Để sẵn sàng cho nền kinh tế số, người lao động cần được bồi dưỡng nâng cao năng lực thường xuyên. Với sinh viên chuẩn bị tham gia thị trường lao động, vai trò của doanh nghiệp trong đào tạo kỹ năng là không thể thiếu.
Theo các chuyên gia, để đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, người học nghề cần được trang bị nhiều kỹ năng
Đào tạo thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Ông Nguyễn Xuân Toán (Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức) khẳng định, doanh nghiệp có tiếng nói quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp, đặc biệt là đảm bảo năng lực của người lao động thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo ông Toán, nhà trường ký kết hợp tác với doanh nghiệp có nhiều nội dung quan trọng như cùng nhau đào tạo, đánh giá và tiếp nhận người học vào doanh nghiệp làm việc. Bên cạnh chuyên môn, một nội dung hợp tác không kém phần quan trọng đó là chú trọng trang bị các kỹ năng cho người học đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp. Dù đã rất cố gắng, tuy nhiên nhà trường không thể choàng hết các nội dung trong đào tạo kỹ năng từ ngoại ngữ, tin học, kỹ năng mềm, giao tiếp, làm việc nhóm… Do đó, nhà trường luôn cầu thị, lắng nghe doanh nghiệp góp ý thêm, hiến kế để điều chỉnh nội dung, chương trình đào tạo cho phù hợp nhằm hướng đến mục tiêu cuối cùng là cùng với doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và xã hội.
Đề cập đến khả năng thích ứng của người lao động trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều chuyên gia cho rằng cần có chương trình, nội dung cụ thể cho việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực người lao động. Chương trình, nội dung này phải được thiết kế, xây dựng sát thực tế, đặc biệt là bám sát xu hướng chuyển đổi số trong doanh nghiệp và lồng ghép trong các mô đun lý thuyết, thực hành. Ông Nguyễn Đức Thanh (Giám đốc Công ty TNHH Cơ điện Gia Nguyễn, TP.HCM) chia sẻ, những năm gần đây chất lượng đào tạo ở các trường nghề được nâng lên rõ rệt nhờ hiệu quả hợp tác đào tạo cùng doanh nghiệp. Tuy nhiên, để người học ra trường hòa nhập nhanh với thị trường lao động, trong quá trình hợp tác, trường nghề và doanh nghiệp cần chú trọng đến nội dung đào tạo, nâng cao năng lực số cho người học, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp trong kỷ nguyên số. Ông Thanh cho biết thêm, hàng năm công ty tiếp nhận từ 100-200 sinh viên và giảng viên đến thực tế, thực tập tại doanh nghiệp. Sau khi thực tập xong, các em được giữ lại công ty làm việc đều có năng lực khá, đủ khả năng thích ứng trước sự thay đổi nhanh của công nghệ.
Sinh viên một trường nghề thực hành nghề cơ điện tử
Tương tự, ông Lê Văn Hiệp (Giám đốc điều hành Công ty Kỹ thuật điện AZE, TP.HCM) cho biết, với mục tiêu nâng cao trình độ tay nghề, kỹ năng lao động trong thời đại số, công ty chủ động hợp tác với trường nghề trong đào tạo nhân lực để khi tuyển dụng không phải mất thời gian đào tạo lại. Trong khi đó, đại diện Công ty CP Vua Nệm (TP.HCM) chỉ rõ các kỹ năng mà người học còn hạn chế, đó là kỹ năng công nghệ thông tin, kỹ năng bán hàng, thiết kế nội dung, hình ảnh… “Trước xu hướng công nghệ mới thâm nhập sâu vào tất cả các ngành nghề, dù học ngành nào, kỹ thuật công nghệ hay quản trị kinh doanh, người học cũng cần trang bị các kỹ năng nói trên, cùng nhau đóng góp cho sự phát triển chung của doanh nghiệp”, vị đại diện Công ty CP Vua Nệm nói.
Đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên cho người lao động
Bà Nguyễn Thị Thùy (Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Điện Trường An, Đồng Nai) nhận định, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh mẽ, nếu không chủ động cập nhật, bồi dưỡng công nghệ cho người lao động thì sớm muộn họ cũng sẽ bị đào thải. Do đó, hàng năm người lao động trong công ty đều được tạo điều kiện học tập nâng cao trình độ tay nghề, các kỹ năng mà công nghệ mới đòi hỏi phải có. “Nhờ vào sự khắt khe trong tuyển dụng ban đầu cũng như bồi dưỡng nâng cao trình độ thường xuyên mà người lao động đáp ứng đầy đủ yêu cầu của từng công việc. Từ kinh nghiệm đó, chúng tôi sẵn sàng chia sẻ đội ngũ chuyên gia, là những người trực tiếp phụ trách sản xuất tại các dây chuyền đến trường nghề cũng như doanh nghiệp nào có nhu cầu bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho người lao động”, bà Thùy nói.
Đề cập đến khả năng thích ứng của người lao động trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều chuyên gia cho rằng cần có chương trình, nội dung cụ thể cho việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực người lao động. Chương trình, nội dung này phải được thiết kế, xây dựng sát thực tế, đặc biệt là bám sát xu hướng chuyển đổi số trong doanh nghiệp và lồng ghép trong các mô đun lý thuyết, thực hành. |
Bà Thùy cho biết thêm, việc nâng cao năng lực cho người lao động đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 không phải đợi đến sau tuyển dụng hoặc người lao động đã làm việc một thời gian mới bồi dưỡng mà phải thực hiện từ đầu. Trường nghề phải xem đây là trách nhiệm của mình, xem đó là một trong những điều kiện đầu ra của người học. Tuy nhiên, trách nhiệm này cũng không thể không nhắc đến vai trò của doanh nghiệp, bởi doanh nghiệp hiểu rõ nhất mình cần năng lực gì ở người lao động. Từ đó, trong nội dung hợp tác sẽ xây dựng chương trình, đảm bảo người học ra trường đáp ứng năng lực cơ bản, trong quá trình làm việc tại doanh nghiệp, người lao động sẽ được đào tạo và bồi dưỡng thường xuyên hàng tháng, hàng quý…
Liên quan đến đào tạo và bồi dưỡng năng lực cho người lao động, đảm bảo họ không bị bỏ lại phía sau, TS. Huỳnh Thanh Điền (chuyên gia kinh tế) khẳng định, người lao động phải được đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên để đảm bảo đủ năng lực sẵn sàng thích ứng trước sự thay đổi của xu hướng công nghệ cũng như nhiều tác động khác. Thực tế, nhiều doanh nghiệp cũng lo ngại sau khi được đào tạo, bồi dưỡng đủ năng lực thì người lao động nhảy việc, gây lãng phí, tốn kém. “Cũng cần một khoản hỗ trợ của Nhà nước cho chương trình đào tạo, bồi dưỡng này. Nếu người lao động không làm cho doanh nghiệp này thì cũng làm cho doanh nghiệp khác, mục tiêu cuối cùng là nâng cao năng lực cho người lao động trong kỷ nguyên số, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh”, TS. Điền đề xuất.
Bài, ảnh: Trần Tri
Bình luận (0)