Ngày 9-10, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đã tổ chức Hội thảo “Khung năng lực số ngành in”.
Hội thảo nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 72 năm Ngày truyền thống ngành xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam (10-10-1952/ 10-10-2024), hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia 10-10 trên địa bàn TP.
Ông Cao Xuân Vũ – đại diện Học viện PrintMedia Việt Nam cho biết, mục tiêu của khung năng lực số là xây dựng dựa trên các đặc thù của ngành in về công nghệ, sản phẩm, các nhóm năng lực cần thiết cho ngành in. Đối tượng sử dụng là người lao động, doanh nghiệp in, cơ quan quản ngành.
Khung năng lực số ngành in, dành cho tất cả các vị trí làm việc trong ngành công nghiệp in. Từ người vận hành cơ bản nhất đến các quản trị viên, đảm bảo cho họ đáp ứng được vị trí công việc và cam kết khả năng tự học suốt đời.
Theo ông Vũ Bảo Long – Chuyên gia ERP của Hội In TP.HCM, thực trạng năng lực số trong ngành in tại Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi với nhiều tiềm năng nhưng cũng đầy thách thức. Để phát triển bền vững và cạnh tranh với thị trường quốc tế, các doanh nghiệp trong ngành cần nâng cao năng lực số thông qua việc đào tạo nhân lực, đầu tư vào công nghệ hiện đại, và áp dụng các hệ thống quản lý thông minh.
Ông Nguyễn Ngọc Hồi – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho hay, từ cuối năm 2022 đến nay ngành in cũng như các ngành công nghiệp khác chịu sức ép nặng nề từ đại dịch. Cùng với đó những biến động của nền kinh tế, tình hình lạm phát tăng cao đã tác động mạnh đến nền kinh tế nói chung và ngành in nói riêng.
Do đó, sức ép phải giảm nhân công lao động, thu hẹp quy mô sản xuất, tận dụng các thiết bị, công nghệ in hiện đại, sử dụng nguồn nguyên liệu tối ưu hóa nguồn lực giảm chi phí giá thành là yếu tố hàng đầu của các doanh nghiệp hiện nay. Bên cạnh đó, doanh nghiệp in phải giải quyết bài toán về môi trường, giảm thiểu các chất thải ra môi trường xung quanh.
Ngành in là một trong các ngành công nghiệp phụ trợ tham gia, hiện diện vào tất cả các khâu trong quy trình tạo ra thành phẩm để đến người tiêu dùng.
“Việc trang bị kiến thức về khung năng lực số, nền tảng cốt lõi giúp cơ sở in hòa nhập sâu kinh tế số, xã hội số để thực hiện. Cụ thể đó sự kết nối các khâu, quy trình, hệ thống quản trị doanh nghiệp, nhân lực, bảo mật thông tin và dữ liệu sẽ được thực hiện điều hành, vận hành linh hoạt thông qua các phần mềm, dữ liệu đã được mã hóa, số hóa”, ông Hồi nhấn mạnh.
Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, ngành in được xem là một ngành công nghiệp phụ trợ. Tính đến nay, toàn TP có khoảng 1.300 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực in ấn bao bì, in xuất bản phẩm, các sản phẩm in khác, chiếm gần 2/3 số doanh nghiệp hoạt động in của cả nước.
Tổng doanh thu in, bao bì, in xuất bản phẩm có năm lên đến khoảng 04 tỷ USD/năm, tập trung chủ yếu tại 3 quận: Bình Tân, Tân Phú và Tân Bình.
Sở Thông tin và Truyền thông TP đã cấp phép, xác nhận và quản lý gần 700 cơ sở in. Ngành in TP đã có những khởi sắc, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong ngành in, góp phần vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế theo hướng hiện đại, duy trì doanh thu tăng trung bình hàng năm ổn định ở mức từ 6% – 8%.
Hồ Trinh
Bình luận (0)