Sáng 21-10, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH KHXH&NV), ĐHQG-HCM tổ chức Hội thảo khởi động dự án “Nâng cao năng lực đào tạo trực tuyến xen kẽ trực diện của Trường ĐH KHXH&NV – Đại học Quốc gia TP.HCM”.
Trường ĐH KHXH&NV đã chính thức khởi động dự án “Nâng cao năng lực đào tạo trực tuyến xen kẽ trực diện” với sự hỗ trợ từ Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF). Hội thảo diễn ra với sự tham gia của TS. Phạm Tấn Hạ – Phó Hiệu trưởng nhà trường; TS. Nguyễn Tấn Đại – phụ trách Trung tâm Công nghệ Giáo dục Pháp ngữ (CNF) TP.HCM; các chuyên gia giáo dục quốc tế, và đại diện các phòng ban, các khoa và giảng viên, cán bộ kỹ thuật của trường.
Dự án được thành lập với mục tiêu nâng cao năng lực đào tạo trực tuyến xen kẽ trực diện nhằm chuẩn bị năng lực thích ứng của sinh viên Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM đối với yêu cầu của thế giới đang thay đổi do tác động của công nghệ.
Dự án sẽ tập trung vào các nhiệm vụ chính là nâng cao nhận thức cho đội ngũ lãnh đạo, giảng viên và nhân viên hỗ trợ về vai trò và tầm quan trọng của đào tạo trực tuyến xen kẽ trực diện; Xây dựng môi trường học tập trực tuyến và hệ thống quản lý học tập (LMS) phù hợp cho Trường ĐH KHXH&NV; Triển khai thí điểm 7 học phần theo mô hình đào tạo trực tuyến xen kẽ trực diện; Tổ chức các khóa bồi dưỡng chuyên môn cho giảng viên nhằm nâng cao năng lực sử dụng công nghệ trong giảng dạy trực tuyến.
Phát biểu tại hội thảo, TS. Phạm Tấn Hạ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV cho biết: “Dự án này mang ý nghĩa thiết thực trong việc hoàn thiện chính sách, đồng thời nâng cao năng lực giảng dạy cho đội ngũ giảng viên và kỹ thuật viên của trường trong việc triển khai mô hình đào tạo trực tuyến xen kẽ trực diện. Để dự án đạt được các mục tiêu đề ra, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan là vô cùng quan trọng. Cụ thể, chúng ta cần có sự tham gia tích cực của lãnh đạo trường, quản lý các phòng ban, giảng viên và đội ngũ kỹ thuật để đảm bảo tiến độ và chất lượng của dự án”.
Hội thảo khởi động đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp tích cực từ các chuyên gia, đồng thời đưa ra kế hoạch chi tiết cho giai đoạn tiếp theo của dự án, bao gồm các hoạt động đào tạo, thí điểm và đánh giá hiệu quả mô hình.
Là đối tác tài trợ chính, AUF đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ USSH triển khai dự án này. AUF không chỉ là đơn vị tài trợ mà còn đồng hành cùng nhà trường trong việc chia sẻ kinh nghiệm, cung cấp chuyên gia và hỗ trợ kỹ thuật cần thiết để đảm bảo thành công của dự án.
Theo Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM, dự án là cơ hội để khám phá những đổi mới trong giáo dục đại học và cùng nhìn nhận vai trò của công nghệ trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy nhằm đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số trong giáo dục hiện nay.
Thủy Phạm
Bình luận (0)