Học sinh thi thuyết trình trong ngày hội ngoại ngữ |
Xu thế hội nhập hiện nay đã mở ra một hướng đi mới, cơ hội cho người lao động, nhất là lao động trí thức trong quá trình xây dựng sự nghiệp. Để ngoại ngữ không còn là rào cản cho người lao động bước ra môi trường làm việc mới, Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng luôn sát sao trong khâu đào tạo ngay từ đầu vào!
Đào tạo theo xu thế hội nhập
“Người học và cả đơn vị đào tạo cần xác định, tiếng Anh là ngôn ngữ làm việc, vì vậy cần nỗ lực học tập một cách hiệu quả nhất để nó không còn là rào cản của ta trong quá trình làm việc, nghiên cứu…”, PGS.TS Nguyễn Văn Long nói. |
Cuối tháng 1-2016, Sở VH-TT&DL Đà Nẵng phối hợp với Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng và Trường CĐ Nghề Du lịch Đà Nẵng tổ chức bế giảng “Lớp đào tạo nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch tiếng Hàn Quốc” cho 44 học viên. Đây là khóa học nằm trong chương trình đáp ứng nguồn nhân lực hướng dẫn viên tiếng Hàn cho Đà Nẵng và miền Trung. Ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Đà Nẵng, cho biết: “Với mô hình đào tạo phối hợp giữa ba nhà: Nhà nước – nhà trường – doanh nghiệp góp phần bổ sung lực lượng hướng dẫn viên tiếng Hàn chất lượng, đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp du lịch, qua đó giải quyết được vấn đề nguồn nhân lực hướng dẫn viên tiếng hiếm đang rất cần hiện nay ở Đà Nẵng”.
Theo nhìn nhận của ông Trần Chí Cường, vài năm trở lại đây, khi Đà Nẵng phát triển trở thành điểm đến hấp dẫn trên tuyến du lịch miền Trung, du khách – nhất là du khách nước ngoài tìm đến ngày càng đông. Thống kê cho thấy mỗi tháng có khoảng 11 ngàn lượt khách đến từ xứ sở kim chi. Trong khi số lượng hướng dẫn viên biết tiếng Hàn chỉ đếm trên đầu ngón tay với khoảng… 5 người. TS. Đào Thị Thanh Phượng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng, cho hay: “Đào tạo một đội ngũ hướng dẫn viên tiếng Hàn giỏi ngoại ngữ và nghiệp vụ hướng dẫn là việc làm cấp bách nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu phục vụ du khách đến từ Hàn Quốc. Trong thời gian tới, nhà trường sẽ mở thêm nhiều lớp học khác cho sinh viên của tất cả các khoa có đào tạo chuyên ngành ngoại ngữ du lịch của nhà trường”.
Cải thiện trình độ sinh viên
Theo một kết quả khảo sát của ĐH Đà Nẵng, chỉ khoảng 20-30% sinh viên có đầu vào tiếng Anh đảm bảo học chương trình ở bậc ĐH, số còn lại phải học qua lớp dự bị, sau đó nâng cao dần trình độ để theo chương trình. Có một thực tế, nếu phân chia thành hai nhóm như trên trong khi thời lượng tiết học ở môi trường ĐH còn hạn hẹp thì rất khó để cho sinh viên sử dụng thành thạo ngoại ngữ trong học tập và giao tiếp. Năm 2012, Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng nói riêng và các trường thành viên thuộc ĐH Đà Nẵng nói chung đã xây dựng chiến lược nhằm cải thiện trình độ ngoại ngữ của sinh viên để đáp ứng nhu cầu hội nhập. Theo đó, vào mỗi đầu năm học, các trường đều cho tiến hành khảo sát các môn ngoại ngữ mà sinh viên đăng kí để xếp lớp theo đúng năng lực, trừ những sinh viên thuộc diện được miễn thi vì đã có chứng chỉ quốc tế. Cùng với các lớp học ngoại ngữ, còn có lớp tiếng Anh dự bị và tiếng Anh tăng cường nằm ngoài chương trình chính khóa, sinh viên có thể chọn học tại trường hoặc tự học miễn sao kết quả cuối cùng đạt chuẩn đầu ra.
Sinh viên Đà Nẵng tham gia Hội trại Khát vọng ASEAN – hướng đến môi trường làm việc đòi hỏi thông thạo ngoại ngữ |
PGS.TS Nguyễn Văn Long, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng, cho biết nhà trường chủ trương hạn chế sử dụng các phương pháp dạy ngoại ngữ truyền thống, chú trọng nhiều vào phương pháp ngữ pháp – dịch. Thay vào đó, giảng viên hướng dẫn cho sinh viên tăng cường hoạt động theo nhóm, theo cặp để phát triển khả năng giao tiếp. Bên cạnh đó, nhà trường phối hợp với Đoàn Thanh niên các trường thành viên ĐH Đà Nẵng tổ chức định kỳ các buổi tư vấn về học tiếng Anh cho sinh viên; tổ chức các câu lạc bộ tiếng Anh, các kỳ thi học sinh giỏi, thi hùng biện tiếng Anh… nhằm nâng cao nhận thức của sinh viên về tầm quan trọng và vai trò của ngoại ngữ trong cuộc sống.
PGS.TS Nguyễn Văn Long nhìn nhận: “Bức tranh về năng lực ngoại ngữ nói chung của sinh viên tốt nghiệp từ ĐH Đà Nẵng mặc dù cao hơn mặt bằng chung của cả nước nhưng vẫn chưa đáp ứng được mong đợi. Người học và cả đơn vị đào tạo cần xác định, tiếng Anh là ngôn ngữ làm việc, vì vậy cần nỗ lực học tập một cách hiệu quả nhất để nó không còn là rào cản của ta trong quá trình làm việc, nghiên cứu…”.
Bài, ảnh: Vĩnh Yên
Bình luận (0)