Nội dung dạy học môn địa lý trong trường phổ thông trước hết được xác định dựa vào tính logic của hệ thống tri thức khoa học, đặc điểm quá trình nhận thức của học sinh và yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Cấu trúc nội dung này được thiết kế theo kiểu xoáy ốc nâng cao.
Học sinh lớp 9 xem sách giáo khoa trong tiết học môn địa lý. Ảnh: Y.Hoa
Quá trình trang bị năng lực nhận thức được chia làm 2 giai đoạn theo đặc điểm tri thức và năng lực nhận thức của học sinh.
1. Ở giai đoạn giáo dục cơ sở, tri thức địa lý được dựa vào nội dung chương trình dạy học ở 4 lớp 6, 7, 8, 9. Mục đích của chương trình nhằm giúp cho học sinh hình thành tư duy không gian về vị trí, phạm vi, mở đường nhận biết các hiện tượng thiên nhiên, các thuộc tính cơ bản của dân cư và hoạt động kinh tế. Từ đó người học biết vận dụng tri thức địa lý để hình thành kỹ năng sống và tạo cơ sở để phát triển năng lực tham gia hoạt động kinh tế – xã hội. Mạch nội dung của chương trình địa lý giai đoạn này được sắp xếp theo logic không gian là chủ đạo, đi từ địa lý tự nhiên đại cương đến địa lý các châu lục và sau đó tập trung vào các nội dung của địa lý tự nhiên Việt Nam, địa lý dân cư và địa lý kinh tế Việt Nam. Đặc điểm của tri thức địa lý đưa vào chương trình phổ thông trong giai đoạn hiện nay chủ yếu là tri thức về hình thức như vị trí, hình thái, hiện tượng, cấu tạo, đặc điểm… Ngoài ra, chương trình còn gắn một lượng nhỏ tri thức bản chất nhằm giải thích nguyên nhân và hỗ trợ tư duy cho học sinh.
2. Về giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, mục tiêu của giai đoạn này là tiếp tục phát triển ở học sinh những phẩm chất, năng lực đã được hình thành trong giai đoạn giáo dục cơ bản; phát triển và hoàn thiện các năng lực đặc thù môn học như: nhận thức thế giới theo quan điểm không gian, giải thích các hiện tượng và quá trình địa lý; sử dụng các công cụ của địa lý học và tổ chức học tập thực địa; thu thập, xử lý và truyền đạt thông tin địa lý; vận dụng kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn và định hướng nghề nghiệp. Các năng lực này được manh nha và phát triển thông qua việc trang bị những kiến thức về địa lý đại cương, địa lý kinh tế – xã hội thế giới, địa lý Việt Nam và phương pháp giáo dục đề cao hoạt động chủ động, tích cực, sáng tạo của người học. Nội dung chương trình về cơ bản là nâng cao các nội dung đã được dạy ở các giai đoạn giáo dục cơ sở. Yêu cầu về năng lực nhận thức môn học giai đoạn này phải gắn hiện tượng với bản chất để nhận thức được quá trình hình thành và vận động thay đổi của các thành phần địa lý. Mạch tri thức địa lý của giai đoạn này là: địa lý đại cương – địa lý các nước, các khu vực – địa lý Việt Nam. Tính logic của chương trình là quá trình nhận thức đã được trang bị các thông tin về hình thức, đã đến lúc cần phải trả lời câu hỏi tại sao? như thế nào?
Tóm lại, địa lý đại cương chính là “khung lý thuyết” để hình thành tư duy địa lý có tính hệ thống. Nội dung địa lý các nước và các khu vực chính là việc áp dụng “khung lý thuyết” để hình thành tư duy ở mức độ khái quát và có tính quy luật về tri thức bộ môn. Nội dung chương trình khối 12 không có gì khác ngoài việc áp dụng “khung lý thuyết” để hình thành tư duy ở mức độ cụ thể và có tính ứng dụng.
3. Giải pháp đào tạo giáo viên địa lý theo hướng gắn liền nâng cao năng lực nhận thức chuyên môn với việc thực hiện tốt nhiệm vụ dạy học phổ thông. Trước hết người dạy phải trang bị được “khung lý thuyết” để hình thành tư duy bền vững về tri thức địa lý. Các yếu tố cấu thành của đối tượng địa lý phân hóa thành 3 nhóm có quy luật khác nhau. Nếu nhóm yếu tố không gian bị chi phối bởi quy luật không gian thì nhóm các yếu tố địa chất, địa hình, khí hậu, thủy văn, thổ nhưỡng, sinh vật lại vận động theo quy luật tự nhiên. Trong lúc đó nhóm các nhân tố dân cư, chính trị – hành chính, văn hóa, kỹ thuật, kinh tế… thì vận động chủ yếu theo quy luật xã hội và bị chi phối bởi quy luật tự nhiên. Do vậy, trong đào tạo giáo viên địa lý phải hình thành được năng lực nhận thức về “khung lý thuyết” nhằm nghiên cứu cho cả 3 bộ phận của đối tượng địa lý.
Với trách nhiệm của người đứng lớp, giáo viên bộ môn phải trang bị kỹ năng nhận biết và phân loại tri thức phù hợp với phân phối chương trình giáo dục địa lý phổ thông. Trong kỹ năng nhận biết tri thức nhờ trực quan, người thầy phải nắm thông tin về trực quan của đối tượng địa lý gồm vị trí không gian, hình thức tồn tại, thành phần cấu tạo, tính chất lý hóa của vật chất, diễn biến thay đổi, phân hóa không gian. Sử dụng mô hình hóa và thực tiễn thiên nhiên, dân cư, hoạt động kinh tế – xã hội sẽ tạo được hiệu quả cao nhất về nhận thức. Về kỹ năng xác định phân loại các mối quan hệ để nâng cao năng lực nhận thức, người dạy cần phải xác định được tri thức chung và tri thức riêng cho mỗi phạm vi lãnh thổ. Vì đối với tri thức địa lý vừa có nguyên lý chung cho các thành phần tự nhiên và kinh tế – xã hội trên trái đất vừa có cơ sở lý thuyết riêng cho từng phạm vi lãnh thổ cụ thể.
4. Kết quả cuối cùng của người dạy không chỉ có năng lực về chuyên môn địa lý mà còn có năng lực dạy học nhằm tạo cơ hội cho học sinh có được nhiều năng lực như: năng lực nhận thức thế giới theo quan điểm không gian, năng lực giải thích các hiện tượng và quá trình địa lý, năng lực sử dụng các công cụ của địa lý học và khảo sát thực địa, năng lực vận dụng kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn hoạt động kinh tế – xã hội. Những năng lực này được hình thành trên cơ sở học sinh có kiến thức cơ bản, có chọn lọc về địa lý tự nhiên đại cương, địa lý các châu lục, địa lý Việt Nam, có các kỹ năng đơn giản trong sử dụng những công cụ của địa lý. Trên cơ sở đó, bộ môn địa lý khơi dậy ở học sinh ước muốn khám phá thế giới xung quanh, giúp các em hiểu được tầm quan trọng của kiến thức, kỹ năng và năng lực địa lý, biết vận dụng những điều đã học vào thực tế và góp phần định hướng nghề nghiệp một cách vững vàng.
PGS.TS Phạm Viết Hồng
(Trường ĐH Sài Gòn)
Bình luận (0)