Các sở, ngành, địa phương tại TPHCM đang quyết liệt nhập cuộc nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), nhằm tạo chuyển biến về ý thức trách nhiệm, tác phong làm việc của cán bộ, công chức, viên chức, góp phần quan trọng vào việc phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Người dân đánh giá sự hài lòng với sự phục vụ của công chức tại quận 12, TPHCM.
Tăng cường giám sát, đánh giá cán bộ
Để nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh CCHC, bên cạnh ứng dụng công nghệ thông tin, việc nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức được các địa phương xác định là mắt xích then chốt.
Theo Chủ tịch UBND quận 10 Nguyễn Thị Thu Hường, trong năm 2023, quận tăng cường kiểm tra, khảo sát CCHC và đẩy mạnh theo hướng kiểm tra đột xuất. Đặc biệt là kiểm tra, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành và kết quả thực hiện các chỉ tiêu CCHC, xử lý các vấn đề phát hiện qua kiểm tra.
Kết quả thực hiện là cơ sở xem xét mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Ngoài ra, quận cũng tăng cường kiểm tra đột xuất việc thực hiện quy tắc ứng xử và thực thi công vụ; tình hình chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi cá nhân.
Tại quận 1, từ đầu năm, quận đã tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và 10 phường rà soát bổ sung các quy chế, quy định cụ thể nhằm tăng cường ý thức trách nhiệm, nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính phù hợp với từng ngành, lĩnh vực, địa phương. Quận cũng tổ chức kiểm tra công vụ đối với UBND 10 phường nhằm phát hiện, chấn chỉnh và xử lý kịp thời các vi phạm trong công tác quản lý nhà nước, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính.
“Quận 1 đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc tăng cường thực hiện kỷ cương, kỷ luật, đánh giá chất lượng thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm khách quan, chính xác, phản ánh đúng năng lực, kết quả công tác. Đây sẽ là căn cứ để quận 1 bổ nhiệm, đề bạt, đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức”, Chủ tịch UBND quận 1 Lê Đức Thanh thông tin.
Trong khi đó, UBND quận Bình Tân tập trung nâng cao hiệu quả công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức. Quận chú trọng căn cứ kết quả công tác là thước đo chính để đánh giá cán bộ, công chức, viên chức. Quận cũng yêu cầu mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động xây dựng bản cam kết tự tu dưỡng, rèn luyện trong việc thực hiện đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp gắn với nhiệm vụ được phân công. Đây được xem là cơ sở để khen thưởng, động viên các cá nhân có nỗ lực phấn đấu trong công tác hoặc xem xét, xử lý đối với các cá nhân không hoàn thành cam kết.
Chuyển biến tích cực
Bấm vào biểu tượng “Rất tốt” trên bảng khảo sát mức độ hài lòng đối với sự phục vụ của công chức, viên chức tại bộ phận một cửa thuộc UBND quận 12 sau khi được tư vấn về thủ tục xin giấy phép xây dựng, ông Lê Văn Tấn (ngụ quận 12) nhận xét, công chức giải quyết hồ sơ rất nhiệt tình, trách nhiệm. “Lần đầu xin cấp giấy phép xây dựng nên tôi có nhiều thắc mắc. Cán bộ tiếp nhận hồ sơ nhiệt tình hướng dẫn dù tôi hỏi đi hỏi lại một vấn đề nhiều lần do chưa hiểu rõ”, ông Tấn kể.
Phó Chủ tịch UBND quận 12 Đậu An Phúc chia sẻ, lãnh đạo quận luôn quán triệt, yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức quận phục vụ nhân dân với tâm thế của người làm dịch vụ, sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ người dân. Công tác phối hợp giữa các cá nhân, cơ quan, tổ chức; trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết thủ tục hành chính cũng được chú trọng.
Nhờ đó, tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn trên 99,9%, tỷ lệ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính quận đạt 99,57%. Năm 2023, quận 12 tiếp tục quyết liệt trong thực hiện CCHC, nâng cao tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hẹn và rà soát, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ.
Trong khi đó, từ đầu năm 2023, quận đã yêu cầu UBND 12 phường, các đơn vị trực thuộc đăng ký mô hình, sáng kiến sáng tạo trong CCHC, nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ. Kết quả áp dụng các mô hình, sáng kiến sáng tạo sẽ là cơ sở đánh giá hiệu quả công việc của các đơn vị và người đứng đầu.
Theo Phó Chủ tịch UBND quận 3 Phạm Thị Thúy Hằng, quận luôn nỗ lực giải quyết thủ tục hành chính cho người dân một cách nhanh nhất. Những hồ sơ có thể giải quyết được liền thì giải quyết ngay. Hồ sơ cần xác minh ở các địa phương khác thì công chức, viên chức trực tiếp hướng dẫn hoặc gửi văn bản xác minh.
Nhờ đó, tỷ lệ hài lòng của người dân ngày càng được nâng cao. Thời gian tới, quận tiếp tục áp dụng nhiều mô hình ứng dụng công nghệ thông tin như cấp trích lục khai sinh, khai tử trong vòng một giờ; cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh kèm mã số thuế…
Người dân làm thủ tục hành chính tại UBND quận 3, TPHCM.
Tương tự, với việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, xây dựng và vận hành Trung tâm điều hành đô thị thông minh, UBND quận 7 đã cải thiện, nâng cao đáng kể chất lượng công vụ, mang đến sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.
Phó Chủ tịch UBND quận 7 Lê Văn Thành cho biết, ứng dụng “Công chức trực tuyến” và “Quận 7 trực tuyến” cung cấp các dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp, giúp lãnh đạo quận 7 theo dõi hoạt động tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp.
“Với việc theo dõi sát sao các nhiệm vụ của cán bộ, công chức, khâu nào chậm, lãnh đạo quận sẽ nhắc nhở bằng tin nhắn. Qua đó, vừa đôn đốc cán bộ, công chức đảm bảo tiến độ công việc, vừa kịp thời tháo gỡ các vướng mắc để giải quyết thông suốt việc của người dân. Nhờ đó, trên 99% hồ sơ hành chính ở quận 7 được giải quyết đúng hạn”, ông Lê Văn Thành cho biết.
Dự kiến, sáng 12-3, HĐND TPHCM phối hợp cùng Sở TT-TT, Đài Truyền hình TPHCM tổ chức chương trình Dân hỏi – Chính quyền trả lời tháng 3, chủ đề “Trách nhiệm công vụ – Cải cách thủ tục hành chính”, với sự tham gia của lãnh đạo HĐND TPHCM, UBND TPHCM, các sở, ban, ngành địa phương. Nội dung chương trình nhằm thông tin về công tác thực hiện chủ đề năm 2023 của thành phố và ghi nhận những ý kiến, hiến kế cũng như giải đáp thắc mắc của cử tri.
|
NGÔ BÌNH (theo SGGP)
Bình luận (0)