Năm học 2010-2011 là năm học đầu tiên Bộ GD-ĐT quyết định lồng ghép nội dung giáo dục kỹ năng sống vào chương trình chính khóa bậc phổ thông. Mặc dầu vậy, sau gần 10 năm triển khai chương trình, thực tế cho thấy hiệu quả đạt được chưa như mong muốn. Làm gì để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục kỹ năng sống cho học sinh là vấn đề rất cần được quan tâm, nhất là khi trong thời gian qua xảy ra nhiều vụ bạo lực học đường, các vụ tự tử trong học sinh mà một trong những nguyên nhân được xác định là do “lỗ hổng” trong công tác giáo dục kỹ năng sống.
Học sinh trải nghiệm thực tế với các khóa học kỹ năng là điều cần thiết. Ảnh: I.T
Ở các nước có nền giáo dục tiên tiến, việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh được tiến hành từ sớm và bắt đầu từ những việc nhỏ nhất như: sau khi ăn kẹo phải tìm và bỏ giấy gói vào thùng rác đúng nơi quy định, không nhổ bã kẹo cao su ra đường; nếu vòi nước bị rò rỉ nước thì phải sửa thế nào?… Việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh ngay từ những việc nhỏ nhất trong cuộc sống hàng ngày sẽ góp phần làm tăng tính linh hoạt, độ nhạy bén trong việc tìm ra những phương án xử lý tối ưu nhất trong từng trường hợp cụ thể. Thời gian qua, môi trường học đường ít nhiều bị “khuấy động” bởi những vụ bạo lực học đường hay liên tiếp các vụ học sinh tự tử. Cùng với đó là những biểu hiện tiêu cực, đáng quan ngại của một bộ phận học sinh như: có thái độ dửng dưng, vô cảm trước nỗi đau của đồng loại; đua đòi, bị lôi kéo tham gia vào các tệ nạn xã hội… Đây là hệ quả của việc nhiều trường mới chỉ chuyên tâm vào việc “dạy chữ” mà xem nhẹ vai trò, tầm quan trọng của việc “dạy người”. Bên cạnh đó, những hoạt động ngoại khóa cũng chưa phát huy hiệu quả, môi trường sinh hoạt, hoạt động của tổ chức Đoàn Thanh niên trong các trường học chưa thực sự hấp dẫn để thu hút đông đảo học sinh quan tâm tham gia.
Trước thực trạng trên, Bộ GD-ĐT đã chính thức đưa chương trình dạy kỹ năng sống cho học sinh vào triển khai ở tất cả các trường tiểu học, THCS, THPT. Có 3 phương án giảng dạy được đưa ra: lồng ghép việc giáo dục kỹ năng sống vào chương trình học, các môn học, các hoạt động trong nhà trường; đưa giáo dục kỹ năng sống vào hệ thống các môn học và tổ chức dạy học giống các môn học khác; đưa nội dung giáo dục kỹ năng sống vào tất cả các môn học, môn nào cũng tận dụng. Bộ GD-ĐT đã chọn phương án được cho là tối ưu nhất trong thời điểm hiện tại là: lồng ghép nội dung giáo dục kỹ năng sống cho học sinh vào chương trình học, các môn học và các hoạt động trong nhà trường. Chủ trương chỉ mới lồng ghép mà chưa đưa giáo dục kỹ năng sống thành một môn học chính khóa được xem là hợp lý bởi hiện nay, khung chương trình đã ổn định, việc dạy kỹ năng sống nên đan xen với việc dạy kiến thức, tránh gây ra tình trạng quá tải.
Qua thực tế triển khai chương trình giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, khó khăn lớn nhất mà các trường gặp phải hiện nay là thời gian thực hiện và phương pháp truyền đạt của giáo viên. Hiện mỗi tiết học chỉ kéo dài trong 45 phút, trong khi người giáo viên phải chịu áp lực lớn trong việc “chạy” hết nội dung bài giảng, nếu không muốn bị “cháy” giáo án. Do đó, thời lượng dành cho việc giáo dục kỹ năng sống là có hạn. Bên cạnh đó, không ít giáo viên còn gặp lúng túng trong việc lựa chọn phương pháp giáo dục kỹ năng sống đối với học sinh như thế nào cho hiệu quả. Đội ngũ giáo viên phần lớn đều chưa trải qua các khóa học rèn luyện về giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Trọng trách giáo dục kỹ năng sống cho học sinh thường được các nhà trường giao cho các giáo viên mới vào nghề vì họ có nhiệt huyết, tuổi đời còn trẻ nên dễ gần gũi, thân thiện với học sinh. Tuy nhiên, chính vì tuổi nghề còn ít nên nhiều giáo viên trẻ chưa có kinh nghiệm trong việc xử lý các tình huống phức tạp, phát sinh trong đời sống học đường.
Để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, các trường cần dựa vào hoàn cảnh thực tế của từng địa phương để triển khai cụ thể. Theo đó, nội dung, thời gian biểu thực hiện phải phù hợp với từng đối tượng học sinh từng cấp học, vùng, miền. Chẳng hạn, học sinh ở thành phố dễ “dính” vào các trò chơi điện tử bạo lực, các tệ nạn xã hội; học sinh các vùng nông thôn, miền núi còn rụt rè, thiếu tự tin trước đám đông. Dựa trên tình hình thực tế đó, giáo viên có thể “liệu cơm gắp mắm”, biên soạn các bài giảng và tiến hành lồng ghép phù hợp. Nghĩa là, các nhà trường trên cơ sở rà soát lại thực trạng học sinh của trường mình còn có điểm yếu, hạn chế gì về kỹ năng sống, từ đó, xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp. Việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh nên được tiến hành theo hướng tích hợp ở một số môn học có tính đặc thù như: Ngữ văn, lịch sử, giáo dục công dân, giáo dục quốc phòng… Mặt khác, các tổ chức Đoàn, Đội ở các nhà trường cũng cần đổi mới phương thức hoạt động, tổ chức được nhiều phong trào, sân chơi thiết thực, bổ ích để qua đó học sinh có cơ hội giao lưu, tiếp xúc, rèn luyện kỹ năng sống. Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh phải trải qua một quá trình lâu dài, thực hiện đồng bộ. Song hành với các hoạt động khác trong nhà trường, các cơ sở giáo dục cần đưa nội dung giáo dục kỹ năng sống cho học sinh vào trong kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học. Trong quá trình triển khai phải kiên trì, tránh chạy theo phong trào hay chỉ hô hào khẩu hiệu.
Bùi Minh Tuấn
(Giáo viên Nghệ An)
Bình luận (0)