Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Nâng cao liệu pháp tâm lý

Tạp Chí Giáo Dục

Mọi người đều biết cả hai bệnh sởi và rubella đều có thể được phòng chống rất hiệu quả bằng việc tiêm chủng vaccine phối hợp sởi – rubella. Chính vì thế, chiến dịch tiêm chủng vaccine sởi – rubella cho trẻ em từ 1 đến 14 tuổi được tổ chức trên phạm vi toàn quốc tại các trạm y tế phường/xã, trường mẫu giáo, tiểu học… Kinh nghiệm từ các trường học đã được tiêm chủng cho thấy, trường nào làm công tác tư vấn tâm lý cho phụ huynh (PH), học sinh (HS) trước tiêm chủng tốt và có cách giải quyết tâm lý ở các tình huống sau tiêm chủng một cách khéo léo sẽ thành công cao.
Thời gian gần đây, một số ca tiêm chủng gây chết trẻ đã làm khá đông PH lo lắng khi biết con mình phải tiêm chủng ở trường. Từ tâm lý e ngại tình huống xấu xảy ra với con mình đã làm PH rất băn khoăn khi phải ghi “đồng thuận” hay “không đồng thuận” cho con chích ngừa. Tâm lý lo lắng ấy cũng có ở ban giám hiệu và giáo viên. Bởi thế, trong đợt tiêm chủng vừa qua ở Trường THCS T. thuộc một quận trung tâm thành phố, trong thông báo gửi đến PH về việc tiêm chủng, Ban giám hiệu nhà trường đã ghi: “Nhà trường không chịu trách nhiệm…” khi có sự cố xấu xảy ra. Những dòng chữ này đã gây hoang mang cho PH, và đa số PH đã không đồng thuận cho con mình chích ngừa. Sự việc ngoài mong muốn của nhà trường, Ban giám hiệu và giáo viên phải thu hồi thông báo, vất vả tư vấn tâm lý cho PH nhiều lần mới được đa số đồng thuận, nhờ vậy số HS được chích ngừa đạt tỉ lệ cao.
Do tiêm chủng trong trường học nên vai trò của ban giám hiệu và giáo viên chủ nhiệm rất quan trọng. Theo đó, ban giám hiệu không chỉ phổ biến đến từng PH, từng HS ích lợi của việc tiêm chủng vaccine sởi – rubella mà cần nhấn mạnh cho PH thấy những trường hợp tiêm chủng có kết quả xấu chiếm tỉ lệ rất thấp. Ngoài ra, ban giám hiệu cũng như giáo viên chủ nhiệm cũng cần chỉ ra cho PH (và cả HS) thấy những cái lợi khi tiêm chủng trong nhà trường. Thứ nhất, không gian trường lớp quen thuộc chứ không phải là bệnh viện hay trạm y tế lạ lẫm, đầy mùi thuốc. Thứ hai, bản thân HS không phải chích ngừa một mình mà được cùng chích với bạn bè thân thiết. Thứ ba, HS được chích ngừa nơi có nhiều người quen luôn quan tâm đến mình: Thầy cô giáo, bảo mẫu…, ai cũng lo lắng và sẵn sàng giúp đỡ mình. Tạo không khí thư giãn, thoải mái sau khi HS chích ngừa cũng là điều hết sức cần thiết. Theo đó, sau khi tiêm chủng, HS phải ở phòng theo dõi 30 phút. Đây là khoảng thời gian các em dễ bị “sốc” tâm lý bởi sự lo lắng, sợ hãi… kéo dài trong thời gian chờ đợi trước đó. Vì thế, phòng theo dõi cần thoáng mát, để sách báo cho HS xem, nếu có thể được thì chuẩn bị phim thiếu nhi chiếu cho các em xem để sớm “ổn định tinh thần”. Những trường hợp sợ sệt, khóc lóc, run rẩy… thầy cô cần tách riêng để động viên, khuyên nhủ; không nên cho ngồi gần các HS khác để tránh “lây lan” về mặt tâm lý.
Cũng ở quận nêu trên, tại Trường THCS V., sau khi chích ngừa và ở phòng theo dõi 30 phút, các em HS được trở về lớp học. Một HS đã chạy từ phòng theo dõi về lớp mình tại lầu 3 và lên cơn mệt đột ngột. Cả bác sĩ, y tá và các thầy cô trong trường đã phải nhanh chóng kiểm tra và túc trực theo dõi em. Kết luận cuối cùng là em mệt do chạy nhanh từ tầng trệt lên lầu 3.
Tiêm chủng trong trường học có nhiều thuận lợi nhưng để đạt kết quả cao, nhà trường cần phải chú ý đến “liệu pháp tâm lý” trước và sau tiêm chủng cho PH và HS.
Lê Phương Trí

Bình luận (0)