Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nâng cao hiệu quả và chất lượng giáo dục đại học: Không chỉ là bài toán tài chính

Tạp Chí Giáo Dục

Sinh viên Trường ĐH Hồng Bàng đóng học phí nhập học

Vừa qua đề án tăng học phí để đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng giáo dục của Bộ GD-ĐT đã gây “hoang mang” cho phụ huynh, học sinh và sinh viên ở tất cả các cấp học. Khi đề án này còn nằm ở dạng “dự thảo và chờ đóng góp ý kiến” đã có không ít người (trong đó có các đại biểu Quốc hội) không đồng tình vì lo ngại rằng: Nếu xã hội đồng ý cấp tiền, nhân dân đồng ý đóng học phí với mức cao hơn, liệu các trường đại học có cam kết sẽ nâng cao chất lượng và cụ thể hóa “các mục tiêu tốt đẹp” mà các trường đã hứa với xã hội và phụ huynh, học sinh hay không? Nhìn vào thực tế cách xây dựng và phát triển giáo dục của nước ta hiện nay (mà điển hình nhất là qua cách Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng đào tạo và thu học phí của sinh viên (Báo Tuổi Trẻ có loạt bài phản ánh) trong thời gian qua và nay là trường hợp của Trường Đại học Phan Thiết) xem ra những quan ngại của những người có tâm huyết và trách nhiệm với nền giáo dục nước nhà không phải là không có cơ sở. Xem ra để nâng cao hiệu quả và chất lượng giáo dục đặc biệt là ở bậc đại học chắc gì có tiền là sẽ có tất cả?
Thực tế cho thấy, nhiều trường đại học ở ta hiện nay đặc biệt là các trường đại học ngoài công lập không hẳn đã thiếu tiền để thực hiện các “mục tiêu tốt đẹp” gì đó mà các trường đã hứa trước nhân dân. Có thể nói, hiện nay, có một cái thiếu rất lớn và không kém phần quan trọng mà các trường đại học cũng nên nghiêm túc nhìn nhận và tự vấn lại là: cái tâm (đạo đức nghề nghiệp) và cái tầm (tầm nhìn quản lý) của những người đứng đầu cơ sở đào tạo. Nếu nhìn lại những khoản học phí mà các trường đại học đã thu của sinh viên (năm sau cao hơn năm trước) như cách Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng trong thời gian qua thì biết (và chắc chắn không riêng gì Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng). Số tiền ấy là không nhỏ, thế nhưng ngoài chi phí trả lương cho một bộ phận nhỏ cán bộ và giảng viên giảng dạy (rất thấp) thì phần còn lại thuộc về ai trong khi cơ sở vật chất và sự đầu tư cho con người (chế độ đãi ngộ cho giảng viên cơ hữu) cũng như trang thiết bị phục vụ việc dạy học của các trường này gần như chẳng có gì. Các nhà quản lý giáo dục và các trường đại học nghĩ gì về vấn đề này? Đi tìm lời giải cho câu hỏi này, thật ra theo tôi là không khó.
Có thể nói, từ khi Đảng và Nhà nước có chủ trương “xã hội hóa giáo dục” nhằm nâng cao mặt bằng dân trí, đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong thời kì mới, đã có không ít kẻ núp dưới danh nghĩa trên để tính chuyện kinh doanh, kiếm chác mà bất chấp hậu quả. Nếu tinh ý mọi người sẽ lý giải được câu hỏi vì sao trong thời gian rất ngắn mà các trường cao đẳng và đại học ở nước ta lại mọc lên như “nấm sau mưa”? (Báo Tuổi Trẻ cũng từng có hàng loạt bài phản ánh). Câu trả lời rất đơn giản là: lợi nhuận khổng lồ được thu về một cách rất dễ dàng và nhanh chóng! Người ta chỉ việc lập bộ hồ sơ xin cấp phép mở trường, rồi tuyển sinh, rồi thu học phí, thu lợi nhuận (bỏ vào túi riêng của một vài người) mặc cho trường lớp, cơ sở vật chất, phương tiện dạy học không có, giáo viên dạy học không đủ, tài liệu, sách báo tham khảo phục vụ học tập cho sinh viên cũng không mua…?! Đại biểu Quốc hội, giáo sư Nguyễn Minh Thuyết có lần phát biểu vấn đề này trên Báo Tuổi Trẻ (ngày 19-12-2008) đã nói rất đúng: “Các trường đều thu học phí cao, thậm chí rất cao, ngoài phần chi cho việc trả công giảng viên lên lớp, phần còn lại chủ yếu thuộc về những người đầu tư mở trường dưới hình thức lợi nhuận…” và có nhiều trường thật ra là “quan lập” chứ không phải “dân lập”.
Có thể thấy, phần nhiều các trường đại học hiện nay cho rằng, nguồn thu tài chính eo hẹp (nói thẳng ra là tiền ít) đưa đến hệ lụy: “đỉnh điểm của nó làm mất đi tính nhân văn trong giáo dục và đào tạo (nhân văn giữa người học và người dạy, nhân văn giữa cán bộ viên chức ngành giáo dục và xã hội, nhân văn trong sự công bằng xã hội…)”, nghe thật là chua xót. Đành rằng việc cần phải có nhiều tiền để đầu tư nhằm nâng hiệu quả và chất lượng của giáo dục đại học hiện nay là vấn đề không ai phủ nhận. Tuy nhiên, khi “trong tay sẵn có đồngtiền” rồi thì liệu các trường đại học có thể nâng cao hiệu quả và chất lượng giáo dục được không khi mà cái tâmcái tầm… của những người chủ sở hữu trường… quá ít quá thiếu (nếu không muốn nói là không có)?
Trong xã hội ta, từ xa xưa nhất cho đến nay vốn xem nghề giáo là một nghề rất thiêng liêng và cao quý! Câu nói này vốn rất quen thuộc với tất cả mọi người nhất là những người đang hoạt động trong lĩnh vực giáo dục! Thiêng liêng và cao quý vì trước hết nghề giáo có những người vốn là thầy của mọi người, mọi nghề trong xã hội. Người thầy ấy, thời nào cũng vậy, cũng phải cần có tiền để sống, để làm việc chứ tuyệt nhiên không cần tiền để tính chuyện kinh doanh bằng cấp làm giàu và bất chấp hậu quả! Còn gì bất công và mất nhân văn hơn khi có không ít kẻ chẳng biết gì về giáo dục nhưng lại đi làm giáo dục và lại hưởng lợi nhiều nhất?
 Thử hỏi, làm giáo dục như thế thì người dân biết phải đóng bao nhiêu tiền cho các trường là vừa, là đủ?
Nguyễn Trọng Bình (Giảng viên Trường ĐH Cửu Long)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)