Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh: Tập trung bồi dưỡng kỹ năng nghe, nói cho GV

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Lê Hồng Sơn – Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM

Đó là khẳng định của ông Lê Hồng Sơn – Thành ủy viên, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM – khi trao đổi với Giáo Dục TP.HCM về đề án “Phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp TP.HCM giai đoạn 2011-2020” vừa được UBND TP phê duyệt. Mục tiêu của đề án là đến năm học 2015-2016 có 70% học sinh (HS) lớp 3 được học tiếng Anh và 100% vào năm học 2018-2019…
Ông Sơn cho biết: Để thực hiện đề án, trước mắt chúng tôi tập trung vào năng lực của đội ngũ giáo viên (GV). Vừa qua, Sở GD-ĐT đã khảo sát cũng như bồi dưỡng, nâng cao năng lực tiếng Anh đợt 1 cho GV bậc tiểu học và khảo sát đợt 2 cho GV bậc THCS, THPT, GV tại các trung tâm GDTX theo tiêu chuẩn FCE (do Hội đồng khảo thí Cambridge đánh giá). Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đánh giá năng lực để bồi dưỡng đợt 2 cho những ai chưa đạt (bậc tiểu học) cũng như tiếp tục bồi dưỡng cho đội ngũ GV bậc THCS trở lên.
Trong quá trình triển khai đề án, chúng tôi gặp không ít khó khăn. Đặc biệt, đội ngũ GV bậc tiểu học còn thiếu nhiều. Nguyên nhân do chuẩn đưa ra cho GV cao, hơn nữa, mức thu nhập của GV biên chế cũng như GV hợp đồng còn quá thấp, khiến các trường khó giữ chân GV. Hơn chục năm nay, mức lương 50.000 đồng/ tiết dạy tiếng Anh tăng cường của GV vẫn chưa thay đổi. Mức thu nhập thấp khiến họ phải tìm đến các trung tâm dạy thêm để trang trải cuộc sống. Vì thế thời gian gắn bó với trường lớp không nhiều.
Việc đề án được UBND TP phê duyệt cũng đồng nghĩa UBND TP đã phê duyệt kinh phí. Theo đó chúng tôi sẽ có điều kiện triển khai, khắc phục khó khăn, cố gắng thực hiện tốt những mục tiêu đề ra.
PV: Vừa qua, Anh văn Hội Việt Mỹ đã có kết quả về khóa bồi dưỡng đội ngũ GV tiếng Anh bậc tiểu học. Theo đó, số GV đạt chuẩn chưa nhiều. Ông đánh giá như thế nào về kết quả này?

Cô trò Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) trong giờ học tiếng Anh. Ảnh: N.Trinh

– Về năng lực ngoại ngữ, ngay từ nguồn đầu ra tại các trường ĐH-CĐ sư phạm, nhiều GV vẫn còn khuyết kỹ năng nghe và nói. Mặt khác, hiện nay số lượng học sinh tại các trường yếu hai kỹ năng này cũng rất nhiều. Do đó, chúng tôi luôn tiến hành rà soát trình độ và phân loại GV theo từng nhóm, từng lớp để tập trung bồi dưỡng đúng vào những kỹ năng còn khuyết, đặc biệt chú trọng hai kỹ năng nghe – nói. Trong một khóa bồi dưỡng có những kết quả phân loại nhất định như tốt, khá, trung bình. Song điều quan trọng là làm sao giúp GV thấy được năng lực của bản thân đến đâu để tiếp tục tự bồi dưỡng về sau. Trong suốt quá trình thực hiện, chúng tôi thật sự may mắn khi có được đội ngũ GV chuyên cần, ý thức cao. Các thầy cô đã chủ động sắp xếp công việc để tham gia đầy đủ các khóa bồi dưỡng. Từng khóa bồi dưỡng sẽ là điều kiện để GV nâng cao năng lực, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu đề ra của đề án.
Thưa ông, với những khó khăn trên, liệu chúng ta có thể thực hiện được mục tiêu đến năm 2015-2016 đạt 70% số HS lớp 3 được học tiếng Anh?
– Vì đề án được UBND TP phê duyệt đúng vào học kỳ II năm học 2011-2012 nên chúng tôi sẽ bắt đầu thực hiện vào năm học tới. Cụ thể, chúng tôi sẽ triển khai đề án xuống các quận, huyện theo lộ trình từ bậc tiểu học đến bậc trung học. Trước mắt, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai thêm 5% các trường tiểu học có điều kiện trong tổng số trường tiểu học trên địa bàn TP. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tính toán kinh phí một cách hợp lý để phân bổ xuống các trường, đầu tư trang thiết bị, xây dựng cơ sở vật chất, chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất cho việc thực hiện đề án. Ngoài ra, chúng tôi cũng cố gắng mời các đơn vị, các trung tâm ngoại ngữ hợp tác, giới thiệu các GV bản ngữ để mỗi trường có một GV bản ngữ trong năm học nhằm nâng cao năng lực nghe – nói trong quá trình dạy và học.
Xin cám ơn ông!
Ngọc Trinh (thực hiện)
 

Bình luận (0)