân vật trong các câu chuyện đẹp về sự sẻ chia, tinh thần nhân ái, khi các em cùng gia đình được chăm lo nhu yếu phẩm trong những ngày giãn cách xã hội, có khi chính các em được các bác sĩ tận tình chăm sóc lúc bị nhiễm bệnh; các em hoặc anh chị các em được hỗ trợ thiết bị học tập trực tuyến hoặc được phụ đạo để theo kịp chương trình do những gián đoạn hoặc chưa thích nghi kịp trong thời gian học trực tuyến… Và có những em không may trở thành trẻ mồ côi bởi dịch bệnh đã được cộng đồng, địa phương quan tâm, giúp đỡ bằng nhiều cách thức để không chỉ các em tiếp tục việc học mà còn có thêm cơ hội phấn đấu tích cực hơn. Trong lúc chống dịch căng thẳng, trên các phương tiện truyền thông, những câu chuyện đẹp, những gương sáng, hình ảnh đậm tình người được lan tỏa rất nhanh và đã lay động rất nhiều trái tim. Đó hẳn là một thực tiễn sống động, quý giá để trở thành những bài học đạo đức cụ thể, thuyết phục, có giá trị để tác động mạnh mẽ đến nhận thức và tình cảm của học sinh. Nếu giáo viên, nhà trường khéo léo chọn lọc, sử dụng, khơi gợi thì hẳn các bài học đó sẽ thấm rất lâu và rất sâu trong lòng của học sinh. Bên cạnh lòng nhân ái, tinh thần trách nhiệm, sự hy sinh, ý chí quyết tâm, tính cộng đồng… đều là những đức tính quý, rất cần được học tập, rèn luyện, thực hành trong bối cảnh xã hội hiện nay.
Trong lúc chống dịch căng thẳng, trên các phương tiện truyền thông, những câu chuyện đẹp, những gương sáng, hình ảnh đậm tình người được lan tỏa rất nhanh và đã lay động rất nhiều trái tim. Đó hẳn là một thực tiễn sống động, quý giá để trở thành những bài học đạo đức cụ thể, thuyết phục, có giá trị để tác động mạnh mẽ đến nhận thức và tình cảm của học sinh. |
Bởi trong điều kiện xã hội mà vai trò cá nhân, tính cá nhân hóa được đề cao như thời gian qua, tinh thần xả thân, ý thức cộng đồng có thể ít nhiều bị tính vị kỷ, cục bộ che lấp. Hiện nay, yếu tố cá nhân hóa được thể hiện ở chỗ mỗi người có một thiết bị riêng, đáp ứng nhu cầu riêng và sự liên hệ trong công việc có phần ít đi, đồng thời xã hội luôn đặt ra vấn đề tôn trọng các quyền riêng tư của từng người. Từ đó hình thành nên một chuẩn mực mới, ít nhiều khác với trước. Do vậy, yếu tố cố kết, tính trách nhiệm cộng đồng cũng có thể giảm đi. Thì chính dịch bệnh đã khơi gợi lại tinh thần đó, thúc đẩy nhiều người thực hiện, lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng và ai đứng ngoài biểu hiện đó trở nên lạc lõng, xa lạ với mọi người. Do đó, trong các bài học, bài kiểm tra, bài thi của các môn ngữ văn, giáo dục công dân… ở bậc THCS và THPT; hoặc môn tiếng Việt, đạo đức, khoa học thường thức… ở bậc tiểu học, giáo viên nên lựa chọn những bài viết, những câu chuyện, video clip phù hợp, từ đó tác động dần đến suy nghĩ, nhận thức, hành vi của học sinh. Chẳng hạn, hình ảnh các chiến sĩ lực lượng vũ trang dãi nắng dầm mưa đi chợ hộ, mang vác các túi an sinh đến tận nhà người dân có thể là bài học về sự tận tụy của đội ngũ cán bộ công chức đối với người dân, đồng thời phản ánh tình quân dân gắn kết… Hay các bức ảnh về bữa ăn tạm, giấc ngủ vội của y bác sĩ, tình nguyện viên ở các bệnh viện, ở khu cách ly… thể hiện sự hy sinh quên mình của đội ngũ thầy thuốc, của lực lượng tuyến đầu trong việc chăm lo sức khỏe của người dân. Mỗi hình ảnh nếu được khéo sử dụng có thể kể lại một câu chuyện sâu sắc, khái quát thành một bài học có ý nghĩa, đem lại hiệu quả giáo dục đạo đức không nhỏ. Đây thực sự là một gợi mở rất tốt để ngành giáo dục thực hiện việc nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục đạo đức cho học sinh. Bên cạnh đó, trong xã hội thời gian qua vẫn liên tục diễn ra các sự kiện dù tích cực hay chưa tích cực thì vẫn có thể trở thành những bài học có ý nghĩa cho việc giáo dục đạo đức. Chẳng hạn, các câu chuyện về những cán bộ, chiến sĩ phòng cháy chữa cháy hy sinh khi dập lửa cứu dân, sự kiện vận động viên điền kinh Nguyễn Thị Oanh với nghị lực phi thường đã giành 4 huy chương vàng SEA Games 32, hay rất nhiều gương người tốt việc tốt trong phong trào “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp”… đều có thể trở thành bài học và mang giá trị truyền cảm hứng cho nhiều người, trong đó có học sinh. Kể cả vụ việc một bé gái bị dì ghẻ bạo hành đến chết trong sự hững hờ của cha ruột thì có thể gợi mở về lòng yêu thương giữa các thành viên trong gia đình, về trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái, về sự gắn bó giữa vợ chồng để tránh cho trẻ phải thiếu thốn tình yêu của cha hoặc mẹ, từ đó có thể trở thành nạn nhân của các vụ bạo hành… Đương nhiên, không nhất thiết phải tổ chức thành những bài học đầy đặn hoặc các bài kiểm tra, bài thi chuyên sâu mà cần khéo gợi thành những ý tưởng, những ấn tượng để học sinh tư duy, tìm hiểu, liên hệ, vận dụng… Điều rất quan trọng ở đây là ngành giáo dục phải luôn gắn những điều đang xảy ra trong thực tế cuộc sống, những vấn đề thực tiễn đang đòi hỏi và đưa vào nhà trường thành những điều học sinh cần học tập, trao đổi, tìm hiểu… Đừng để các bài giảng có sự tách biệt với thực tiễn; trong đó, giáo dục đạo đức lại càng cần gắn với cuộc sống sát hơn, cụ thể hơn!
Trúc Giang
Bình luận (0)